HSBC: Các thị trường mới nổi trì trệ phát triển kinh tế
(Vietstock) – Báo cáo Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi của HSBC (HSBC Emerging Markets Index – EMI) cho thấy tăng trưởng tại các thị trường mới nổi tiếp tục trì trệ trong quý 4/2011.
Theo đó, chỉ số EMI tăng nhẹ lên mức 52.2 điểm từ mức 52 điểm của quý 3, phản ánh tỷ lệ mở rộng kinh tế cải thiện nhẹ khi thương mại thế giới suy giảm trong suốt năm 2011, sau khi đã chạm mức cao nhất vào đầu năm 2011.
Sản lượng sản xuất tại các thị trường mới nổi đã sụt giảm trong 2 quý liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ quý 1/2009, do ảnh hưởng của sự suy giảm sản lượng đầu ra tại nhà máy trên khắp các thị trường mới nổi châu Á. Ngược lại, trong quý 4, các nhà cung cấp dịch vụ chứng kiến hoạt động kinh doanh của ngành tăng trưởng nhanh hơn mức thấp của 9 quý vừa qua được ghi nhận trong quý 3/2011, và tiếp tục biểu thị sự lạc quan trong triển vọng kinh doanh năm tới, mặc dù mức lạc quan này khá thầm lặng hơn so với những chỉ số trước.
Báo cáo chỉ số EMI trong quý 4 báo hiệu rằng chỉ số quản lý giá nguyên liệu sản xuất đầu vào thấp hơn 19 điểm so với một năm trước.
Báo cáo của HSBC cho thấy Đài Loan và Hàn Quốc dẫn đầu suy giảm sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, khuynh hướng sụt giảm này phản chiếu khá rõ khắp châu Á khi Trung Quốc và Hồng Kông có sự sụt giảm nhẹ trong sản lượng đầu ra và Singapore thể hiện sự trì trệ. Trong khi đó, các nhà sản xuất Ấn Độ đã báo cáo khả năng mở rộng sản xuất vững chắc, mặc dù chỉ số của quý này thấp thứ ba trong lịch sử. Ngoài ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất mạnh mẽ, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong 3 quý vừa qua. Cộng hòa Séc và Ba Lan có mức mở rộng sản xuất yếu hơn năm trước.
Các nhà sản xuất tại các thị trường mới nổi cũng ghi nhận số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu mới có thấp hơn chút ít trong quý 4 mặc dù tốc độ suy giảm đã chậm lại so với các quý trước. Sự tăng trưởng xuất khẩu phục hồi tại cả 3 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong khi Brazil lại tiếp tục sụt giảm trong 3 quý liên tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều ghi nhận tăng trưởng trong quý 4 trong khi tất cả các thị trường còn lại đều sụt giảm.
Tăng trưởng hoạt động lĩnh vực dịch vụ có chiều hướng đi lên sau khi quý 3/2011 ghi nhận mức thấp nhất trong 9 quý vừa qua, với Brazil và Trung Quốc đều có tốc độ mở rộng nhanh hơn trong suốt quý 4, trong khi Ấn Độ và Nga lại có mức tăng trưởng giảm nhẹ.
Ông Stephen King, Kinh tế gia trưởng, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC cho biết: “Các thị trường mới nổi đã kết thúc năm 2011 với sự cải thiện nhẹ trong việc mở rộng kinh tế vào quý cuối cùng. Mặc dù không thấp như giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, chỉ số EMI quý này lại thua xa các kỷ lục đã đạt được vào những tháng đầu của giai đoạn phục hồi kinh tế cuối năm 2009 và đầu 2010”.
Ông Stephen King cho rằng mặc dù đổ lỗi cho các nhân tố khách quan đã gây ra suy giảm hoạt động kinh tế của các thị trường mới nổi, nhưng chính bản thân các nền kinh tế này cũng có phần làm mất đà sản xuất. Ngoài ra, những bất ổn kinh tế và chính trị khu vực Trung Đông gia tăng kéo theo việc đội giá dầu lên cao đã khiến cho các quốc gia mới nổi không tránh khỏi phải thiết lập các chính sách hạn chế tăng trưởng và giảm áp lực giá cả nhằm tránh lạm phát.
Theo ông Stephen King, những chính sách thắt chặt tiền tệ đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên, mối lo ngại mới về tăng trưởng vốn được dự báo sẽ tiếp diễn trong suốt năm 2012 do tác động toàn diện của khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Ấu.
Ông khuyến cáo các quốc gia mới nổi cần cắt giảm lãi suất, đồng thời tung ra các chính sách kích thích tài khóa để thúc đẩy khả năng phục hồi cho toàn khu vực.
Được biết, chỉ số EMI của HSBC được tính toán dựa trên nguồn số liệu từ cuộc khảo sát chỉ số quản lý sản xuất PMI do công ty cung cấp thông tin tài chính toàn cầu Markit tiến hành. Kể từ năm 2009, HSBC đã hợp tác với Markit để tài trợ và tiến hành các cuộc khảo sát PMI tại một số thị trường mới nổi.
Bội Mẫn
|