Đầu tàu lợi nhuận ngân hàng có từ đâu?
Năm 2011, lợi nhuận trước thuế VietinBank (HOSE: CTG) đạt 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010 và đạt 158,9% kế hoạch.
Gần như chắc chắn VietinBank là đầu tàu lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2011, về con số tuyệt đối; tỷ suất lợi nhuận cũng ở nhóm dẫn đầu.
Trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, hai thành viên lớn là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Á châu (ACB) cùng lúc công bố kết quả kinh doanh năm 2011. Hiện còn một thành viên thường có lợi nhuận lớn khác là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) vẫn đang là “ẩn số”.
Nhưng dù có bất ngờ nào trong những kết quả tiếp tục công bố sắp tới thì gần như chắc chắn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) là đầu tàu lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2011, về con số tuyệt đối; tỷ suất lợi nhuận cũng thuộc nhóm dẫn đầu.
Theo thông tin đã công bố, đến 31/12/2011, tổng tài sản của VietinBank đạt 460.421 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2010; tỷ lệ nợ xấu 0,74%; tăng trưởng dư nợ cho vay và đầu tư 24,8%; tổng nguồn vốn huy động tăng 24,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010 và đạt 158,9% kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,4%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,96%.
8.105 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng. Các công ty con của VietinBank dự kiến đều có lãi trong năm 2011 và kết quả hợp nhất sẽ cao hơn nữa. Là doanh nghiệp, lợi nhuận cao là bình thường, là hiệu quả kinh doanh, là lợi ích của các cổ đông. Song, lợi nhuận đến từ đâu cũng là điểm cần được quan tâm.
VietinBank chưa công bố cụ thể và chi tiết các nguồn thu, nhưng bản tin phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) đưa ra những dữ liệu tham khảo đáng chú ý.
Cụ thể, theo HSC, trong năm 2011, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng trưởng mạnh, tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tới 89% vào tổng thu nhập hoạt động; trong khi thu nhập từ dịch vụ chỉ chiếm 5%; tiền thu hồi từ các khoản nợ xấu đã xử lý chiếm 5%.
Thu nhập lãi thuần VietinBank đạt cao dựa trên tăng trưởng tín dụng tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ lãi biên (NIM) tăng mạnh từ mức 4,25% của năm 2010 lên 5,4% trong năm 2011.
Với phân tích trên, bước đầu có thể định hình cơ sở để VietinBank có lãi lớn trong năm 2011. Một điểm nổi bật là họ có một tỷ lệ lãi biên rất cao, cao hơn hẳn mức bình quân ngành những năm gần đây.
Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đặt giới hạn chung tăng trưởng tín dụng dưới 20% cho các ngân hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng tạo lợi nhuận. Tuy nhiên, theo thông tin và thực tế từ một số thành viên, giới hạn dưới 20% đó đã bị xóa bỏ bởi có những trường hợp được phép tăng trên 20%, thậm chí tới 27%...
Và như những phân tích trước đây, khi tăng trưởng tín dụng bị giới hạn ở mức thấp, lãi suất cho vay sẽ bị áp ở mức cao hoặc ngân hàng sẽ giữ một tỷ lệ lãi biên cao để bù cho lợi nhuận. Tỷ lệ lãi biên của VietinBank là một điển hình.
Nếu theo dữ liệu tính toán trên của HSC, ngay trong năm 2010, khi mà chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động bình quân của hệ thống đã giảm về sát 2,5%/năm (theo lời lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2010), thì của VietinBank vẫn ngất ngưởng tới 4,25%. Năm nay, tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và lên tới 5,4% như tính toán của HSC.
5,4% cũng là cao hơn hẳn so với bình quân hệ thống những năm gần đây, ngay cả những năm 2006 - 2008 có tỷ lệ cao (bình quân từ 4,45% - 4,63%).
5,4% cũng là cao hơn hẳn so với tỷ lệ ước tính của một số ngân hàng lớn khác. Như tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỷ lệ lãi biên năm 2011 cũng tăng nhưng dự tính chỉ ở khoảng 4,35%. Hay tại hiện tượng lợi nhuận năm 2011 là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ lãi biên dự tính còn thấp hơn, chỉ khoảng trên dưới 4%, thậm chí bình quân 6 tháng đầu năm 2011 chỉ khoảng 3,5%.
Đặt trong sự quan tâm của dư luận hiện nay, giả sử VietinBank có lợi nhuận cao như vậy, nhưng giảm bớt sự lệ thuộc ở thu nhập lãi thuần và nâng cao hơn nữa tỷ trọng thu từ dịch vụ thì sẽ tạo tính “thuyết phục” cao hơn. Bởi phía sau những tỷ lệ lãi biên cao như vậy là áp lực và khó khăn của doanh nghiệp vay vốn…
Minh Đức
TBKTVN
|