TS.Lê Xuân Nghĩa: "Tin đồn lãi suất sắp giảm chưa chính xác"
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết thông tin lãi suất huy động sẽ giảm xuống 12% trong tháng này là chưa chính xác. Ông cho rằng đây là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào năm 2012.
|
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa |
Hiện có thông tin về việc lãi suất huy động sẽ giảm xuống 12% trong tháng 12 năm nay, sau nhiều thông tin từ NHNN và Chính phủ cho biết sẽ xem xét giảm lãi suất huy động sau khi lạm phát liên tục ở mức thấp trong các tháng qua. Vậy thông tin này chính xác đến đâu, thưa ông?
- Ông Lê Xuân Nghĩa: Đúng là trong vài tháng qua, lạm phát đã giảm xuống dưới mức 1%/tháng. Dự kiến trong tháng 12 này, mức tăng cũng không vượt quá 0,5% và các tháng tiếp theo cũng trên dưới mức này. Như vậy, đây có thể là cơ sở để giảm lãi suất. Nhưng tôi khẳng định đây không phải là chuyện có thể xảy ra trong ngày một, ngày hai như thông tin trên chúng ta nghe được. Vì tỷ giá hối đoái đang đứng trước sức ép đi lên do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang tăng mạnh, nên sẽ có hiện tượng mua ngoại tệ trả nợ. Con số 12% nói trên là định hướng điều hành của chính sách tiền tệ trong năm sau, thậm chí có thể lãi suất còn giảm hơn mức này.
Nếu lãi suất huy động giảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng thương mại?
- Hiện tại NHNN đã dùng nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ và điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho ngân hàng thương mại khi gặp khó. Nhưng theo tôi, biện pháp cần làm ngay không phải là giảm trần lãi suất huy động mà là bỏ luôn trần này. Chắc chắn ban đầu các ngân hàng nhỏ sẽ tăng lãi suất, nhưng dần dần thị trường sẽ điều tiết ở mức hợp lý. Nếu áp trần lãi suất cho vay thì tốt hơn, vì như vậy doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Trong khi với trần huy động, chỉ người gửi tiền được ưu tiên.
Bên cạnh đó, cũng nên quy định mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng, vì quy mô mỗi ngân hàng khác nhau, hoặc bỏ quy định hạn mức này. Nên dùng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để khống chế tăng trưởng tín dụng thì sẽ hợp lý hơn.
Như vậy, ông có nghĩ đến năm sau, doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn?
- Chính phủ có định hướng năm 2012 vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì tăng trưởng, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách tiền tệ trong năm sau sẽ linh hoạt hơn, doanh nghiệp có khả năng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.
Đồng thời, chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại.
Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn có giúp gì cho thị trường chứng khoán và bất động sản, thưa ông?
- Để phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng…thì Chính phủ chủ trương phục hồi lại thị trường tài sản. Đồng thời, việc làm này cũng rất cần thiết, tạo nền tảng để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng chính là thị trường chứng khoán. Vì vậy, muốn tái cấu trúc ngân hàng thì việc làm cần thiết là hỗ trợ cho cả 2 thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Thương
TBKTSG ONLINE
|