Trong bối cảnh khó khăn, DN bất động sản cần “thay máu”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, nếu không có giải pháp thì nhiều doanh nghiệp (DN) còn phá sản. Vì thế, để đứng vững trong thị trường khắc nghiệt, DN bất động sản (BĐS) phải tái cấu trúc trước hết là về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn…
Tái cơ cấu để tồn tại
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các DN cũng phải chịu quy luật phát triển, có đơn vị nghiệp phát triển lên, có người bị đào thải. Bộ trường cho rằng, ngay như Nhật, mỗi năm hàng nghìn, hạng vạn DN phá sản. Phá sản là chuyện bình thường, nhưng phá sản nhiều hay ít thì cần phải lưu ý. Trong bối cảnh khó khăn, nếu không có giải pháp thì nhiều DN còn phá sản, dù không ai muốn.
Đây thuộc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Chính phủ. Tuy nhiên, DN cũng phải tái cấu trúc trước hết là về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn để có thể đứng vững trong thị trường đầy khắc nghiệt như hiện nay.
TS Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, các DN BĐS muốn tồn tại và vượt qua khủng hỏang thì cần phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu lại DN, phải biết sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngoài ra, phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường.
|
Để đứng vững trong thị trường khắc nghiệt, DN BĐS phải tái cấu trúc. |
Khi thị trường BĐS còn ở đỉnh cao, nhiều DN đã chạy đua theo thị trường, mặc dù vốn tự có rất ít nhưng lại sử dụng nợ vay nhiều để đầu tư hàng loạt dự án. Khi thị trường rơi vào suy thoái thì đầu ra tắc nghẽn và các DN thiếu vốn trầm trọng cộng thêm áp lực ngân hàng siết nợ đến cuối năm đang đè nặng.
Theo ông Hiếu, trước hết các DN này phải giải quyết được nhu cầu khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ cũng như chi phí lãi vay cao bằng cách: chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án đang triển khai, mua bán, sát nhập dự án… biện pháp này sẽ giúp các DN tháo gỡ các khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí…
Ngoài ra, về lâu dài để tránh phụ thuộc quá nhiều từ nguồn tín dụng ngân hàng các DN cũng nên tận dụng nguồn vốn từ các kênh huy động khác: huy động thông qua phát hành các công cụ nợ, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán, thu hút vốn từ nguồn khách hàng... Tuy nhiên, trong giai đoạn tình hình thị trường sụt giảm mạnh như hiện nay, chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi vay tăng cao đã làm tê liệt hầu hết các kênh huy động vốn trong nước.
Do đó các DN trong nước có thể tính đến việc chào bán sản phẩm hoặc thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam. Bênh cạnh đó, các DN cũng cần phải thực hiện một chính sách linh hoạt hơn trong chiến lược đầu tư kinh doanh, không nên dàn trải đầu tư tràn lan mà cần phải tập trung nguồn lực chuyển hướng vào các dự án trọng điểm đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thị trường, phù hợp với chính sách quy hoạch của nhà nước và có nhiều tiềm năng phát triển lâu dài tiêu biểu như: phân khúc nhà ở trung bình và nhà cho người có thu nhập thấp, dự án ở các vùng ven của các thành phố lớn vì giá đất còn rẻ.
Nên chuyển hướng phân khúc đầu tư
Ông Hiếu phân tích, riêng đối với phân khúc thị trường bình dân trong những năm qua vốn khan hiếm các chủ đầu tư, nhà cung cấp. Vì chi phí giá thành sản phẩm cao và những vướng mắc trong quy hoạch, pháp lý… nhưng giá bán ra lại thấp dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với phân khúc thị truờng căn hộ cao cấp. Cho nên phân khúc nhà ở trung bình và dưới trung bình còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong lâu dài chứ không riêng gì trong giai đọan hiện nay.
Còn đối với các doanh nghiệp BĐS, việc thay đổi cơ cấu, chuyển biến mục tiêu hợp lý để thích nghi với điều kiện kinh tế là điều tất yếu giúp DN có thể sống sót qua các giai đoạn khủng hoảng của thị trường. Do đó, việc các DN BĐS chuyển hướng cơ cấu kinh doanh vào các phân khúc và các thị trường nhiều tiềm năng là điều hoàn toàn phù hợp (trong đó có phân khúc thị trường bình dân).
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng khuyến cáo việc định hướng và phát triển dòng sản phẩm vào phân khúc thị trường bình dân trong giai đoạn hiện nay là điều không dễ thực hiện, đòi hỏi các DN phải giải quyết được bài toán chi phí tăng cao. Các DN rất cần được sự hỗ trợ và khuyến khích từ Bộ xây dựng và Chính phủ để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, diện tích nhà ở, cách tính tiền sử dụng đất và giảm thiếu các chi phí phát sinh để giúp hạ giá thành sản phẩm từ đó hạ được giá bán đầu ra mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Lê Thảo
Lao động
|