Thuận lợi trong đầu tư vào Tiểu vùng sông Mê Kông
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư Tiểu vùng sông Mê Kông 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACEAD) và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức tại TP.HCM cuối tuần trước, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng, song đến nay, thu hút đầu tư giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia vẫn ở mức cao.
Lào và Campuchia đang chiếm 50% số dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, với tổng vốn xấp xỉ 5,4 tỷ USD, trong đó Lào có hơn 200 dự án và Campuchia có khoảng 100 dự án.
Nói về cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, ông Chan Long, Trưởng đại diện Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia tại Vương quốc Campuchia cho biết, hiện nay ở Campuchia, trình độ phát triển sản xuất công nghiệp còn khá hạn chế, rất thiếu các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, thị hiếu tiêu dùng ở đây lại chưa quá khắt khe. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, đồ nhựa, mỳ ăn liền, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp… có thể dịch chuyển nhà máy sang Campuchia để đầu tư sản xuất.
Theo ông Chan Long, thị trường hàng tiêu dùng Campuchia rất tiềm năng và đang được doanh nghiệp Việt Nam khai thác khá tốt. Tuy nhiên, hình thức buôn bán chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch, khiến lượng hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng Campuchia còn nhỏ lẻ. Các công ty của Campuchia mua hàng của Việt Nam đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, với hình thức thanh toán chủ yếu là thanh toán trực tiếp. Phương thức thanh toán qua ngân hàng bằng L/C chưa phổ biến, dẫn đến rủi ro cho người bán hàng Việt Nam, nếu bị thanh toán chậm, thanh toán gối đầu…
“Để chủ động trong kinh doanh và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm đến các tỉnh của Campuchia, các doanh nghiệp nên thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia”, ông Chan Long khuyến cáo.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, các doanh nghiệp Việt Nam hiện tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh về tài nguyên của Lào như nông nghiệp, trồng cao su, cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, thủy điện… Tuy nhiên, Lào cũng mời gọi các nhà đầu tư Việt Nam hướng đến các dự án khác như phát triển hạ tầng, đầu tư giáo dục, y tế và phát triển du lịch.
Là doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Lào, ông Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk cho biết, với giấy phép phát triển 10.000 ha cao su và các cây công nghiệp khác tại 4 tỉnh Nam Lào, từ năm 2004, Công ty đã đầu tư 34 triệu USD vào dự án này và từ năm 2010 đã có sản phẩm để chế biến cao su tại đây nhằm phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Văn Khiết, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào phải có cái nhìn dài hạn và gắn bó với bà con địa phương. “Những kết quả mà doanh nghiệp làm được như hỗ trợ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con địa phương… đều được người dân tại đây ghi nhận và báo công lên các cấp chính quyền”, ông Khiết nói và cho biết thêm, một thuận lợi khác khi làm ăn lâu dài tại Lào là chính quyền và địa phương Lào đã cam kết những gì thì họ luôn cố gắng thực hiện, dù thời gian có thay đổi. Trong 5 - 6 năm qua, giá đất thị trường đã tăng cao rất nhiều, nhưng phía Lào vẫn giữ mức giá thuê đất cho công ty ông như đã cam kết ban đầu.
Quang Duy
Đầu tư
|