Triển vọng thị trường Campuchia
Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập kênh phân phối tại Campuchia
Hiện thị trường Campuchia còn rất nhiều “dư địa”cho hàng hóa và các nhà đầu tư Việt Nam trên các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, xây dựng, du lịch…
Phủ rộng hàng Việt Nam
Hội chợ Thương mại Việt Nam – Campuchia do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức tại tỉnh Battambang (từ ngày 24 đến 28-11) với gần 120 doanh nghiệp (DN) tham gia, vừa kết thúc. Cô Lyyou Lim ở gần chợ Bưng Chhoik nói 3 năm nay, mỗi lần có hội chợ hàng Việt Nam ở Battambang cô đều đến thăm. Gia đình cô rất thích dùng hàng Việt Nam, như mì gói, bánh, nước mắm, sữa chua… Nhưng muốn mua cũng phải đi gần 300 km. Trong khi các tỉnh ở Tây Bắc Campuchia, trong đó có Battambang gần biên giới Thái Lan hơn nên hàng Thái Lan nhiều hơn.
Sau mấy lần TPHCM tổ chức hội chợ ở Battambang, đã bắt đầu có hàng từ Việt Nam bày bán trong các chợ nơi đây. Nếu như năm trước chỉ có mì của Acecook, bánh Kinh Đô, trái cây sấy Follow Me, dầu Cái Lân, cà phê, xà bông và nước rửa chén Lix, Net, đồ nhựa Vỹ Hưng, Duy Tân thì năm nay có thêm sữa Vinamilk, mì Leon, mì Gấu Đỏ, áo mưa, đồ nhựa Song Long…
|
Sản phẩm từ nhựa của Việt Nam được người tiêu dùng Campuchia quan tâm tại Hội chợ Battambang |
Theo ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, ngoài hàng tiêu dùng, Campuchia còn có nhu cầu nhập khẩu cao vật tư nông nghiệp như phân bón, giống cây, máy cày, máy gieo lúa; vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đồ trang trí nội thất, nguyên, phụ liệu phục vụ ngành may mặc và giày dép.
Tiểu thương chợ Bưng Chhoik nhận xét rằng để cho người Campuchia thích hàng Việt Nam thì phải làm cho hàng Việt Nam xuất hiện ấn tượng hơn. Mấy năm qua, người dân Battambang đi hội chợ hàng Việt Nam thấy hàng tốt giá rẻ thì mua, chứ cách giới thiệu, quảng bá của DN Việt Nam còn đơn điệu. Sau hội chợ, DN cần nhanh chóng lập mạng lưới phân phối, sẽ có kết quả tốt hơn.
Nhiều lĩnh vực khác có thể khai thác tốt
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 quý đầu năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Campuchia đã đạt 2,07 tỉ USD, mức kỷ lục trong những năm gần đây, vượt mức mục tiêu 2 tỉ USD của hai bên trong cả năm 2011. Trong đó, kim ngạch của Việt Nam xuất sang Campuchia đạt 1,731 tỉ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2010.
Tỉnh trưởng Siem Reap, ông Sophearin, cho rằng ngoài hàng hóa, DN Việt Nam nên khai thác lĩnh vực du lịch tại Campuchia. Ông khẳng định tỉnh Siem Reap luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN Việt Nam sang đầu tư các sản phẩm du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Tại Campuchia, hằng năm dư thừa khá nhiều lúa, sắn, bắp để xuất khẩu. Năm 2010, sau khi cân đối nhu cầu lương thực trong nước còn dư 3,8 triệu tấn lúa. Năm 2011, tuy bị ảnh hưởng của lũ lụt nhưng sản lượng lúa Campuchia vẫn đạt khoảng 8 triệu tấn, dư 3,32 triệu tấn lúa . Các tỉnh Battambang, Beantea Meanchay, Pursat, Siem Reap, Kampong Speu mong các DN Việt Nam sang thu mua lúa gạo, nông sản, đầu tư nhà máy xay xát lúa bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, mặt khác, giúp nông dân đầu tư giống lúa có năng suất cao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Các tỉnh còn kêu gọi DN Việt Nam đầu tư vào trồng rau xanh, cây ăn trái, nuôi tôm cá để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu vì hiện nay Campuchia vẫn phải nhập khẩu rau quả, tôm cá để phục vụ thị trường nội địa.
Nguyễn Vân
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|