Thứ Sáu, 21/10/2011 15:18

Tây Bắc Campuchia: Có thể khai thác cả thương mại và đầu tư

Hội chợ triển lãm thương mại Việt Nam – Campuchia diễn ra từ 25 – 28.11.2011 tại Battambang là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thâm nhập thị trường Tây Bắc Campuchia.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, phó giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, tuỳ điều kiện, lĩnh vực, doanh nghiệp có thể theo một trong ba hướng: đầu tư nông nghiệp – chế biến – thương mại; khai thác – chế biến – thương mại; du lịch – thương mại.

Một thị trấn ở Siem Reap

Tăng quảng bá, sức tiêu thụ sẽ tăng

Vùng Tây Bắc Campuchia gồm các tỉnh Battambang, Siem Reap, Pur Sat, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Pailin. Thu nhập bình quân trên đầu người của người dân ở vùng này là khoảng 796 USD/người/năm, không thua Việt Nam bao nhiêu, nên chi tiêu của họ không nhỏ. Thị trường này khá dễ tính, có thể thấy qua hai lần hội chợ ở Battambang, sản phẩm Việt Nam bán được, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoá mỹ phẩm… cho đến hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ hàng Việt Nam chất lượng cao đã có mặt nhiều năm ở thị trường Campuchia cho đến những sản phẩm nhãn hiệu mới. Theo ông Ngọc, khả năng tiêu thụ hàng Việt Nam còn tăng vì người dân vùng Tây Bắc Campuchia đã quen với hàng Việt Nam, thích dùng hàng Việt Nam hơn.

Các tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia giáp với Thái Lan, nên Việt Nam không có lợi thế bằng Thái Lan trong việc vận chuyển hàng hoá, nhưng tại các chợ, siêu thị và cửa hàng tạp hoá của vùng này đã có ít nhất 100 mặt hàng Việt Nam được bày bán. Một số mặt hàng sữa, các loại thực phẩm chế biến đông lạnh, trà, bánh, mì gói, đồ nhựa… chiếm vị trí áp đảo trên các sạp chợ, kệ hàng trong siêu thị ở Battambang và Siem Reap. Theo tiểu thương ở đây, nếu tổ chức cho thử sản phẩm trực tiếp tại các chợ, hàng Việt Nam sẽ gây sự chú ý hơn đối với người tiêu dùng.

Đầu tư, khai thác lĩnh vực nông nghiệp

Năm ngoái, lãnh đạo sáu tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia đều mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, vì ngoài Siem Reap có thế mạnh du lịch, Pailin nhờ vào khai thác khoáng sản và kinh tế biên giới, bốn tỉnh còn lại của vùng này chủ yếu làm nông nghiệp, trong đó gạo là mặt hàng chính, kế đến là các loại cây công nghiệp như bắp đỏ, khoai mì, mè…

Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đầu tư nhà máy xay xát gạo tại Campuchia bởi không hiệu quả khi một năm chỉ có một vụ lúa, nhưng nông dân Campuchia rất cần sự hỗ trợ nâng cao năng suất bằng việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, các biện pháp thuỷ lợi, công nghệ sau thu hoạch. Đối với các loại nông sản, cây công nghiệp, hiện nay doanh nghiệp chỉ mua từ Campuchia, giờ có thể nghĩ đến việc đầu tư cho nông dân trồng để thu hoạch làm nguồn nguyên liệu chế biến. Thuỷ sản cũng là một lĩnh vực có thể đầu tư, vì Biển Hồ của Campuchia có nguồn thuỷ sản nước ngọt trữ lượng lớn.

Gắn thương mại với du lịch

Mỗi năm, Siem Reap đón khoảng 2 – 3 triệu khách du lịch. Một số công ty du lịch Việt Nam đã thấy tiềm năng kết nối tuyến điểm Campuchia – Việt Nam, đã đặt văn phòng tại Siem Reap thu hút nguồn khách này, nhưng chưa nhiều. Đây là thị trường mà ông Ngọc đánh giá nên tích cực khai thác.

Hiện nay nhiều mặt hàng Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch ở Siem Reap. Đặc biệt, lượng du khách Nhật, Hàn Quốc vào Campuchia ngày càng đông, họ vào những nơi mua sắm này lại thích hàng Việt Nam, nhất là sản phẩm được đóng gói đẹp, tỉ mỉ. Doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu thêm phân khúc thị trường này.

Các Ngọc

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hạn chế nguồn gỗ nhập từ Lào… (16/10/2011)

>   Campuchia kêu gọi doanh nghiệp VN thu mua nông sản (07/10/2011)

>   Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn phát triển thủy điện ở Lào (19/09/2011)

>   Việt Nam là thị trường số 1 của du lịch Campuchia (14/09/2011)

>   VN – Lào hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại (09/09/2011)

>   Trao đổi thương mại Việt Nam-Campuchia tăng mạnh (08/09/2011)

>   Hoàn thành cẩm nang xuất khẩu vào thị trường Myanmar (05/09/2011)

>   Thúc đẩy thương mại khu biên giới với Campuchia (01/09/2011)

>   Campuchia: Cho phép dân tái định cư ở khu đất vàng (25/08/2011)

>   Việt Nam - Lào thông qua dự án khai thác mỏ kali (19/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật