Thứ Hai, 19/12/2011 15:39

Thử thách chờ MBB tại Campuchia…

Ngày 20/12, 33 cán bộ nhân viên của Ngân hàng Quân đội (MBB) sẽ chính thức mở một mũi nhọn mới ở hải ngoại với sứ mệnh khai phá thị trường Campuchia, và họ cũng chính thức bước vào một thử thách lớn.

Có vẻ như đơn giản khi thấy rằng Campuchia là một thị trường gần, quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam. Với riêng hoạt động ngân hàng, cũng chẳng xa lạ khi tại đây đã có sự hiện diện của Agribank, Sacombank, BIDV và nay có thêm MBB như một phép cộng đơn thuần.

Nhưng, thực tế sẽ là một thử thách lớn. Ngay cả “ông lớn” như BIDV, hoạt động kinh doanh ngân hàng tại nước láng giềng này phải mất hơn hai năm mới bắt đầu có lãi - theo thông tin từ ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, tại buổi công bố thông tin mới đây. Cũng cần lưu ý rằng, kết quả đó đến được từ một lực đẩy mạnh: ngày 28/8/2009, BIDV chính thức lập ngân hàng 100% vốn trực thuộc trên cơ sở mua lại toàn bộ Ngân hàng Thịnh Vượng Campuchia với quy mô vốn điều lệ lên tới 70 triệu USD.

Nay, MBB nhập cuộc, 33 nhân sự với 39 triệu USD vốn điều lệ của chi nhánh là một sự khởi đầu. Thử thách lớn đang đặt ra trước mắt.

Rõ ràng chỉ riêng trong “nội bộ” ngân hàng Việt, MBB đã phải tính đến cả việc cạnh tranh với các đồng hương lớn và mạnh là Agribank, BIDV và Sacombank trên đất khách. Áp lực cạnh tranh sẽ lớn và tập trung ngay ở phân khúc được xem là cầu nối giữa hai thị trường.

Ba thành viên đi trước hẳn có cùng một điểm xuất phát trước hết là phục vụ các khách hàng cá nhân, tổ chức của Việt Nam làm ăn với nước bạn. Và họ có được lợi thế đi đầu. Dĩ nhiên, MBB có những mối quan hệ truyền thống riêng, đặc biệt là sự song hành của Tập đoàn Viettel, nhưng sẽ có nhiều áp lực khi khai thác các mối quan hệ mới.

Với thị trường bản xứ, trước mặt MBB là 25 ngân hàng thương mại với 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 21 ngân hàng bản địa. Thế mạnh tại đây đang tập trung ở khối ngân hàng nước ngoài với 65% thị phần toàn hệ thống; đặc biệt là vị thế của bốn ngân hàng lớn nhất gồm ACLEDA Bank, Canadia Bank, Campubank và ANZ Royal (chiếm tới 64% tổng tài sản, 72% tổng dư nợ và 70% tổng tiền gửi toàn hệ thống). Ở đây, sự hiện diện của MBB trong giới hạn của một chi nhánh sẽ phải cạnh tranh với những ngân hàng đã hoạt động một cách toàn diện.

Theo lãnh đạo của MBB, bên cạnh những thử thách đó, khó khăn đặt ra còn ở những yếu tố khó đong đếm. Chi nhánh MBB Campuchia sẽ phải vượt qua những rào cản về văn hóa, tâm lý thị trường cho đến những đặc thù về pháp lý, các rào cản kỹ thuật trong hoạt động… không hẳn đã luôn tương đồng với thực tế và kinh nghiệm tại Việt Nam.

Gói gọn lại, với MBB việc tiến đến Campuchia lần này là một sự khởi đầu cho những thách thức ở phía trước. Nhưng họ tự tin và họ có quyết tâm.

Ông Thân Thế Hanh, Giám đốc MBB Campuchia, kỳ vọng rằng chi nhánh mới sẽ sớm lọt vào tốp 5 ngân hàng dịch vụ tốt nhất và lớn nhất của nước này. Quan trọng hơn, đó là một mũi nhọn mới trong chiến lược mở rộng thị trường, với Campuchia là sự khai phá.

Khai phá, bởi đây là một thị trường mà MBB nhìn nhận có nhiều tiềm năng. Campuchia là quốc gia đang có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Không phải ngẫu nhiên mà lượng ngân hàng nước ngoài tại đây lại áp đảo so với bản địa.

“Điều đáng nói là tuy đang phát triển nhanh, khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân nơi đây còn khá hạn chế. Tăng trưởng huy động vốn chậm, dịch vụ ngân hàng còn nghèo nàn và gói gọn trong các dịch vụ truyền thống như tiền gửi, cho vay, thanh toán. Trong khi đó, dịch vụ thẻ rất ít, thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, kinh doanh ngoại hối gần như chưa có, giao dịch phái sinh và thị trường trái phiếu chưa xuất hiện”, ông Thân Thế Hanh cho biết.

Cũng như các thành viên đi trước, MBB là một ngân hàng đa năng, đã có kinh nghiệm và nguồn lực mạnh tại Việt Nam ở nhiều mảng nghiệp vụ, dịch vụ hiện đại. Theo đó, đi trước ở thời điểm này là để đón đầu quá trình phát triển của thị trường Campuchia trong tương lai gần.

Ở chi nhánh mới, MBB Campuchia sẽ cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ như huy động, cho vay, tài trợ thương mại, bao thanh toán, kinh doanh ngoại tệ và vàng, chuyển tiền, thu chi hộ, thu đổi ngoại tệ, dịch vụ ATM... Với sự hoạt động khá toàn diện như vậy, lãnh đạo MB tin tưởng rằng sẽ sớm khẳng định vị trí của mình bằng cạnh tranh chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Trước mắt, mục tiêu mà ngân hàng này xác định là đưa MBB Campuchia trở thành cầu nối hiệu quả giữa thị trường tài chính hai nước.

Ở sự ủng hộ chung, quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước đang có sự tăng trưởng nhanh chóng. Theo số liệu của Bộ Thương mại Campuchia, kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2011 đã tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 976 triệu USD; trong khi xuất khẩu sang Việt nam trong cùng kỳ tăng 116%, đạt 105,2 triệu USD. Ở lợi thế riêng, những năm gần đây MB đã củng cố quan hệ với nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mạnh tại nước bạn, trong đó có những đối tác, cổ đông chiến lược.

Tất cả mới ở sự khởi đầu. Nhưng có thể kỳ vọng MBB sẽ sớm gặt hái thành công ở điểm đến mới này, điều mà họ đã thể hiện được ở thị trường Lào. Sau gần một năm, chi nhánh MB tại Lào đã hoạt động khá hiệu quả với tổng số dư huy động là 23 triệu USD; tổng số dư cho vay là 16.8 triệu USD; tổng thu nhập là 945.000 USD; tổng chi phí là 833.000 USD và đã cho lợi nhuận trước dự phòng rủi ro là 111.460 USD.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Việt Nam tăng cường hợp tác tài chính với Lào (12/12/2011)

>   Doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia chưa sẵn sàng niêm yết (28/11/2011)

>   Việt Nam-Lào thúc đẩy hợp tác ngân hàng và đầu tư (23/11/2011)

>   LDB và CTG hợp tác phát triển dịch vụ thẻ (21/11/2011)

>   SHB được mở chi nhánh tại Lào (10/11/2011)

>   Sacombank lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Campuchia (30/09/2011)

>   Campuchia: Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm ACLEDA Bank (04/09/2011)

>   IMF giúp Myanmar đổi mới hệ thống tỷ giá hối đoái (01/09/2011)

>   Campuchia giữ nguyên dự trữ bắt buộc ở mức 12% (18/08/2011)

>   NHTW Lào sẽ giữ nguyên dự trữ bắt buộc (17/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật