Thị trường cao su cuối năm tiếp tục ảm đạm
Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su của ViệtNam đã suy giảm trong 3 tháng liên tiếp là tháng 9, 10 và 11, theo xu hướng trầm lắng của thị trường cao su thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ đạt 62.080 tấn, trị giá 231,72 triệu đô la, giảm 20,9% về lượng và giảm 31,9% về trị giá so với tháng 9, sang tháng 11, xuất khẩu mủ cao su được 60.000 tấn với kim ngạch 225 triệu đô la. Tính chung 2 tháng 10 và 11, giá mủ cao su thiên nhiên xuất khẩu giảm xuống còn 3.720-3.750 đô la/tấn, trong khi bình quân 10 tháng đầu năm, con số này là 4.306 đô la/tấn.
Trong nước: Giá mủ giảm mạnh
Xuất khẩu mủ cao su 11 tháng đầu năm nay được 651.000 tấn với kim ngạch 2,7 tỉ đô la, giảm 4,7% về khối lượng nhưng tăng tới 37,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá cao su thiên nhiên tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Trên thị trường trong nước, giá cao su tiếp tục giảm so với tháng 10 trong không khí giao dịch trầm lắng, mặc dù đang vào mùa cạo mủ cao su ở ViệtNam. Nếu như cuối tháng 10, giá mủ nước cao su tự nhiên loại 1 tại Bình Phước là 19.200 đồng/kg thì sang ngày 4/11 giá đã giảm xuống mức 17.700 đồng/kg, sau đó tiếp tục giảm xuống 16.800 đồng/kg vào ngày 10/11, tụt sâu xuống chỉ còn 13.800 đ/kg vào ngày 16/11, và bật tăng nhẹ trở lại 15.600 đ/kg.
So với mức đỉnh của tháng 10 đạt được vào ngày 21/10 là 24.500 đồng/kg, giá mủ cao su đã giảm mạnh gần 5.000 đồng/kg.
Giá cao su thiên nhiên đã sơ chế giảm từ 25.000 đồng/kg vào đầu tháng 11 xuống còn 18.000 đồng/kg vào ngày 17/11, và giảm so với 30.000 đồng/kg hồi đầu tháng 10.
Xuất khẩu: Trầm lắng
Trung Quốc hiện nay là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ, nhờ ngành công nghiệp ô tô nước này phát triển nhanh, đồng thời nước này cũng là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 60% lượng cao su xuất khẩu hàng năm.
Thế nhưng tình hình xuất khẩu cao su qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái thời gian gần đây vẫn tiếp tục đóng băng. Hiện có vài nghìn tấn cao su đang bị ách tắc tại cửa khẩu mà các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa có hướng giải quyết hữu hiệu. Những ngày này, không khí giao dịch tại cửa khẩu rất trầm lắng, khối lượng giao dịch lẻ tẻ, chỉ đạt từ 100 – 200 tấn/ngày.
Các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tiếp tục thúc ép lực lượng doanh nghiệp và thương gia phía họ chuyển sang giao dịch hệ chính ngạch khi nhập cao su thiên nhiên của Việt Nam hay bất kỳ nước nào trong khu vực chuyển tải, tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Móng Cái. Trong khi đó, các doanh nghiệp cao su trong nước từ nhiều năm qua bán tiểu ngạch cao su sang Trung Quốc đã thành thói quen.
Hồng Ngọc tổng hợp
tbktsg
|