Biết xử lý giống lúa giúp tăng thêm thu nhập
Dịch hại và sâu bệnh, biến đổi khí hậu là những mối nguy hiện hữu với mùa màng cũng như thu nhập của nông dân. Nhiều biện pháp can thiệp, trong đó có xử lý hạt giống bằng tiến bộ công nghệ được xem là chìa khoá giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Ông Huỳnh Văn Sơn, nông dân sở hữu 0,8 héc ta lúa ở huyện Thạnh Hoá, Long An, tham dự “Hội thi trộn giống trúng mùa” do công ty Syngenta tổ chức ở Cai Lậy, Tiền Giang, chia sẻ mùa lúa hè thu vừa qua, ông và nhiều nông dân khác trong huyện “trúng đậm” không chỉ vì giá lúa gạo lập kỷ lục cao nhất trong các vụ hè thu, mà còn vì tỷ lệ lúa tăng trưởng tốt hơn.
"Ông bà mình nói, nhất giống nhì phân tam cần tứ giống quả không sai", ông nói.
Trước đây ông Sơn phải dùng đến 150 kg lúa giống/hecta, với giá thị trường trên dưới 10.000 đồng/kg, chưa kể tỉ lệ thất thoát cao, ông phải tốn khoảng 1,5 triệu đồng tiền mua giống cho mỗi héc ta. Nay, với hạt giống được xử lý với thuốc Cruiser, ông chỉ còn cần đến 120 kg giống/héc ta, tiết kiệm được 300.000 đồng/héc ta. Chưa kể, tỷ lệ hao hụt, tức là số hạt “sống sót” cho đến khi lên cây cũng tăng lên, lúa khoẻ, cho năng suất cao và chất lượng hạt tốt hơn.
Câu chuyện của ông Sơn và những người nông dân khác được một nhà khoa học độc lập là ông Richard Sikora, Giáo sư danh dự của Đại học Bonn, Đức, đến Việt Nam dự hội nghị khoa học hạt giống quốc tế về công nghệ xử lý hạt giống do Syngenta tổ chức trong ngày 29-11 và 1-12, xem như câu chuyện điển hình về an ninh lương thực và đảm bảo dân sinh.
“Công nghệ giống làm tăng năng suất mùa màng, giúp đảm bảo an ninh lương thực và hướng đến xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cho một đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn là công nghệ giúp người dân tại những quốc gia trồng lúa như Việt Nam đảm bảo được cuộc sống, có thu nhập cao hơn”, ông nói.
Ông Sikora cũng cho rằng công nghệ giống đang đến với những người nông dân ở các nước sản xuất lương thực với giá ngày càng rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn, nhằm đảm bảo người dân có thu nhập và chấp nhận sử dụng công nghệ trên mùa màng của họ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết tỷ lệ nông dân sử dụng công nghệ xử lý hạt giống đang tăng nhanh trong những năm gần đây, nhờ ý thức của người dân.
Thái Hằng
TBKTSG
|