Thay “máu” ngân hàng từ đâu?
Cần thanh tra làm rõ nhóm nợ xấu 3, 4, 5 để có cơ sở phân loại nợ, định giá tài sản nợ theo chuẩn thống nhất, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp
“Tăng trưởng tín dụng bất thường, lãi suất cho vay cao và năng lực quản lý rủi ro tương đối yếu”. Đó là những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường tài chính nước ta mà Ngân hàng (NH) Thế giới cảnh báo tại báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, công bố vào ngày 30-11. Điều này đòi hỏi hệ thống NH cần sớm thay đổi chất lượng hoạt động.
Yếu kém khâu quản lý
Nhiều năm qua, hàng loạt NH ồ ạt mở rộng quy mô hoạt động, căng sức huy động vốn rồi cho vay tràn lan khiến việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, nguồn vốn ra vào thường xuyên mất cân đối kéo dài, làm xáo trộn thị trường tài chính.
Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống NH chỉ 500 triệu USD, tổng tài sản vào khoảng 10 tỉ USD. Đến năm 2011, vốn điều lệ lên tới 12,5 tỉ USD, tổng tài sản tăng lên khoảng 180 tỉ USD.
Do vốn và tài sản của NH tăng nhanh nhưng năng lực quản trị, quản lý rủi ro, công nghệ… không theo kịp, dẫn đến chất lượng tài sản thấp, đồng nghĩa nợ xấu tăng cao. Mặt khác, các NH hạch toán nợ xấu thiếu minh bạch, đạo đức nhân viên suy thoái cũng làm rủi ro của hệ thống NH tăng lên. Trong khi đó, thị trường tài sản lại lao dốc, đặc biệt thị trường bất động sản đóng băng kéo dài mà nguyên nhân xuất phát từ tăng trưởng nóng tín dụng (chủ yếu là tín dụng nhà đất), càng gây áp lực cho các NH...
|
Các ngân hàng cần chấn chỉnh công tác quản trị, nâng cao hoạt động kiểm toán và kiểm soát. |
Từ thực trạng trên, giới phân tích nhận định: Nếu Nhà nước không cấp bách thay “máu” hệ thống NH thì các NH thương mại sẽ đứng trước nguy cơ rủi ro về tài chính, tức NH không thể hoạt động độc lập và hiệu quả. Việc tái cấu trúc NH nên tiến hành song song với việc phục hồi thị trường tài sản, thời gian thực hiện ít nhất 4 năm. Tuy nhiên, tại một hội thảo mới đây ở Hà Nội, TS Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực NH Công Thương Việt Nam, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là phải rà soát lại hoạt động NH và các công ty con để làm rõ hoài nghi có hay không các nhóm lợi ích đứng sau làm lũng đoạn một số NH.
Làm rõ nợ xấu
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để tái cấu trúc hệ thống NH, trước mắt Nhà nước cần có cuộc khảo sát từng NH, tìm cho ra con số thực của nợ xấu để lên phương án làm sạch nợ. Câu hỏi đặt ra: Tiền đâu? TS Lê Xuân Nghĩa cho biết trước hết, các NH sẽ sử dụng số tiền dự phòng rủi ro, tăng vốn góp của các chủ NH, vốn góp thêm từ bên ngoài. Nếu 3 giải pháp này bất thành thì Chính phủ sẽ quốc hữu hóa NH bằng cách chi tiền mua lại nợ xấu nhưng không làm ảnh hưởng đến lạm phát vì số tiền mua lại nợ xấu không phải là tiền mặt mà là tiền được thể hiện dưới dạng ghi sổ.
Nhiều ý kiến khác cho rằng Nhà nước cần có cuộc tổng thanh tra làm rõ nhóm nợ xấu 3, 4, 5 (nhóm nghi ngờ, nhóm khó đòi và nhóm nguy cơ mất vốn) để có cơ sở phân loại nợ, định giá tài sản nợ theo chuẩn thống nhất rồi chuyển giao cho một bộ phận độc lập xử lý.
Thạc sĩ Lã Thị Lâm (Khoa NH - Bảo hiểm, Học viện Tài chính) cho biết yếu tố con người chưa được các NH thực sự coi trọng, từ việc bổ nhiệm người đúng tiêu chuẩn đến trình độ chuyên môn, đến cán bộ tác nghiệp. Đây là một trong những vấn đề rất cần lưu ý khi tái cấu trúc NH.
Theo PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng (Học viện Tài chính), giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu NH là chấn chỉnh công tác quản trị của từng NH, rà soát và hoàn thiện các quy định nội bộ, chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp; nâng cao hoạt động kiểm toán và kiểm soát, sắp xếp lại mạng lưới giao dịch. Về phía cơ quan quản lý, phải chủ động ban hành tỉ lệ an toàn vốn ngay từ đầu thay vì điều chỉnh như thời gian gần đây.
Kinh nghiệm quốc tế
Bài học từ các quốc gia đã từng tái cấu trúc hệ thống NH thành công cho thấy các NH thường được phân thành 3 loại: NH loại tốt thường chỉ tiến hành tái cấu trúc khâu tổ chức và quản lý. Đối với NH đang gặp khó khăn nhưng ở mức độ chưa nghiêm trọng thì chỉ tái cấu trúc tài chính, tức lành mạnh hóa, cân đối tài sản của NH đó. Trường hợp NH “sức khỏe” yếu nhưng muốn tồn tại phải có sự hỗ trợ làm sạch nợ xấu, nếu không thì NH đó phải tiến hành mua bán, sáp nhập hoặc bị quốc hữu hóa. |
Thy Thơ – Tô Hà
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|