Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn sơ khai
Khi vừa nhậm chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đặt ra 6 mục tiêu phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình, trong đó, có mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và NHNN sẽ có đề án mạnh mẽ tạo bước phát triển và đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ TTKDTM ở mức khá trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình thanh toán trên đang được nhìn nhận là không hề đơn giản mặc dù tiềm năng thị trường thẻ ở Việt Nam là rất lớn.
Vẫn ở mức sơ khai
Theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam , đến thời điểm 31/12/2011, tổng số lượng thẻ ngân hàng các loại được sử dụng trên toàn quốc là 40 triệu thẻ, cao gấp 8 lần năm 2006 (5 triệu thẻ). Trong đó, chiếm gần 90% là thẻ ghi nợ nội địa với tư cách là một kênh huy động vốn rất hiệu quả của các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về huy động vốn ngày càng gia tăng như hiện nay. Số lượng máy ATM là 13.000 máy, tăng hơn 4 lần so với năm 2006 (3.000 máy). Số lượng POS là 70.000 máy, tăng gần 7 lần so với năm 2006 (11.000 POS).
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: "Không thể phủ nhận thị trường thẻ Việt Nam đã có những bước đột phá quan trọng với việc nhiều ngân hàng chủ động và tích cực đầu tư hệ thống công nghệ phục vụ cho việc phát triển sản phẩm thẻ. Tuy nhiên, trong con mắt người nước ngoài, Việt Nam vẫn là xã hội tiền mặt".
Không phải ngẫu nhiên lại có nhận định trên bởi theo ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV, số lượng thẻ được phát hành hiện vẫn chưa bằng một nửa dân số Việt Nam . Quan trọng hơn cả là số lượng thẻ phát hành chủ yếu mới chỉ tập trung tại một số nhóm nhất định mà trong nhóm này, có những người sử dụng bốn, năm thẻ thanh toán cùng một lúc. Điều này có nghĩa, thẻ thanh toán chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam .
Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho rằng, tâm lý sử dụng tiền mặt và việc dễ dàng tiếp cận với nguồn tiền mặt tại các máy ATM khiến việc sử dụng các phương tiện thanh toán phi tiền mặt, trong đó, có thẻ rất hạn chế.
Còn nhiều trở ngại
Theo bà Hà phân tích, việc sử dụng phương pháp TTKDTM đang vấp phải rào cản lớn từ tâm lý e ngại và không muốn chấp nhận thẻ do phải trả phí cho ngân hàng và hạn chế trong nhận thức về lợi ích của việc thanh toán bằng thẻ của nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Việc sử dụng thẻ còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng trong quá trình kinh doanh thẻ.
Theo Báo cáo giao dịch gian lận của Visa, nếu trong quý I/2011, tỷ lệ gian lận là 16,5 cent/100 USD được thanh toán tại thị trường Việt Nam thì trong quý II/2011, con số này là 42,1 cent/100 USD. Tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với thế giới và gấp 17 lần của khu vực. Ước tính, tổn thất do gian lận thẻ gây ra trong 9 tháng đầu năm 2011 của Visa là 1,9 triệu USD. "Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan quản lý vĩ mô tuy đã có định hướng nhưng vẫn chưa ban hành chính sách nhằm tạo bước đột phá đối với dịch vụ thanh toán thẻ như quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải thanh toán qua thẻ, giảm thuế/hoàn thuế cho các giao dịch thanh toán qua thẻ, miễn/giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị thanh toán thẻ…", bà Hà nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank Lê Thanh Hà nhận định, sự gia tăng của các loại tội phạm thẻ đang đe dọa đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động kinh doanh thẻ, qua đó, gây áp lực lớn cho việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như của ngân hàng. Ông Hà cho biết, gian lận thanh toán thẻ quốc tế tại thị trường Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong năm 2011. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch, gian lận ước tính khoảng 1 triệu USD trong quý I/2011 và lên tới 1,5 triệu USD trong quý II/2011, cao gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ gian lận/doanh số thanh toán cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần.
Nhuệ Mẫn
đầu tư chứng khoán
|