Thứ Tư, 14/12/2011 11:13

Tân Chủ tịch TLS: Không tham vọng “đòi” lại vị trí số 1

Ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT CTCK Thăng Long (TLS) cho biết, không đặt tham vọng “đòi lại” vị trí số 1 hay số 2 thị trường, mà hướng đến một mục tiêu hợp lý hơn là nằm trong TOP 3 về thị phần môi giới.

"Tôi mong muốn xây dựng được hệ thống dịch vụ của TLS có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên quan điểm tuân thủ đúng quy định pháp lý và các văn bản điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước".

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT CTCK Thăng Long

Trong bối cảnh TTCK vẫn chưa thoát khỏi đà suy thoái, cảm nhận đầu tiên của ông khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch TLS là gì?

Như chúng ta cũng biết, TTCK vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn, thách thức, mà biểu hiện rõ nhất là nhà đầu tư chứng khoán ngoảnh mặt với thị trường, không quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán nữa.

Đây là biểu hiện đáng lo ngại nhất, bởi sự nản lòng của nhà đầu tư sẽ kéo theo sự suy giảm không chỉ về giá cổ phiếu, mà còn về doanh số giao dịch, khả năng huy động vốn của DN và hiệu quả chung của toàn thị trường.

TTCK vốn được coi là hàn thử biểu của kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế, việc cân đối các chỉ tiêu lớn trong nền kinh tế như khả năng tăng trưởng, CPI, lãi suất… vẫn đang là vấn đề lớn mà Chính phủ phải đối mặt.

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng lãi suất vẫn khó có thể giảm xuống ngay trong năm 2012 và đây là thách thức lớn nhất cho khả năng phục hồi và phát triển của các DN Việt Nam trong năm này.

Trong bối cảnh như vậy, cảm nhận đầu tiên khi tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo TLS là cần có một sự thay đổi căn bản với riêng Thăng Long và với cả thị trường để vượt qua khó khăn trong môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức.

Thực tế, TLS trong những năm qua đã xác lập được một số giá trị trên thị trường và tôi vững tin rằng, những giá trị này cùng với sự giúp sức của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), sẽ giúp TLS vượt qua khó khăn, vững bước phát triển.

Việc đầu tiên ông sẽ làm trên cuơng vị Chủ tịch TLS là gì? Đâu là thế mạnh mà ông sẽ tiếp tục phát triển ở TLS và đâu là những điểm yếu mà ông sẽ quyết liệt xử lý để vực dậy CTCK này?

Trên cương vị Chủ tịch Công ty, việc đầu tiên tôi sẽ làm là lãnh đạo HĐQT xây dựng một chiến lược mới cho TLS. Chiến lược này sẽ gắn chặt với thế mạnh của MBB, phục vụ và khai thác tốt nhất hệ thống khách hàng của TLS cũng như MBB.

Việc thứ hai tôi sẽ làm là tổ chức lại đội ngũ nhân sự chủ chốt, chọn lựa và tuyển dụng những nhân sự phù hợp nhất cho "con thuyền" mới của Thăng Long.

Việc thứ ba là định hướng tạo nên một văn hóa mới cho TLS, một văn hóa hướng theo nền tảng và những giá trị cốt lõi của MBB.

Hoạt động của MBB đã xác lập nên 6 giá trị cốt lõi, trong đó có 3 giá trị nổi bật mà tôi mong muốn xây dựng ở TLS, đó là tạo ra giá trị cho khách hàng, đây là điểm TLS sẽ quan tâm nhất trong thời gian tới; tinh thần đồng đội và tính kỷ luật trong công việc.

Một giá trị nữa mà TLS sẽ tiếp thu của MBB và hướng tới xây dựng tại Công ty là tính hiệu quả, coi hiệu quả là thước đo chính trên các lĩnh vực kinh doanh của Thăng Long.

Trên quan điểm này, chúng tôi sẽ xem xét lại các mặt hoạt động của TLS, những mảng kém hiệu quả sẽ được cắt bỏ để tập trung nhân sự và nguồn lực cho những mảng hiệu quả hơn.

Thế mạnh lớn nhất của Thăng Long là đội ngũ nhân sự và thương hiệu của một CTCK thân thiện, từng giữ vị trí thị phần số 1 tại TTCK Việt Nam.

TLS cũng là một  trong số ít CTCK đã thiết lập được lượng khách hàng đông đảo và được một định chế ngân hàng hỗ trợ. Bên cạnh Thăng Long không chỉ có ngân hàng MBB, mà còn có các công ty con, công ty liên kết và nhiều đối tác lớn khác của MBB.

Điểm yếu của TLS có lẽ cũng là điểm yếu chung của đa số DN, đó là thiếu một chiến lược phát triển vững chắc, có chiều dài, chiều sâu đi cùng sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các dịch vụ TLS đang cung cấp có nhiều dịch vụ tốt, nhưng cũng có một số dịch vụ chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, cơ chế quản lý và quản trị rủi ro tại TLS cần đổi mới căn bản, để đảm bảo an toàn không chỉ cho Thăng Long, mà còn cho khách hàng, đối tác của Công ty.

Là một lãnh đạo chủ chốt của MBB, từng thành công trong việc mở rộng và chinh phục thị trường miền Trung của MBB, phương châm điều hành mà ông có được từ thực tiễn là gì?

Trong điều hành, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải xác định được mục tiêu dài hạn, trong đó, có những mục tiêu cụ thể, hướng đi và cách làm trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, để biến chiến lược thành hành động, cần xây dựng một đội ngũ giỏi và có đạo đức nghề nghiệp tốt, cùng với việc xây dựng văn hóa công ty để giải quyết những vấn đề mà các quy tắc, quy định khung không xử lý được.

Cuối cùng, để hỗ trợ hệ thống phát triển trong một lĩnh vực nhạy cảm như TTCK, điều kiện tiên quyết là phải áp dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh, đủ sức cạnh tranh với các DN trong ngành.

Theo đó, đầu tư mạnh cho công nghệ và áp dụng chiến lược kinh doanh linh hoạt cũng sẽ là một trong những phương châm hành động mà tôi sẽ thực thi ở TLS.

Trong lĩnh vực này, chúng tôi có ưu thế do ngân hàng mẹ (MBB) đã rất thành công trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để phát triển các dịch vụ ngân hàng, tài chính. Bên cạnh MBB và các công ty con của MB, luôn có sự hỗ trợ công nghệ của đối tác chiến lược Viettel.

TLS được thị trường biết đến là CTCK năng động nhất Việt Nam, thời gian dài giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới. Khi làm Chủ tịch TLS, ông có chọn mục tiêu giữ thị phần số 1 làm trọng yếu không?

TLS từng là công ty số 1 về thị phần môi giới, nhưng tôi không đặt tham vọng tiếp tục phải giữ thị phần số 1 hay số 2 thị trường, mà hướng đến một mục tiêu hợp lý hơn là nằm trong TOP 3 về thị phần môi giới.

Cùng với việc xác định mục tiêu, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng dich vụ, nâng cao chất lượng phục vụ hệ thống khách hàng hiện có và hệ thống khách hàng mới của Công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung nâng dần thi phần của TLS trong các mảng nghệp vụ khác.

Trong năm 2012, nhiệm vụ lớn nhất chúng tôi sẽ làm là tái cấu trúc Công ty, bắt đầu từ việc tái cấu trúc chiến lược, đến tổ chức, nhân sự, cùng với việc thiết lập các chuẩn mực quản trị rủi ro mới.

Như ông vừa nói, ông sẽ xây dựng TLS mang văn hóa và hướng đến những giá trị cốt lõi của MBB. Vậy MBB đã và đang hỗ trợ gì cho TLS trong mục tiêu này?

Với vai trò là ngân hàng mẹ, MBB đang và sẽ hỗ trợ TLS cao nhất, cả về con người và tài chính, củng cố và xây dựng khả năng tài chính bền vững hơn cho TLS trong hiện tại và tương lại.

MBB đang thực thi những hỗ trợ toàn diện cho Thăng Long, mà trong đó, việc chúng tôi (3 Phó tổng giám đốc MBB và một số nhân sự chủ chốt - PV) có mặt ở đây là thông điệp mạnh mẽ nhất đến các cổ đông, các khách hàng của Thăng Long rằng, MBB sẽ tiếp tục hỗ trợ Thăng Long trong việc tái cấu trúc Công ty để vượt qua khó khăn và phát triển, trở thành một trong những mảng kinh doanh quan trọng của MBB.

Bên cạnh đó, MBB hiện là 1 trong 8 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, có hệ thống khách hàng và đối tác chiến lược mạnh, sẽ hợp tác và hỗ trợ Thăng Long tạo ra chuỗi dịch vụ tài chính, chứng khoán để cùng khai thác cho hệ thống khách hàng trong cùng hệ thống.

TLS là một trong số 105 CTCK đang hoạt động tại Việt Nam. Quan điểm của ông trong mối quan hệ với các DN cùng ngành như thế nào?

Tôi mong muốn xây dựng được hệ thống dịch vụ của TLS có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên quan điểm tuân thủ đúng quy định pháp lý và các văn bản điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau 11 năm hoạt động, TLS luôn được các cơ quan quản lý đánh giá cao và tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt. Chúng tôi sẽ giữ gìn niềm tin này và sẽ cố gắng cùng các các CTCK trong ngành tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và hợp tác, hướng đến mục tiêu phát triển ổn định, bền vững của mỗi DN và của TTCK Việt Nam.

Tường Vi thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   South China Seafood nợ CAD gần 5 triệu USD: Cần sớm thực thi phán quyết của trọng tài (14/12/2011)

>   Tập đoàn Sông Đà quyết thúc SJS tổ chức ĐHĐCĐ (14/12/2011)

>   VSH: Đại diện EVN không được biểu quyết gia hạn nợ 500 tỷ đồng (12/12/2011)

>   Chủ tịch SBA nhờ cổ đông góp ý “gom” đủ cổ phần bán cho đối tác ngoại (13/12/2011)

>   Quản lý Quỹ Prudential đổi tên thành Eastspring Investments (12/12/2011)

>   Lại nói về vốn điều lệ (11/12/2011)

>   HAG bị hạ bậc tín dụng vì bất động sản (09/12/2011)

>   UBCK lại nhắc THV làm rõ vụ bán cổ phần cho Haverstock  (08/12/2011)

>   VFG: Tạm ứng cổ tức 10% và họp ĐHĐCĐ thường niên 2012 (08/12/2011)

>   Đến lượt TinNghiaBank triệu tập đại hội bất thường (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật