Thứ Tư, 14/12/2011 09:39

South China Seafood nợ CAD gần 5 triệu USD: Cần sớm thực thi phán quyết của trọng tài

Bị đơn có tài sản để thi hành án nhưng cơ quan thi hành án lại không thể thi hành, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất gần 5 triệu USD.

Lợi dụng lòng tin, chiếm gần 5 triệu USD tiền công nợ

Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (Cadovimex - CAD) ký hai hợp đồng mua bán, ký gửi hàng hóa với Công ty South China Seafood, Hoa Kỳ (Seafood) do ông Trần Kia, một người Việt gốc Hoa làm Chủ tịch HĐQT. Theo các hợp đồng này, Cadovimex xuất khẩu hàng tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ, Seafood nhận ký gửi và bán hàng tại thị trường Hoa Kỳ.

Cho đến tháng 5-2006, Seafood đã nợ Cadovimex hàng triệu USD và bắt đầu trả chậm, xin giãn nợ. Tháng 11-2006 hai bên chốt công nợ. Theo đó, số tiền mà Seafood nợ Cadovimex là hơn 3,7 triệu USD. Mặc dù vậy, hai bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Cadovimex tin tưởng Seafood thực hiện đúng cam kết nên vẫn bán hàng cho Seafood. Song, toàn bộ số tiền còn nợ cũ và những lô hàng mới nhận, Seafood đã không trả cho Cadovimex. Tính đến tháng 5-2008, sau 3 năm thực hiện hợp đồng, Seafood đã nợ tiền và hàng khoảng 4,7 triệu USD và... không trả nợ. Vì thế, Cadovimex đã khởi kiện đòi nợ đến Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam để giải quyết.

Không những chây ỳ không trả nợ, Cadovimex còn thể hiện ý định chiếm đoạt số tiền khi trong quá trình hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết vụ việc, Seafood biến mất tại địa chỉ cũ, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ kiện. Vì thế, sau 8 tháng thụ lý vụ việc, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam mới ra được phán quyết về vụ việc này.

Theo Quyết định số 14/08 ngày 25-2-2009 của Hội đồng trọng tài, Công ty South China Seafood phải trả cho Công ty Cadovimex hơn 4,6 triệu USD. Ngoài ra, Seafood bị buộc phải trả lại hơn 6000 thùng hàng đông lạnh của Cadovimex đang ký gửi tại kho đông lạnh của Seafood và số tiền án phí trọng tài gần 300 triệu VNĐ.

Tuy nhiên, bất chấp phán quyết trọng tài, Seafoof vẫn không chịu trả nợ và có đơn ra tòa yêu cầu hủy bỏ phán quyết trọng tài vì Công ty này cho rằng, phán quyết trọng tài không đúng pháp luật. Sau khi xem xét đơn TAND TP. Hồ Chí Minh và TAND tối cao đều không chấp nhận yêu cầu của "con nợ” này và khẳng định quyết định của trọng tài là đúng pháp luật.

Cần sớm thi hành phán quyết của trọng tài

Việc Công ty South China Seafood, có ý định chiếm đoạt số tiền và hàng hóa gần 5 triệu USD của Công ty Cadovimex đã khá rõ ràng. Theo kết quả xác minh của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ thì Seafood có nhiều động thái lẩn trốn để chủ nợ không thể đòi được nợ. Từ năm 2008, Công ty này đã liên tục biến mất tại các địa chỉ đã đăng ký khiến cho trọng tài không thể tìm được địa chỉ để tống đạt các thông báo về vụ kiện, làm gián đoạn việc giải quyết vụ kiện. Sau khi có quyết định cuối cùng của Tòa án về vụ việc, Công ty này cũng liên tục đổi địa chỉ. Theo thông tin mà lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh thì lần biến mất gần đây nhất của Công ty South China Seafood khoảng tháng 10-2010. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hành vi này của chủ Công ty South China Seafood, có dấu hiệu của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo luật hình sự.

Theo Công ty Cadovimex và xác định của các cơ quan chức năng, Công ty South China Seafood đang sở hữu một khối tài sản lớn tại Việt Nam. Đây là số tiền mà Công ty này đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 tại Công ty TNHH Nam Hải, nay là Công ty Duyên hải Bạc Liêu. Theo đó, cơ quan chức năng thống nhất giải quyết theo hướng, nếu xác định được tài sản là của Công ty South China Seafood thì có thể kê biên để thi hành án. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chính ông Trần Kia, Chủ tịch HĐQT Công ty South China Seafood đứng đơn xin thành lập Công ty TNHH Nam Hải. Còn cơ quan an ninh đã xác định từ năm 1999 đến năm 2003, Công ty South China Seafood đã chuyển vào Công ty Nam Hải hơn 5,1 triệu USD. Từ năm 2003 đến năm 2009, số tiền rót vào Công ty Duyên Hải Bạc Liêu là gần 3,6 triệu USD. Như vậy, đã có đủ căn cứ để kê biên tài sản của Công ty South China Seafood tại Việt Nam và buộc Công ty Duyên Hải Bạc Liêu phải thi hành phán quyết của trọng tài để trả nợ cho Công ty mẹ.

Mặc dù các cơ quan chức năng ở Trung ương đã thống nhất việc kê biên tài sản của Công ty South China Seafood tại Việt Nam để thi hành án là giải pháp duy nhất và đúng pháp luật. Song, cơ quan thi hành án địa phương vẫn chưa thể thi hành được bản án. Được biết, việc thi hành án còn gặp khó khăn do chưa có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương. Theo quy định của pháp luật, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu có trách nhiệm chỉ đạo đối với công tác thi hành án, đặc biệt là các vụ án phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu cần chỉ đạo thi hành dứt điểm vụ việc này.

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Tập đoàn Sông Đà quyết thúc SJS tổ chức ĐHĐCĐ (14/12/2011)

>   VSH: Đại diện EVN không được biểu quyết gia hạn nợ 500 tỷ đồng (12/12/2011)

>   Chủ tịch SBA nhờ cổ đông góp ý “gom” đủ cổ phần bán cho đối tác ngoại (13/12/2011)

>   Quản lý Quỹ Prudential đổi tên thành Eastspring Investments (12/12/2011)

>   Lại nói về vốn điều lệ (11/12/2011)

>   HAG bị hạ bậc tín dụng vì bất động sản (09/12/2011)

>   UBCK lại nhắc THV làm rõ vụ bán cổ phần cho Haverstock  (08/12/2011)

>   VFG: Tạm ứng cổ tức 10% và họp ĐHĐCĐ thường niên 2012 (08/12/2011)

>   Đến lượt TinNghiaBank triệu tập đại hội bất thường (08/12/2011)

>   VIC tăng tỷ lệ sở hữu tại Royal City lên 77% (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật