Thứ Năm, 01/12/2011 14:09

Tại sao các nước BRIC quan trọng?

Nhân kỷ niệm mười năm kể từ khi xuất hiện khái niệm BRIC, vốn là tên gọi viết tắt của nhóm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc, sau đây là bài phân tích về các nền kinh tế đang lên này, và đánh giá tầm quan trọng của các nước thuộc khối BRIC trong việc định hình nên kinh tế toàn cầu trong tương lai.

B - Brazil: Câu chuyện về tăng trưởng đều

Trong mười năm qua, Brazil đã trải qua những chuyển đổi sâu rộng.

Nguồn gốc của quá trình này bắt nguồn từ kế hoạch hiện đại hóa đất nước trong những năm 1990, bao gồm một chương trình tư nhân hóa thành công, ổn định được kinh tế và củng cố của hệ thống ngân hàng.

Chính sách kinh tế của Tổng thống Rousseff được kế thừa từ ông Luca da Silva (trái)

Về kinh tế, chính quyền của ông Luiz Inácio Lula da Silva (vốn thuộc phe đối lập với chính phủ của người tiền nhiệm, Fernando Henrique Cardoso) đã triển khai các chính sách kinh tế chính bao gồm thắt chặt tài chính, giữ lạm phát theo chỉ tiêu và duy trì tỷ giá hối đoái linh hoạt.

Kết quả là, rủi ro của đầu tư vào Brazil giảm đáng kể, tỷ lệ tăng trưởng tăng lên, mức lạm phát giảm và dòng vốn đầu tư nước ngoài chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc và dự trữ ngoại hối của Brazil vượt quá 350 tỷ đôla.

Ngoại thương của Brazil tăng mạnh và đạt 500 tỷ đôla vào năm 2011, với Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế chính của Brazil, vượt qua Hoa Kỳ.

Quá trình quốc tế hóa nền kinh tế Brazil đã và đang tăng tốc, và các công ty đa quốc gia của Brazil (như ngân hàng và các công ty xây dựng, sản xuất thịt, máy bay, thép, vận tải và dệt may) đã có sự hiện diện nổi bật ở nước ngoài.

Ngày nay, Brazil đứng thứ 7 trên thế giới về GDP, và dự kiến ​​sẽ vượt qua Anh Quốc vào năm 2011 để leo lên vị trí thứ 6.

Chương trình xã hội

Trong lĩnh vực xã hội, Brazil đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình hỗ trợ cho dân nghèo - chủ yếu thông qua các dự án Bolsa Familia theo đó cấp tiền cho các hộ gia đình để đầu tư vào giáo dục.

Phân nửa dân số Brazil thuộc tầng lớp trung lưu.

Cùng với việc tăng lương trên mức lạm phát và kinh tế tổng thể đạt tăng trưởng, có tới 40 triệu người Brazil đã gia nhập tầng lớp trung lưu.

Tức là nay có tới phân nửa người dân Brazil (trong đất nước 190 triệu dân) thuộc tầng lớp trung lưu.

Thị trường nội địa đã mở rộng đáng kể, với các chương trình khuyến mại tín dụng cho người tiêu dùng.

Với sự ổn định kinh tế và đạt được niềm tin từ cộng đồng thế giới, Brazil đã đạt được vị thế đáng kể hơn trên trường quốc tế.

Thách thức phía trước

Brazil có tiếng nói có ảnh hưởng nhiều hơn trên trường quốc tế.

Hiện có một số thách thức cho Brazil trong những năm tới.

Về kinh tế, để đảm bảo tính liên tục của các chính sách kinh tế hiện nay, Quốc hội cần phải phê duyệt một số cải cách cơ cấu, liên quan đến thuế, an sinh xã hội, quan hệ lao động và chính trị.

Một vấn đề cấp bách là giảm chi phí đầu tư cao trong nước - chi phí tăng do thực trạng thiếu hiệu quả của bộ máy Nhà nước, lãi suất cao, giá trị đồng tiền tệ, t cơ sở hạ tầng còn yếu và giá năng lượng cao.

Nếu những vấn đề này được giải quyết thành công, nó sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khoảng trên 35%.

Brazil sẽ phải nhận trách nhiệm lãnh đạo và trợ giúp các nước nghèo hơn và sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong các nhiệm vụ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

R - Nga: Từ khủng hoảng đến kinh tế thị trường

Từ 1989-1998, nước Nga trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Khủng hoảng về chuyển đổi, gắn liền với sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết và hàng loạt các cải cách khác. Kết cục là nước Nga trở thành quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Evgeny Yasin nhận định về kinh tế Nga

Nước Nga kinh tế thị trường

Từ 1995-1997, các thể chế của nền kinh tế mới vẫn còn ở dạng phôi thai. Nhưng những vấn đề của chế độ xã hội chủ nghĩa trước như thiếu hàng hóa đã chấm dứt.

Giờ đây, đồng tiền đã mang giá trị thật của nó, và cơ cấu của nền kinh tế mới đã bắt đầu hình thành. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, kinh tế Nga hoạt động theo quy luật cung cầu.

Mặc dù vẫn còn nhiều người cho rằng kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và các nguyên vật liệu thô nhưng chuyện này đã diễn ra trước đó nhiều thập kỷ. Vào cuối những năm 1960, các quặng dầu mỏ và khí đã được tìm thấy ở phía Tây Siberia. Việc giá dầu thế giới tăng vào những năm 1970 đã củng cố thêm sự phụ thuộc của Nga vào xuất khẩu dầu thô.

Sụt giảm vô tiền khoáng hậu

Trong giai đoạn khủng hoảng chuyển đổi từ năm 1989 đến 1998, tăng trưởng GDP của Nga giảm 40%, sản xuất công nghiệp giảm 55%. Tốc độ sụt giảm với biên độ như vậy là vô tiền khoáng hậu, ít nhất là trong thời bình.

Giọt nước làm vỡ bờ chính là cơn khủng hoảng tài chính năm 1998. Sự kiện này cũng đã dẫn đến những thay đổi chính trị: chính phủ của những người chủ trương cải tổ đã bị buộc phải từ nhiệm. Nước Nga giờ đây phải đối mặt với sự thay đổi tổng thống lần đầu tiên trong lịch sử hậu Xô-viết.

Nhưng sau cơn khủng hoảng năm 1998 khiến giá dầu xuống còn 12$/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 1973, mọi thứ bắt đầu phục hồi.

Kinh tế Nga tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 1999-2008. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng nhanh đến mức nhiều người bắt đầu tin rằng nước Nga đã sẵn sàng tham gia câu lạc bộ các nước phát triển với tốc độ tăng trưởng cao.

GDP của Nga trong các năm trên tăng 185% so với thời kỳ 1998, nghĩa là tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7.3%.

Đó là lý do tại sao Nga có tên trong danh sách các nước BRIC (viết tắt tên bốn nước là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bằng tiếng Anh). Các nước này được Goldman Sachs đánh giá là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, ta nên nhớ rằng sự tăng trưởng này theo sau thời kỳ khủng hoảng rất khó khăn; và những kiểu so sánh như trên đều có xuất phát điểm từ những ngày khó khăn nhất đó.

Lạm phát năm 2008 ở mức 108% so với năm 1989.

Trong cùng thời điểm đó, người dân Nga bắt đầu chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít đi. Mức tiết kiệm giảm từ 31% xuống còn 19% GDP.

Nhìn tổng thể, những năm 1999 đến 2008 thuộc thời kỳ tăng trưởng tái xây dựng. Các yếu tố định hình nên giai đoạn này không mấy khi trở lại. Ngay cả khi chúng có trở lại đi nữa thì tác động cũng sẽ giảm đi nhiều.

I - Ấn Độ: Kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Hoạt động kinh tế rõ ràng đang chuyển hướng về các nền kinh tới mới nổi. Trong 50 năm đầu của thế kỷ 21, các nền kinh tế phương Tây hội tụ lại với nhau do vị trí dẫn đầu về tăng trưởng của họ. Giờ đây đã xuất hiện sự thay đổi căn bản.

Goldman Sachs, tổ chức đặt ra cái tên BRICs - vốn là bốn chữ cái viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc - để mô tả sức mạnh kinh tế khổng lồ của các nước này, đồng thời dự đoán rằng đến năm 2050, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Brics (có thêm chữ S - tên viết tắt của nước Nam Phi) sẽ vượt qua GDP của tất cả các nước phát triển trong đó có Nhật Bản.

GDP của Ấn Độ đã bắt đầu nhiều hơn Đức, và Trung Quốc đang dần đóng góp nhiều hơn vào kinh tế thế giới, thậm chí hơn cả Mỹ.

Tại cuộc họp G20 vừa qua, các nước Châu Âu phải cầu cứu Ấn Độ và Trung Quốc giúp đối phó với khủng hoảng tài chính. Cách đây 30 năm, đây là điều không thể tưởng tượng được, nhưng giờ lại là chuyện không thể tránh khỏi.

Sinh ra từ ngoại thương

Ngoại thương là chất keo dính các nền văn hóa khác biệt lại với nhau. Thế nên, chuyện các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, và Brazil nhóm lại với nhau cũng lẽ tự nhiên.

Hai thành viên của Brics - Ấn Độ và Trung Quốc - là hai nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất. Còn hai thành viên kia - Nga và Brazil - là hai quốc gia xuất khẩu tài nguyên lớn nhất.

Nga có dự trữ khí và dầu mỏ lớn, còn Brazil thì giàu có khoáng sản, kể cả quặng sắt.

Do đó, các nhà xuất-khẩu khẩu tài nguyên này không có sự lựa chọn nào khác hơn là nhóm lại với nhau và thúc đẩy tiến trình tăng trưởng.

Ấn Độ và Trung Quốc còn chia sẻ nét đặc thù về phụ thuộc lẫn nhau. Ấn Độ là người khổng lồ về dịch vụ, còn Trung Quốc là 'trùm' trong ngành sản xuất gia công.

Trong vòng 15 năm qua, thương mại giữa Ấn Độ với Mỹ và Nhật hầu như bị đình trệ, tuy nhiên với Trung Quốc thì cứ mỗi bốn năm thì giao dịch ngoại thương giữa Ấn và Trung lại tăng gần gắp đôi và dự kiến đến năm 2013 sẽ đạt mức $100 tỉ đô-la.

Trong vòng năm năm tới, Ấn Độ phải sản xuất ra 100.000 MW điện và 20% các thiết bị sản xuất điện phải mua từ Trung Quốc.

Cạnh tranh hợp tác

Nhưng làm thế nào để các nước Brics tránh khỏi căng thẳng chính trị với nhau?

Dĩ nhiên là có căng thẳng vì việc nhóm các nước này lại với nhau không nằm trong chủ trương của các nước liên quan mà chỉ là do hoạt động của các thế lực thị trường và tiến trình toàn cầu hóa.

"Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là hai nền kinh tế đối đầu nhiều với nhau trong khu vực nhưng đồng thời hai nước này buộc phải hợp tác với nhau trên nhiều diễn đàn."

MK Venu, Giám đốc điều hành Financial Express, New Delhi.

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là hai nền kinh tế đối đầu nhiều với nhau trong khu vực nhưng đồng thời hai nước này buộc phải hợp tác với nhau trên nhiều diễn đàn.

Hai nước này phải hợp tác với nhau tại các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trên các vấn đề liên quan đến thay đổi khí hậu.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng đối mặt với ít nhiều thách thức kinh tế xã hội giống nhau, nên hai nước cũng có khuynh hướng cùng nhau thương thảo các điều khoản với thế giới các nước phát triển.

Đó là lý do tại sao mối quan hệ của hai nước thường được đặc trưng bởi tính vừa cạnh tranh vừa hợp tác.

Suy cho cùng, chính khu vực này là nơi có nhiều con đường thương mại quan trọng nhất cho ngoại thương năng lượng và nhập khẩu các loại hàng hóa giao dịch khác.

Từ phố Wall đến Châu Á

Các nước Brics chiếm 40% dân số thế giới và gần 25% GDP thế giới tính theo sức mua tương đương của GDP.

Về mặt dân số, trong khi dân số của Châu Âu và Châu Mỹ sẽ già đi trong vòng mấy thập kỷ tới, thị trường các nước Brics sẽ càng ngày càng tăng số lượng người tiêu dùng.

Chắc chắn là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bắt đầu chiếm lĩnh thị trường tài chính toàn cầu trong tương lai gần đây. Hệ quả là giá cả hàng hóa, dầu mỏ, khoáng sản, kim loại đang được hình thành ở phố Wall sẽ dời sang Châu Á. Và đó sẽ là sự thay đổi rất lớn.

Nhưng để làm được như vậy, cả hai nền kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc phải trở nên cởi mở hơn và cần phải đưa vào áp dụng chính sách cho phép chuyển đổi tài khoản vốn, nhằm tạo điều kiện dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính dựa trên giá cả ấn định trên thị trường.

Cả hai nước này còn cần phải phát triển các thể chế tài chính toàn cầu hỗ trợ cho sự chuyển đổi này trên nền kinh tế thế giới.

C - Trung Quốc: Vai trò ngày càng tăng

Mười năm là khoảng thời gian rất ngắn so với cả lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới và chính trị đã trải qua thăng trầm vô cùng lớn trong giai đoạn này.

Vai trò của Trung Quốc trong nhóm BRIC đang ngày càng lớn hơn.

Các nền kinh tế tại các nước phát triển đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng và đang mất đi ánh hào quang.

Trong khi đó, các quốc gia BRIC đang phát triển nhanh và đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới.

Khi trật tự quốc tế mới đang hình thành, BRIC sẽ trở thành lực lượng mới nổi lên cần được để tâm đến.

‘Hạm đội mới’

Từ đầu thế kỷ 21, những xung đột tiềm năng ngày càng rõ ràng hơn, và các cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế và chính trị quốc tế đang ngày càng thêm nghiêm trọng.

Mặc dù không có chiến tranh trên toàn cầu nổ ra, nhưng các cuộc xung đột quân sự khu vực chưa bao giờ ngưng.

Sau cơn bão tài chính châu Á, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do vỡ tín dụng tại Hoa Kỳ đã xảy ra.

Trong khi người ta đang hy vọng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ kết thúc thì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu lây lan.

Trong bối cảnh thế giới đang gặp phải khó khăn về chính trị và kinh tế, các nước thuộc thị trường mới nổi Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - với nguồn tài nguyên đặc biệt của họ, cùng dân số và những lợi thế về thị trường - nắm bắt cơ hội, và tăng cường nhiều cho vị thế quốc gia của họ.

Bốn quốc gia BRIC - Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc giống như một đội tàu chiến lướt sóng qua các châu lục.

Sau khi Nam Phi gia nhập nhóm, BRIC tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của họ.

Phát triển vững chắc

Trung Quốc cần tăng cường hợp tác với nhóm BRIC nhiều và nhóm này cũng cần có sự tham gia nhiều từ Trung Quốc.

Công cuộc cải cách chính sách Trung Quốc đã theo đuổi trong 30 năm qua khiến đất nước này thay đổi rất nhiều - Trung Quốc trong thế kỷ 21 là hoàn toàn khác với Trung Quốc hơn 30 năm trước đây.

Đặc biệt trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những gì các nước phát triển đã làm trong nhiều thập niên hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.

GDP của Trung Quốc đã tăng từ dưới 10 nghìn tỷ nhân dân tệ lên gần 40 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng kích cỡ kinh tế của Trung Quốc từ vị trí 6 lên số 2 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Ngoại thương của Trung Quốc tăng từ dưới 500 tỷ đôla lên gần 3000 tỷ đôla và cũng đứng thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc đã chuyển mình từ một nước phải nhập khẩu vốn, công nghệ và bí quyết công nghiệp từ nước ngoài thành một quốc gia xuất khẩu vốn và hoạt động chế tạo, tăng cường thêm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Thách thức

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển: việc đồng nhân dân tệ lên giá quá nhanh đã làm tổn thương xuất khẩu của Trung Quốc, sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là quá cao, và dân số quá lớn.

Một vấn đề có tính mấu chốt là khó tìm kiếm đúng người cho đúng công việc, và áp lực tỷ lệ thất nghiệp khá cao.

Trung Quốc đang phải giải quyết thực trạng lạm phát cao.

Giá nhà cao và đi kèm với lạm phát cao, và thị trường chứng khoán biến động mạnh. Thách thức môi trường cũng khá nghiêm trọng.

Chúng ta tin rằng Trung Quốc có thể để giải quyết những vấn đề này. Chúng ta có lợi thế đặc biệt, chẳng hạn như các nguồn tài nguyên phong phú của con người nhằm đảm bảo chất lượng ngày càng tăng.

Chúng ta có đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên công nghệ cao và một thị trường khổng lồ của người tiêu dùng trong nước.

Hơn nữa, Trung Quốc đã tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại của đôi bên cùng có lợi, và duy trì hợp tác kinh tế và chính trị với các nước khác, bao gồm các nước phát triển, và, đặc biệt là với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang được củng cố và vai trò của Trung Quốc trong nhóm BRIC đang ngày càng lớn hơn.

Triển vọng sáng sủa

Các quốc gia khác thuộc BRIC đang có những tiến bộ nhanh chóng.

Tăng trưởng GDP hàng năm của Ấn Độ là hơn 6,5%. Nga đã thức tỉnh sau giai đoạn "sốc". GDP của Brazil hiện đứng đầu Nam Mỹ, và sau khi Nam Phi gia nhập nhóm BRIC thì BRIC nay có sự hiện diện nhiều hơn trên toàn cầu.

42% dân số thế giới, và 30% lãnh thổ trên toàn cầu thuộc các nước nhóm BRIC. Dự kiến ​​đến năm 2015, GDP của BRIC sẽ đạt 22% trong tổng GDP toàn cầu.

Với sự phát triển kinh tế mạnh của mình, BRIC nhiều khả năng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Theo BBCnews

Các tin tức khác

>   Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trự bắt buộc lần đầu tiên trong 3 năm (01/12/2011)

>   Kinh tế, tài chính 24h: 10 ngày còn lại và các hành động quyết định (01/12/2011)

>   Fed và 5 ngân hàng trung ương lớn phối hợp ngăn khủng hoảng tín dụng toàn cầu (30/11/2011)

>   Tăng trưởng GDP của Ấn Độ suy giảm trong quý 3 (30/11/2011)

>   Kinh tế Anh sẽ còn trì trệ cho tới giữa năm 2012 (30/11/2011)

>   S&P có thể sẽ hạ mức tín nhiệm AAA đối với Pháp (30/11/2011)

>   Châu Á khó đạt mức tăng trưởng 7,5% năm 2012 (30/11/2011)

>   Nền kinh tế của Mỹ đang cần thêm "liều thuốc mới" (30/11/2011)

>   10 dự báo kinh tế Eurozone năm 2012 và 2013 (30/11/2011)

>   USD sẽ mạnh lên so với euro cho đến tháng 3/2012 (30/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật