Thứ Bảy, 17/12/2011 08:14

Tái cơ cấu ngân hàng kiểu 'lá lành đùm lá rách'

Ngân hàng lớn nhất Việt Nam mới có 25 tỷ USD. Bốn năm nữa, ngân hàng lớn nhất Việt Nam phải tăng gấp đôi tài sản thì mục tiêu có 1-2 ngân hàng tầm cỡ khu vực của Việt Nam mới đạt.

* Thống đốc: Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu trong năm 2012

Có ngân hàng 50 tỷ USD vào 2015

Tại hội thảo Tái cơ cầu nền kinh tế ngày (16/12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tiết lộ cụ thể hơn về lộ trình tái cơ cấu ngân hàng. Tổng cuộc tái cơ cấu này sẽ phải kéo dài 2020 nhưng mục tiêu cụ thể cho 5 năm tới đây đã rất rõ ràng.

Ông Bình cho biết: "Đầu tiên, từ nay tới tháng 3/2012, chúng tôi  sẽ khoanh vùng dứt điểm các tổ chức tín dụng xấu, để  họ không làm ảnh hưởng chung tới nợ xấu. Quí 3-4/2012, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém".

Năm 2013, các ngân hàng sẽ tiếp tục quá trình hợp nhất, sáp nhập nhưng là trên cơ sở tự nguyện để tăng quy mô, tăng khả năng tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Lúc này, không còn là công đoạn xử lý các tổ chức yếu kém nữa.

Năm 2014-2015, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 1-2 ngân hàng có tầm cỡ khu vực. Cắt nghĩa về mức lớn hay nhỏ của ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, trong khu vực, ngân hàng cỡ trung bình đã có tổng tài sản là 50 tỷ USD. Ở ta, ngân hàng lớn nhất hiện nay là Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn mới có tổng tài sản 25 tỷ USD. Như vậy, ngân hàng to nhất của Việt Nam mới chỉ bằng một nửa của ngân hàng tầm cỡ khu vực thôi.

Thông đốc Nguyễn Văn Bình

Vì vậy, muốn có ngân hàng tầm cỡ khu vực thì 5 năm tới, ngân hàng lớn nhất của Việt Nam phải làm sao tăng gấp đôi tổng tài sản của mình. Đây là vấn đề không hề dễ dàng.

Còn lại, Việt Nam sẽ có 12-15 ngân hàng lớn nắm 80% thị phần ngân hàng. Lý giải về mục tiêu này, ông Bình lấy ví dụ ở Mỹ. "Nước Mỹ có tới 2.500 ngân hàng, tưởng là quá nhiều nhưng thực tế, họ chỉ tính 10 ngân hàng hàng đầu thôi.  Cục Dữ trữ liên bang FED chỉ kiểm soát 10 ngân hàng lớn nhất này vì họ chiếm 80% thị phần. Do đó, tới đây, Việt Nam cũng sẽ tương tự".

Theo chia sẻ của ông Bình, nhiều ý kiến nói rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, nhưng thực ra, với tình trạng trên thì số ngân hàng ở Việt Nam vẫn là ít, là thiếu.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì những mô hình ngân hàng vừa và nhỏ, hoạt động theo quy chế riêng trong phân khúc thị trường riêng. Cùng đó, chúng ta sẽ vẫn duy trì những tổ chức tài chính vi mô, tập trung thị trường khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa  và có chiến lược riêng cho phân khúc này.

Vấn đề còn lại là hiện thực hóa các mục tiêu trên ra sao trong khi ngân hàng luôn là lĩnh vực nhạy cảm nhất của nền kinh tế.Thống đốc Nguyễn Văn Bình quả quyết: "Phương châm xử lý chung là không để tổ chức nào bị đổ vỡ, phá sản!".

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và tế nhị. Ông Bình trăn trở: "Chúng ta đánh chuột những không được vỡ bình. Doanh nghiêp bình thường có thể rút giấy đăng ký ngay, cần thì làm thủ tục phá sản. Nhưng ngân hàng mà đổ vỡ một anh thôi thì sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh xã hội, gây xáo trộn nền kinh tế".

"Trong khi đó, chúng ta lại không có tiền! Chính phủ các nước tài trợ hàng trăm, hàng nghìn tỷ để cứu tổ chức này tổ chức kia mà chưa cứu được gì ghê gớm cả. Việt Nam thì tiền đâu? Người ta nói vui không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều! Chúng ta chưa có quỹ này quỹ nọ to lớn đủ để đáp ứng chi phí quá trình tái cơ cầu này. Công ty mua bán nợ sau 5 năm hoạt động, từ 2.000 tỷ lên 7.000 tỷ đồng tưởng là lớn nhưng cũng chỉ là bằng một khoản nợ của ngân hàng thôi", ông Bình tâm tư.

Tuy nhiên, "chúng tôi đảm bảo chương trình tái cơ cấu của ngân hàng sẽ diễn ra nhanh hơn định hướng thị trường và có kết quả ngay trong năm 2012", ông Bình hứa chắc nịch.

Lá lành đùm lá rách để không ai phá sản

Sau sự chia sẻ giãi bày khó khăn, thống đốc Nguyễn Văn Bình rất tự tin về các phương án xử lý tái cơ cấu.

Theo ông, điều mấu chốt cần xác định rằng, nội lực sẽ là chính,có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tái cơ cấu ngân hàng sẽ theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Anh khỏe thì cứu anh yếu, anh Nhà nước cứu anh tư nhân, anh tư nhân gồng gánh lẫn nhau. Khi tái cơ cấu tự thân đã ổn thỏa, lành mạnh rồi thì có thể cho nước ngoài tham gia cổ phần... Chúng ta sẽ tìm ra cơ chế.

Một câu hỏi lớn mà nhiều người đang băn khoăn như trong 5 năm tới, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng mới chỉ khoảng 10-15% thôi, bao giờ mới gấp đôi tổng tài sản để có ngân hàng lớn, ngân hàng tầm cỡ khu vực?

Ông Bình cho rằng, chỉ còn cách là mua bán, sáp nhập. Muốn tăng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh nhanh chóng, một anh có thể bỏ tiền ra mua 100 chi nhánh của anh yếu. Như vậy vừa giảm thiểu được ngân hàng, tổ chức yếu kém, vừa đúng với tinh thần lá lành đùm lá rách.

Chính phủ có thể "giúp" bằng các "kỹ thuật" bỏ nợ xấu trong các tổ chức ngân hàng. Khoản nợ xấu của một ngân hàng có thể chỉ khối tài sản đã bị giảm giá trị chứ không phải đã mất giá trị. Trên tài sản đảm bảo này, các đơn vị có thể vay nợ Chính phủ, phát hành trái phiếu 10 năm, mua lúc đầu giá trị thấp nhưng rồi 5-10 năm sau, giá trị tài sản đó có thể tăng lên và bán được giá.

Ví dụ một phương án này, ông Bình lạc quan nói: như vậy, ngân hàng không còn nợ xấu, Chính phủ thực chất cũng không mất gì. Do đó, ông Bình đề nghị Bộ Tài chính phải nhanh chóng nâng cao năng lực công ty mua bán nợ của bộ này.

Trước những tâm tư của vị Thống đốc, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương góp ý: Trong kế hoạch này, có cái theo bước lộ trình, có cái cần làm ngay từ năm 2012. Thứ nhất là quản trị rủi ro Ngân hàng. Thứ hai là cơ chế giám sát, gắn với đó là các khoản nợ, liên quan đến công ty tài chính, công ty chứng k hoán, với hệ thống tài chính Việt Nam. Và lớn hơn, rất đặc biệt là chúng ta vẫn không thoát khỏi câu chuyện đô la hóa, vàng hóa, gắn câu chuyện Việt Nam mở cán cân tài khoản vốn. Đằng sau đấy là câu chuyện tập đoàn tài chính đa năng bắt đầu ở Việt Nam. Rủi ro lý do thứ nhất là quả bóng tài chính gấp khoảng 7 lần GDP, Việt Nam tính đầy đủ gấp khoảng 2,5 lần. Điều tiết như thế nào còn đầy tranh cãi".

"Cái chủ chốt là làm sao kéo con chuột ra, hà hơi tiếp xúc cho nó! Tôi nghĩ cần nghĩ rộng hơn, lớn hơn cải tổ phải gắn với cải cách quản trị ngân hàng. Gánh nặng đặt lên vai anh Bình, ít nhất cũng hòm hòm trong 10 năm tới", ông Thành bình luận.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, gắn với tái cấu trúc ngân hàng là câu chuyện niềm tin. Sau chương trình cơ cấu lại, làm gì để tránh việc như thế này? Vụ hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua là những doanh nghiệp năm trước chúng ta vừa cơ cấu. Đó cũng là vấn đề ta cần quan tâm, không phải để 5-10 năm nữa chúng ta lại "tái".

Phạm Huyền

Diễn đàn kinh tế Việt nam

Các tin tức khác

>   Trong tháng 12 sẽ nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng (16/12/2011)

>   Thông tư 40: Siết chặt điều kiện thành lập ngân hàng thương mại (16/12/2011)

>   Thống đốc: Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu trong năm 2012 (16/12/2011)

>   Áp lực tăng tỷ giá vẫn hiện hữu (16/12/2011)

>   3 ngân hàng Việt Nam lọt TOP 100 an toàn ở châu Á- TBD (16/12/2011)

>   Tăng trưởng tín dụng 2012: Làm sao tránh “kẻ ăn không hết”? (16/12/2011)

>   Khi nông dân “giải cứu” nợ xấu bất động sản (16/12/2011)

>   Bất thường lãi suất BIDV (16/12/2011)

>   Chấm dứt tình trạng “đại gia” chống lưng ngân hàng (16/12/2011)

>   Tín hiệu hạ lãi suất huy động (16/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật