Chủ Nhật, 11/12/2011 21:47

Siết kỷ cương vàng, ngoại tệ: Cần mềm dẻo hơn

Việc siết chặt kỷ cương trong hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ là hết sức cần thiết trong nền kinh tế bị đô la hóa, vàng hóa cao như Việt Nam. Tuy nhiên, các biện pháp này phải dựa trên các nguyên tắc thị trường bởi nếu không thì thị trường sẽ trở nên khó kiểm soát và bất ổn hơn.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái siết chặt kỷ cương về giao dịch vàng và ngoại tệ nhằm lập lại trật tự trên hai thị trường quan trọng này. Đây là động thái hơi muộn nhưng rất cần thiết trong thời điểm hiện nay bởi lẽ sự căng thẳng, lộn xộn trên thị trường vàng và ngoại tệ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên bất ổn vĩ mô của nền kinh tế.

Động thái siết chặt kỷ cương trên thị trường vàng và ngoại tệ của Chính phủ và NHNN chủ yếu thể hiện trên hai khía cạnh. Một mặt là việc ban hành các văn bản pháp lý để quản lý thị trường, mà quan trọng nhất là Nghị định 95/2011/NĐ-CP (Nghị định 95) sửa đổi bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng và dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng đang được NHNN trình Chính phủ.

Mặt khác, các cơ quan chức năng liên tục tăng cường kiểm tra, xử phạt những vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ. Liệu những giải pháp này có mang lại kết quả như mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước?

Về mặt lý thuyết, việc tăng nặng hình thức xử phạt theo Nghị định 95 có thể triệt tiêu động cơ của người vi phạm, tuy nhiên việc áp dụng mức xử phạt quá cao trong một thị trường không được vận hành tốt sẽ dẫn đến tình trạng đình đốn hoặc vi phạm tràn lan và do đó các cơ quan chức năng khó lòng xử lý một cách thích đáng.

Với ngoại tệ

Những vi phạm trên thị trường ngoại tệ là ví dụ điển hình của thực trạng này. Sau một thời gian ngắn trầm lắng do những đợt truy quét gắt gao của cơ quan chức năng, thị trường ngoại tệ tự do đã hoạt động sôi động trở lại bất chấp những quy định xử phạt mạnh của Nghị định 95. Mặt khác, cho đến nay các vi phạm về giao dịch ngoại tệ (chủ yếu là vi phạm về tỷ giá giao dịch vượt mức tỷ giá trần do NHNN quy định) chỉ mới bị phát hiện ở một số ít các cá nhân và doanh nghiệp không phải là các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy ngay cả các NHTM cũng thường có giao dịch mua bán ngoại tệ với tỷ giá cao hơn tỷ giá trần theo quy định của NHNN. Quy mô của những giao dịch này lớn hơn rất nhiều so với những giao dịch ở thị trường tự do bên ngoài ngân hàng. Thậm chí những giao dịch nội bộ giữa chi nhánh và hội sở của các NHTM cũng có tỷ giá cao hơn tỷ giá trần của NHNN. Nói cách khác, những vi phạm về giao dịch ngoại tệ, đặc biệt những vi phạm của các NHTM vẫn diễn ra thường xuyên nhưng chưa “được phát hiện” và xử lý thích đáng. Có nghĩa là mục tiêu lớn nhất của Nghị định 95 là tính răn đe đối với người vi phạm đã không đạt được.

Như vậy, vấn đề trên cho thấy hình thức xử phạt nặng của Nghị định 95 có thể tạo ra tác dụng ngược, đó là sẽ làm cho nghị định này thiếu tính khả thi, bởi lẽ thị trường ngoại tệ Việt Nam hiện tại đang được quản lý theo kiểu hành chính và trong nhiều trường hợp không được vận hành theo nguyên tắc thị trường. Khi các giao dịch chính thức không thực hiện được do cung cách quản lý như vậy thì việc nảy sinh các giao dịch trên thị trường tự do là điều dễ hiểu. Điều này sẽ dẫn đến những vi phạm tràn lan của các thành viên thị trường và khi đa số các thành viên thị trường đều vi phạm thì có nghĩa chẳng ai vi phạm cả. Do vậy, việc ban hành Nghị định 95 mà không đi kèm với những biện pháp quản lý thị trường phù hợp, hiệu quả sẽ làm cho nghị định này không có tính thực thi cao. Điều này một lần nữa đưa các cơ quan quản lý vào tình huống có luật nhưng không thể xử phạt hoặc nếu xử phạt chỉ là “giơ cao đánh khẽ” hay “xử phạt điển hình” rồi thôi.

Với vàng

Về quản lý thị trường vàng, dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN mặc dù chỉ mới ở giai đoạn trình Chính phủ nhưng đã gây nhiều xáo trộn trên thị trường vốn nhiều bất ổn này. Việc cung cấp thông tin chỉ cho phép vàng thương hiệu SJC tồn tại trên thị trường mà không đưa ra bất cứ hướng giải quyết nào đối với các thương hiệu vàng còn lại một cách kịp thời đã làm cho thị trường vàng loạn giá. (Xem thêm bài Loạn giá vàng trên TBKTSG số 49-2011, ra ngày 1-12-2011).

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã đặt ra những quy định rất khắt khe đối với doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng. Đây là điều không cần thiết vì tình trạng bất ổn trên thị trường vàng miếng không nằm ở khâu phân phối nhỏ lẻ mà nằm ở các nhà sản xuất, phân phối độc quyền và chính sách hạn ngạch vàng của NHNN. Những quy định khắt khe như vậy sẽ làm khâu phân phối trên thị trường vàng trở nên hạn chế hơn, làm cho lưu thông hàng hóa trên thị trường vàng miếng trở nên khó khăn hơn và do đó tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ trên thị trường vàng càng căng thẳng, thị trường vàng dễ bị rối loạn hơn.

Đồng thời, việc hạn chế các nhà phân phối nhỏ lẻ một cách quá mức như vậy sẽ làm nảy sinh hoạt động buôn bán chợ đen rất khó quản lý. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các doanh nghiệp, hộ gia đình chỉ đăng ký buôn bán vàng trang sức nhưng nếu với lực cầu vàng miếng lớn và lợi nhuận cao thì họ sẽ tận dụng kinh doanh vàng miếng để kiếm thêm lợi nhuận là điều có thể dự báo.

Ngoài ra, hoạt động bán vàng bình ổn theo chỉ đạo của NHNN cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Có cảm giác rằng hoạt động này đang thể hiện sự cố gắng kéo giá vàng trong nước xuống càng sát giá vàng thế giới càng tốt chứ không thể thực hiện mục tiêu nào khác. Trong thị trường có nhu cầu cao và bị đầu cơ như thị trường vàng, mỗi lần bán vàng bình ổn cần được xem như một cuộc chiến chống đầu cơ. Do đó, mỗi đợt bán bình ổn như vậy NHNN nên đưa ra mức giá mục tiêu và cần phải tính toán cẩn trọng để đạt được mức giá mục tiêu đó, bởi vì nếu không đạt được mục tiêu đề ra thì uy tín của NHNN trong hoạt động quản lý thị trường sẽ bị sụt giảm đáng kể và các đợt bán vàng bình ổn chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu cơ mà thôi. Do vậy, hơn bao giờ hết đây là thời điểm NHNN nên xem lại khả năng bán vàng bình ổn của mình để đưa ra lộ trình giảm giá vàng cụ thể hơn hoặc dừng ngay các hoạt động bán vàng bình ổn nếu các hoạt động này không đem lại kết quả mong muốn.

Hoàng Xuân Huy

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Techcombank được S&P đánh giá triển vọng phát triển ổn định (12/12/2011)

>   Vay vốn cuối năm: Khó như "trèo trời" (11/12/2011)

>   Techcombank lên tiếng về xếp hạng tín nhiệm của S&P (10/12/2011)

>   Các ngân hàng cam kết đảm bảo an toàn hệ thống (10/12/2011)

>   Đề xuất thay đổi thông điệp của NHNN (10/12/2011)

>   Ngân hàng trước cơ hội kiều hối tăng (09/12/2011)

>   Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ (09/12/2011)

>   HSBC ký biên bản hợp tác với Bộ Tài chính (09/12/2011)

>   TPHCM: Vay BIDV 5.000 tỷ đồng đền bù khu đô thị Thủ Thiêm (09/12/2011)

>   Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ dễ thở (09/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật