Sàn giao dịch bất động sản: Hết thời ăn xổi
Dự báo, thị trường bất động sản có thể sẽ phục hồi vào khoảng từ cuối quý III/2012 đến quý II/2013
Sự tàn lụi nhanh chóng của nhiều sàn giao dịch bất động sản minh chứng phần nào tính chất đầu cơ, “ăn xổi” của nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc Việt Nam.
Sàn “cỏ” hết thời
Vào thời hoàng kim của việc buôn bán đất dự án, chỉ riêng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã có khoảng 20 sàn giao dịch bất động sản (BĐS). Đây chỉ là các trung tâm môi giới nhỏ lẻ của các DN tư nhân hoặc cá nhân với quy mô gia đình. Để phù hợp với trào lưu, tất cả các trung tâm này đều được trưng biển “sàn” giao dịch BĐS cho hợp mốt.
Nhưng đến thời điểm này, số “sàn” còn trưng biển có thể đếm trên đầu ngón tay, đa phần đều “cửa đóng, then cài”. Tại Hà Nội, những con phố có nhiều trung tâm, sàn giao dịch BĐS, như Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Nguyễn Thị Định (quận Thanh Xuân) hay Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)… cũng chỉ còn vài sàn còn mở cửa, nhưng cũng rất vắng khách hàng.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà cho biết, chưa khi nào, giới kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn như năm nay. Phân khúc chung cư cao cấp suy giảm, thị trường đất nền, nhà ở riêng lẻ nóng lạnh thất thường. Hầu hết công ty kinh doanh BĐS đều có doanh thu thấp hơn chỉ tiêu đề ra, sản phẩm đưa lên sàn phải trả lại vì không bán được…
Sự cạnh tranh giữa các sàn giao dịch cũng hết sức khốc liệt. Nhiều sàn giao dịch BĐS phía Nam cũng vươn ra khu vực phía Bắc để tìm kiếm thị trường. “Mỗi sàn có chiến lược kinh doanh riêng để tồn tại, nhưng hầu hết đều phải giành giật dự án từ các đối thủ bằng cách giảm tỷ lệ hoa hồng bán hàng”, ông Long cho biết.
“Đại gia” cũng gặp khó
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện cả nước có khoảng 700 sàn giao dịch BĐS có đăng ký với cơ quan chức năng, hàng ngàn doanh nghiệp có chức năng quản lý, môi giới địa ốc khiến cho “cuộc chiến” giành thị phần vừa qua hết sức khốc liệt. Nếu như vài năm trước, những tên tuổi lớn trong làng môi giới BĐS như Savills hay CBRE có vị thế vững chắc trong “trái tim” giới chủ đầu tư, thì nay cũng trở nên bất trắc hơn. Chưa bao giờ những người quan sát thị trường BĐS lại chứng kiến cảnh “thay ngựa giữa đường” tại các dự án kinh doanh BĐS nhiều như thời gian qua.
Theo bà Lan Anh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, trong điều kiện khó khăn của thị trường BĐS, các chủ đầu tư dự án BĐS trở nên ít kiên nhẫn hơn. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư dự án buộc phải cắt giảm hợp đồng hợp tác, giảm bớt việc quản lý một số khâu, phân khúc trong dự án, thay thế đơn vị tiếp thị, bán hàng để nâng cao tính thanh khoản và tiết giảm chi phí. Động thái này khiến các sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Những “khoảng tối”sau sàn BĐS
Sau hàng loạt vụ lừa đảo với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tại các sàn giao dịch BĐS được phát hiện tại Hà Nội như vụ việc của Công ty 1/5 với tên tuổi của Giám đốc Lê Hoà Bình, Công ty cổ phần Sàn BĐS Việt Nam của “siêu lừa” Lê Hồng Bàng…, uy tín của hệ thống sàn giao dịch BĐS đã sụt giảm nghiêm trọng.
Khủng hoảng kinh tế cũng tạo cơ hội “đầu tư tài chính” cho hình thức cho vay nặng lãi giúp chủ dự án và khách hàng đảo nợ ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng vỡ nợ dây chuyền tại Phúc Thọ, Phú Xuyên, Hà Đông, Văn Quán… Từ chỗ, sàn BĐS được coi là địa chỉ tin cậy thì nay đã bị mất điểm nặng. Điều này cũng làm liên lụy đến các sàn BĐS làm ăn chân chính. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS có tiếng trên đường Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, sau những vụ lừa đảo, vỡ nợ tại một số sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội trong năm 2011, lượng khách hàng đến sàn của ông chỉ còn khoảng 1/3.
Đi kèm với sự phát triển của các dự án BĐS là đội ngũ chuyên viên môi giới BĐS hùng hậu. Khách hàng có nhu cầu mua đất dự án chỉ cần đăng tin rao mua đất nền tại một dự án nào đó kèm theo số điện thoại di động, thì gần như ngay lập tức, có hàng chục cuộc điện thoại của các nhân viên môi giới từ các sàn và những người làm nghề môi giới tự do gọi đến chào hàng. Từ chỗ hoạt động nhỏ lẻ, đội ngũ môi giới đã từng bước liên kết hoạt động và thường xuyên tạo ra những “cơn sốt” ảo trên thị trường Hà Nội những năm gần đây.
Tùy vào từng thời điểm, đội ngũ môi giới này có thể “thổi” giá đất từ Mỹ Đình lên Ba Vì, từ Mê Linh sang Sóc Sơn đến cầu Nhật Tân, Cầu Tứ Liên… như thị trường đã được chứng kiến thời gian qua. Sau khi nhiều tỷ đồng của người dân được “găm” vào các dự án, “cơn sốt” chấm dứt và “cò” rút đi, các dự án lại trở nên… hoang phế, cùng với sự biến mất của các sàn BĐS.
Hà Quang
đầu tư
|