Quỹ đầu tư bất động sản: Thiếu hành lang pháp lý
Việc hình thành các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản vượt qua khủng hoảng. Song theo nhiều chuyên gia, hiện chưa có hành lang pháp lý cho các quỹ này.
Những thay đổi về mặt pháp lý như Nghị định 71, Thông tư 13... đang tạo nên những sức ép không nhỏ đối với chủ đầu tư trong việc huy động vốn cho phát triển các dự án bất động sản.
Trong thực tế, các quỹ đầu tư bất động sản hoạt động tại VN hiện nay đều là các quỹ nước ngoài, như VNL của Vinacapital, VPF của Dragon Capital, ILH- ILH2 và ILH3 của Indochina Capital, VPH của Saigon Asset Management...
Trên thực tế, hiện đã có nhiều quỹ đầu tư được hình thành và tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, vào DN, nhưng chưa có quỹ nào chuyên sâu trong huy động vốn để đầu tư vào bất động sản. Nguyên nhân là do hoạt động của các quỹ đầu tư là hoạt động tài chính, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch về các tài sản đầu tư và các quyền có liên quan đến tài sản, như quyền sở hữu, quyền chuyển nhượng với sự thuận tiện trong mua bán, không bị cản trở bởi các thủ tục hành chính và các yêu cầu pháp lý phức tạp. Trong khi đó, nhìn chung, lĩnh vực bất động sản không đạt được các tiêu chí này, nên các quỹ dành cho bất động sản chưa thể ra đời. Theo các chuyên gia, các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản là công cụ hữu hiệu tạo sự linh hoạt, thanh khoản cao cho tín dụng bất động sản, hỗ trợ cho người mua nhà có điều kiện vay và sở hữu nhà ở, sở hữu bất động sản.
Tuy nhiên, để cho mô hình này có thể phát triển, cần đổi mới đồng bộ hệ thống pháp luật và hành chính về đất đai, quyền sở hữu, kinh doanh bất động sản với định hướng bảo đảm các quyền sở hữu về bất động sản một cách chắc chắn nhất; việc giao dịch, định đoạt của chủ sở hữu về tất cả các loại hình bất động sản được thực hiện nhanh chóng nhất.
Bộ Tài chính hiện đang chuẩn bị ban hành quy định hướng dẫn cho việc huy động vốn, thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý quỹ đầu tư bất động sản.
Theo dự thảo quy định, quỹ đầu tư bất động sản sẽ được tổ chức dưới dạng hợp đồng hoặc công ty cổ phần, chia làm hai loại là quỹ đại chúng (quỹ mở) và quỹ thành viên (quỹ đóng). Quỹ đóng bị giới hạn số cổ phần phát hành, chứng chỉ quỹ được niêm yết tại thị trường chứng khoán và được mua bán tại mức giá do thị trường quyết định. Trong khi đó, quỹ mở được phép phát hành thêm cổ phần, và nhà đầu tư có thể định kì bán lại cổ phiếu cho công ty quản lí quỹ tại giá trị tài sản ròng trên một cổ phần.
Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN cho rằng, các điểm chính yếu cần nhắm đến cho các mô hình quỹ mới, nên là quỹ trong nước, được phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi của mọi người dân VN cho thị trường bất động sản... đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù ở đây là về thuế cũng như việc áp dụng cơ cấu cổ đông sở hữu (tỷ lệ cổ tức cao) tránh độc quyền...
Huy Tuấn
DIỂN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|