Thứ Hai, 05/12/2011 11:40

Quan điểm hệ thống với tái cấu trúc nền kinh tế

Bài viết này đề cập quan điểm hệ thống khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế.

Thiết kế mô hình tăng trưởng mới

Chủ trương năm 2012 và những năm tiếp theo lấy kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội làm nhiệm vụ trung tâm là đúng đắn, nhưng nếu chỉ tập trung tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư, nhất là đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, mà chưa thiết kế mô hình tăng trưởng mới thì liệu có đạt được kết quả không (?).

Theo quan điểm hệ thống thì cần thiết kế mô hình tăng trưởng mới, dựa trên lý thuyết phát triển hiện đại và đòi hỏi của đất nước khi đã vượt qua ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) và hội nhập sâu rộng với thế giới. Mô hình đó bao gồm cấu trúc ngành kinh tế – kỹ thuật, cấu trúc kinh tế vùng và địa phương, cấu trúc kinh tế theo hình thức sở hữu, xác định định hướng mục tiêu, thời gian và không gian thực hiện, trên cơ sở đó tái cấu trúc vốn đầu tư, bao gồm đầu tư công; tái cấu trúc từng bộ phận như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó có ngân hàng, tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước…

Đây là quan hệ biện chứng giữa tổng thể với bộ phận, giữa cái chung và cái riêng, giữa cấu trúc nền kinh tế với cấu trúc thành phần. Một khi chưa giải quyết vấn đề theo quan điểm hệ thống, thiết kế mô hình tăng trưởng mới theo lý thuyết phát triển hiện đại đối với nền kinh tế nước ta làm căn cứ để tái cấu trúc từng bộ phận, thì trên từng bước tiến lên sẽ khó tránh khỏi vấp váp, dẫn đến tình trạng trong khi đổi mới cấu trúc thành phần không những không có tác động tích cực, mà còn tạo thêm nhược điểm đối với cả hệ thống.

Bài học kinh nghiệm của giai đoạn trước khi có chủ trương đổi mới với việc cải cách từng bộ phận của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp như cải cách giá cả - tiền tệ - tiền lương, cải tiến quản lý kinh tế, khoán sản phẩm đến hộ và người lao động trong nông nghiệp, kế hoạch hóa “ba phần” trong công nghiệp đều không đưa lại kết quả như mong đợ. Chỉ đến khi đổi mới toàn diện theo kinh tế thị trường gắn với hội nhập quốc tế, thiết kế lại toàn bộ chính sách, thể chế, luật pháp, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp thì mới thu được thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội.

Lý thuyết tăng trưởng hiện đại

Tái cấu trúc nền kinh tế theo quan điểm hệ thống đòi hỏi phải được dẫn dắt bởi lý thuyết tăng trưởng hiện đại.

Theo lý thuyết này, mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên ý tưởng và tính sáng tạo, thay cho tăng trưởng dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn, nguồn nhân lực và tài nguyên, bởi trong thế giới hiện đại, ý tưởng và sáng tạo trở thành nguồn lực vô tận, trong khi tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư là có giới hạn. Theo đó, giáo dục là điều kiện hàng đầu để hấp thụ và sáng tạo ý tưởng mới; không có một nền giáo dục có chất lượng cao, thì khó có thể có nguồn nhân lực đầy sức sáng tạo. Du nhập công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D) là nhân tố quan trọng gắn bó hữu cơ với giáo dục và đào tạo. Môi trường dân chủ thực chất với hành lang pháp lý được thiết chế theo tư duy “lấy dân làm gốc” là điều kiện để khơi dậy ý tưởng mới và tính sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học và công nghệ.

Lý thuyết tăng trưởng mới quan tâm đến vai trò của kinh tế quy mô, làm cho thị trường được mở rộng nhanh chóng và làm cho tích tụ để tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp càng có ý nghĩa. Điều đó đòi hỏi phải có sự lựa chọn trên cơ sở lợi ích dân tộc để tập trung phát triển một số ngành kinh tế mà nước ta có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, không thể và không nên phát triển tràn lan, nhất là theo phong trào, bởi vì kích cỡ của từng ngành kinh tế càng đủ lớn thì năng lực cạnh tranh càng gia tăng, càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà phân phối. Hầu hết sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng toàn diện được giải thích bằng hiệu suất khác nhau giữa các ngành công nghiệp. “Nếu không có kinh tế quy mô, các nước có thu nhập trung bình Đông Á sẽ gặp phải trở ngại lớn trong việc giữ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của họ” (Đông Á phục hưng, Nxb Văn hóa thông tin, tr.21).

Lý thuyết tăng trưởng mới cho rằng, các nước có thu nhập trung bình phải trải qua ba giai đoạn phát triển: thứ nhất là giảm dần đa dạng hóa sản phẩm, tăng dần chuyên nghiệp hóa sản phẩm và nguồn nhân lực; thứ hai là đầu tư sẽ kém quan trọng hơn là tính sáng tạo và thứ ba là giáo dục chuyển từ trang bị cho người lao động kỹ năng để có thể sử dụng công nghệ mới sang tạo ra ý tưởng sáng tạo và sản phẩm mới.

GS -TSKH Nguyễn Mại

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lạm phát một con số: Nhiệm vụ khả thi năm 2012 (05/12/2011)

>   Điểm mặt những cú sốc kinh tế năm 2011 (05/12/2011)

>   Tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty: Khó xử với hội đồng thành viên (05/12/2011)

>   TPHCM chi đầu tư phát triển 204% dự toán (05/12/2011)

>   “Việt Nam sẽ tìm được nguồn tài chính khác ngoài ODA” (04/12/2011)

>   "Việt Nam cần phải cải cách kinh tế vĩ mô hơn nữa" (04/12/2011)

>   Phá sản nhiều nhưng DN vẫn muốn thắt chặt tiền tệ (03/12/2011)

>   Chậm giải ngân các dự án FDI: Yếu tố "dự án ảo" (02/12/2011)

>   BJC có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam (02/12/2011)

>   2012: Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật