Tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty: Khó xử với hội đồng thành viên
Với cơ chế như hiện nay, việc miễn nhiệm, cách chức Hội đồng Thành viên (HĐTV), ban giám đốc tập đoàn, tổng công ty dường như không thể thực hiện được
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hiệu quả hoạt động yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự yếu kém của những người đứng đầu, như HĐTV, ban giám đốc.
Đồng quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tái cấu trúc DNNN tại Việt Nam chính là quá trình nâng cao năng lực quản trị, quản lý, đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.
“Cốt lõi của vấn đề này là nâng cao năng lực, đồng thời phải có cơ chế giám sát, cơ chế thưởng - phạt nghiêm minh đối với HĐTV, ban giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, bởi họ chính là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tái cấu trúc đơn vị mà họ được giao đại diện vốn chủ sở hữu”, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo.
Theo bà Victoria Kwakwa, các quốc gia trên thế giới cũng đang tích cực thay đổi mô hình tổ chức, quản lý, điều hành DNNN với mục tiêu đặt ra là tăng hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, phát huy vai trò quan trọng của DNNN trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, thực tế là do chế tài thưởng - phạt không khả thi nên cơ quan chức năng “bất lực” trong việc xử lý HĐTV và ban giám đốc yếu kém.
Theo quy định hiện hành, HĐTV chỉ bị miễn nhiệm trong trường hợp bị toà kết án; không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao; bị mất hành vi dân sự; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân; không trung thực trong báo cáo tình hình tài chính.
Với quy định này, HĐTV không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền vẫn “bình chân như vại”. Thậm chí nếu đơn vị thua lỗ, mất vốn nhà nước, đầu tư không hiệu quả... HĐTV vẫn yên tâm “tại vị” vì không thuộc đối tượng bị miễn nhiệm.
Với cá nhân người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty như chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc, chế tài quy định gần tương tự như với tập đoàn, tổng công ty, nên cũng rất khó miễn nhiệm, bởi chỉ khi nào chứng minh được mối quan hệ nhân - quả của những việc này thì mới có cơ sở để miễn nhiệm chủ tịch HĐTV. Nhưng vấn đề là ai, cơ quan nào chứng minh mối quan hệ này? Và phải cần bao nhiêu nhân lực, thời gian để thực hiện việc này? Rõ ràng là rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.
Ngay cả khi có thể miễn nhiệm một tổng giám đốc tập đoàn thì quá trình cũng sẽ kéo dài nhiều năm, bởi theo quy định, tổng giám đốc chỉ bị miễn nhiệm nếu để tập đoàn lỗ 2 năm liên tiếp, hoặc không đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu trong 2 năm liên tiếp; lỗ lãi đan xen nhau mà không khắc phục được trừ một số trường hợp do khách quan. Nhưng tuyệt đại bộ phận các đơn vị bị thua lỗ, không đạt tỷ suất lợi nhận/vốn chủ sở hữu đều được chứng minh là “do khách quan”. Như vậy, không có “ông tổng” nào bị “mất ghế” vì để tập đoàn, tổng công ty thua lỗ”.
“Các hình thức xử lý kỷ luật với thành viên HĐTV, ban giám đốc rất lỏng lẻo và không có tính răn đe. Về cơ bản, họ chỉ bị “mất việc” khi không còn khả năng làm việc; được hoặc bị điều động, chuyển sang công việc khác. Muốn cấu trúc lại DNNN phải bắt đầu cấu trúc từ ban lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty”, ông Cung bình luận.
Có chung nhận định năng lực quản lý, điều hành, trình độ của ban lãnh đạo DNNN không theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế là nguyên nhân dẫn đến hoạt động yếu kém của DNNN, Giám đốc Học viện Giám đốc Malaysia, ông Aziz Bakar cho hay, nước này đang đang nỗ lực tái cấu trúc DNNN với mục tiêu là tăng hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh và coi khu vực kinh tế này làm điểm tựa cho nền kinh tế, cũng là để thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình như nhiều nước đang gặp phải. “Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng nên quan tâm đến vấn đề này”, ông Aziz Bakar khuyến cáo.
Mạnh Bôn
ĐẦU TƯ
|