PVN không cấp đủ khí: EVN thêm cớ để tăng giá
PVN sản xuất tới 9 tỷ m3 khí nhưng lại chỉ bán 5,7 tỷ m3 cho điện. Thiếu 800 triệu m3 cho phát điện, EVN sẽ tốn thêm 18.000 tỷ đồng để mua dầu phát điện. Đây sẽ thêm một cái cớ để tăng giá điện.
Thiếu khí: điện sẽ căng thẳng hơn
Tại cuộc họp bàn về kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Bộ Công Thương hôm 7/12, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (PVN) lo lắng cho biết, năm 2012, sản lượng điện dự kiến việc cung ứng điện gặp trục trặc ở khâu cung ứng khí.
Theo kế hoạch cung ứng điện năm 2012, EVN cần 6,6 tỷ m3 khí nhưng dự báo cân đối cung cầu khí tính đến nay, còn thiếu tới 800 triệu m3 khí. Như vậy, EVN sẽ phải phát dầu thay thế tương đương bù phát 4,2 tỷ kWh.
Chưa hết, kế hoạch cung ứng điện 5 năm tới cũng rập rình đứng trước nỗi lo phải chạy thêm nguồn dầu nếu tăng trưởng kinh tế cao. EVN đã có tờ trình Bộ Công thương và Chính phủ kế hoạch này, theo đó, để đáp ứng nhu cầu GDP 6,5-7% bình quân giai đoạn 5 năm tới thì điện sản xuất và điện thương phẩm sẽ phải tăng khoảng 13% hoặc 15%.
Ở phương án tăng trưởng kinh tế thấp, ngành điện chỉ tăng sản lượng 13% hoàn toàn đáp ứng được đủ điện nhưng riêng dự phòng điện chỉ đảm bảo được ở miền Trung và Bắc, còn miền Nam vẫn thiếu dự phòng điện.
Nếu đáp ứng ở giả thiết phương án tăng trưởng cao tới 15%, việc cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Ông Thanh ước tính sẽ có năm phải phát tới 11-12 tỷ kWh điện từ nguồn dầu và hệ thống hoàn toàn không có dự phòng điện.
Trong khi đó, phát điện chạy dầu là nỗi ám ảnh lớn nhất của Tập đoàn này. Tại cuộc họp giao ban ngành đầu tuần này, ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương đã xác nhận , nếu phải phát điện chạy bù cho việc thiếu hụt tới 1 tỷ m3, EVN đứng trước nguy cơ phải đội thêm 18.000 tỷ đồng chạy dầu. Như vậy, không giá điện nào gánh nổi khoản phát sinh này, ông Vượng nói.
Ngay trong tuần đầu tháng 12 vừa qua, Cục Điều tiết điện lực cho biết cũng vì thiếu khí cục bộ nên hệ thống điện phía Nam có lúc quá tải dẫn tới phải sa thải phụ tải. Ví dụ như các ngày 25/11, 28/11, 29/11, 30/11, 1/12, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, Tổng công ty khí Việt Nam (đơn vị cung cấp khí, điều độ khí cho phát điện) đã không tăng khí cấp cho Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4 và Bà Rịa để tăng công suất theo nhu cầu của hệ thống. Đặc biệt, ngày 28/11 Tổng công ty khí Việt Nam không tăng công suất khí cấp cho Bà Rịa do đó điều độ điện miền Nam phải sa thải phụ tải 25MW. Do quá tải đường dây 110kV 171 Phú Mỹ - 173 Phú Mỹ 1..
Trên thực tế, tình trạng không thống nhất giữa điều tiết khí và điều độ điện như vậy đã từng xảy ra trước đó.
Chính vì vậy, ông Phạm Lê Thanh kiến nghị, để đảm bảo đủ điện thì EVN cần được đáp ứng 4 kiến nghị. Trong đó, kiến nghị đầu tiên là cung ứng khí cho điện phải đảm bảo đủ. Kiến nghị quan trọng thứ hai là giá điện phải đảm bảo lành mạnh tài chính cho EVN tiếp tục phát triển, thứ ba là phải đảm bảo cân đối vốn cho các dự án điện và việc giải phóng mặt bằng cho các dự án lưới điện.
Không hề thiếu khí?
Câu hỏi lớn đặt ra là vì sao, PVN lại báo cáo cáo kế hoạch cung ứng khí cho điện bị hạn chế như vậy, chỉ khoảng 5,7 tỷ m3? Ngay đầu cuộc họp, ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cho biết, năm nay, PVN khai thác sản xuất tới hơn 9 tỷ m3 khí.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ngay lập tức chỉ rõ điểm mâu thuẫn này: "Tập đoàn Dầu khí báo cáo là năm nay khai thác 9 tỷ m3 khí nhưng lại chỉ bán cho điện 5,7 tỷm3, vậy anh bán đi đâu?"
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: " Tôi nói ngay việc cung ứng khí phải ưu tiên cho điện, không thể làm việc khác trước. Đây là việc phải rút kinh nghiệm, kể cả EVN. Điện lực khi cam kết với Dầu khí kế hoạch tiêu thụ khí phải rõ ràng, bao tiêu khí cho phát điện mà để ở mức thấp, dẫn tới thiếu điện là rất gay."
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thách thức lớn trong năm tới chính là cân bằng năng lượng. Chúng ta sẽ thiếu than từ năm 2015 và sẽ phải nhập than. Chúng ta cũng sẽ thiếu khí. Ngay bản thân việc cung ứng điện cũng sẽ thiếu.
"Năm nay ngành điện có cố gắng nhưng rõ ràng, rõ ràng với tốc độ này là thiếu điện. Việc này sẽ trở thành câu hỏi khi mời nhà đầu tư nước ngoài vào, họ sẽ hỏi đủ điện không mà bảo vào?" Phó Thủ tướng nói.
"Tình hình dáp ứng đủ điện sẽ rất khó khăn nên chúng ta không có đổi mới hoàn toàn về tư duy thay đổi thị trường, thu hút đầu tư thì sẽ không giải quyết được vấn đề này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu, 3 tập đoàn Điện, Than, Dầu khí sẽ phải phối hợp rất chặt và nhịp nhàng mới giải quyết được vấn đề trên. Cân bằng năng lượng luôn luôn là thách thức trong một giai đoạn dài, thiếu năng lượng. Trong khi tốc độ đổi mới công nghệ rồi suất tiêu thụ năng lượng còn cao, tín hiệu giá không chuẩn. Bộ Công Thương cần đứng ra cân đối năng lượng chung như nhập khẩu than, nhiên liệu lỏng cho điện.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa hẹnt, Bộ Công Thương sẽ họp bàn dứt điểm vấn đề cung ứng khí cho điện. Vấn đề này sẽ theo tinh thần bất cứ tình huống nào cũng phải ưu tiên khí cho điện. Hai tập đoàn dầu khí và điện cần phải phối hợp hài hòa đảm bảo quyền lợi 2 bên.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|