Công nghiệp, thương mại đảm bảo vai trò trụ cột nền kinh tế
Kết quả phát triển giai đoạn 2011-2015 của công nghiệp - thương mại sẽ đóng vai trò động lực, quyết định trong mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Bộ Công Thương cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn trong chi đạo điều hành phát triển.
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc tại Bộ Công Thương hôm nay, 7/12, về tình hình nhiệm vụ năm 2011-2012 và giai đoạn 2011-2015 của các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại.
Nổi lên những thách thức lớn
Với yêu cầu của Phó Thủ tướng, đại diện các ngành, Tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã đề cập trực tiếp tới các vấn đề nổi cộm và giải pháp trong quá trình phát triển hiện tại và sắp tới.
Bên cạnh những dấu hiệu đáng mừng, một bức tranh chung với nhiều thách thức hiện rõ trong tình hình phát triển công nghiệp, thương mại. Lãi suất cao, giá cả đầu vào tăng, thị trường bị cạnh tranh đã gây khó cho các doanh nghiệp khi 11 tháng qua, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, tiếp tục giảm 0,1% điểm so với thời điểm 10 tháng.
Phân theo ngành kinh tế, công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tiếp tục giảm nhẹ dù đã triển khai mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khá tích cực, tốc độ tăng xuất khẩu (34,7%) cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (26,4%), giúp cán cân thương mại cân bằng hơn và dự báo nhập siêu cả năm này chỉ khoảng 10 tỷ USD, thấp hơn nhiều chi tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Thị trường trong nước dù trong điều kiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ, mức lưu chuyển, tiêu thụ hàng hóa vẫn giữ được đà tăng trưởng, tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng tăng trên 20% so cùng kỳ.
Các ý kiến đại diện ngành kinh tế đều thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, cũng là thách thức lớn mà phải đối mặt trong thời gian tới, đặc biệt là trong thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Đó là mức tăng trưởng bị tác động lớn bởi biến động, khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, nhất là khi độ mở lớn và ngành công nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu; tỷ trọng công nghiệp vẫn thấp hơn mục tiêu, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam phần lớn chưa cao.
Các thách thức lớn cũng đến từ sự thiếu hụt hạ tầng, an ninh năng lượng, khả năng tiếp thu công nghệ và cả nguồn nhân lực trình độ cao.
Trong thương mại, vấn đề nổi cộm là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã và tiếp tục có xu hướng giảm như dầu khí, than,…; một số mặt hàng khác ngày càng bộc lộ điểm yếu về năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: nền kinh tế, doanh nghiệp và mặt hàng.
Tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả trong quản lý, điều hành của Bộ Công Thương đối với hai lĩnh vực kinh tế rộng lớn và hết sức quan trọng đối với đất nước, đồng thời nhấn mạnh kết quả phát triển giai đoạn 2011-2015 của ngành Công Thương sẽ đóng vai trò động lực, quyết định trong mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Phân tích tình hình kinh tế thế giới, trong nước, những ảnh hưởng đối với nhiệm vụ phát triển đối với ngành Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành.
Đảm bảo tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch theo chiều sâu, ưu tiên hoàn thành các dự án đảm bảo an ninh năng lượng, các mặt hàng thiết yếu, công nghiệp chế biến; Tập trung phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo ổn định nhập khẩu, cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu trong nước… Đó là những yêu cầu chủ đạo mà Phó Thủ tướng nêu rõ trong mục tiêu phát triển công nghiệp thương mại giai đoạn 2011-2015.
Trực tiếp phân tích từng nhóm ngành hàng cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ trong việc xây dựng quy hoạch, cơ chế để tạo khung pháp lý khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển.
Điều kiện sản xuất, đặc biệt là thị trường khó khăn hơn là những dự báo mà cơ quan quản lý cần hết sức chú ý trong chỉ đạo điều hành để có các giải pháp đồng bộ hơn nữa. Trước tiên, đảm bảo các mặt hàng an ninh năng lượng là nhiệm vụ quan trọng, thị trường hóa giá năng lượng sơ cấp và giá điện có điều tiết của Nhà nước; tăng cường công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ tạo lợi thế cạnh tranh, để nâng cao giá trị hàng sản xuất, xuất khẩu. Tận dụng tốt hơn các lợi ích đem lại từ các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA), các thỏa thuận linh tế song phương để đẩy mạnh xuất khẩu.
Phát triển thương mại trong nước cần chú ý vấn đề hệ thống phân phối, đáp ứng được nhu cầu đa dạng, nhiều đối tượng của khách hàng, tạo nên được những DN phân phối mạnh, có thương hiệu.
Các ngành kinh tế đều cần chú ý đến yếu tố năng suất lao động trong bài toán tốc độ tăng trưởng, tìm cách giảm phát triển nhờ đầu tư, hướng tới năng suất và áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các DN được quyền tự chủ hơn, đồng thời có trách nhiệm hơn trong hoạt động của mình.
“Giai đoạn tới với những thách thức, khó khăn to lớn, nhiệm vụ nặng nề mà ngành Công Thương cần luôn coi là sức ép để tạo sự bứt phá trong giải pháp, kết quả”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận./.
Mục tiêu phát triển ngành công – thương giai đoạn 2011-2015:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10%, giá trị tăng 13,5%/năm.
- Tăng trưởng xuất khẩu 12,1%/năm. Đến 2015 XK đạt kim ngạch 133 tỷ USD.
- Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20%/năm. Đến 2015 đạt 4.000 nghìn tỷ VND.
- Vốn đầu tư trong lĩnh vực đạt khoảng 1.851,9 tỷ VND. |
Nguyên Linh
Chính Phủ
|