Phát triển đô thị: Có tiền sẽ thành công
Dự án phát triển đô thị muốn thành công thì cần phải có mặt bằng sạch, việc thực hiện dự án phải đồng bộ từ khâu quy hoạch đến xây dựng. Quan trọng nhất là phải có tiền và việc quản lý tiền phải hiệu quả.
Trong tham luận gửi đến hội thảo do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 15/12, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong phát triển đô thị gồm: thiếu vốn đầu tư phát triển đô thị (dẫn đến đầu tư không đồng bộ); quy hoạch đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách quản lý dự án phát triển đô thị còn nhiều bất cập.
Nhiều bất cập
Thời gian qua, Vinaconex đã và đang làm chủ đầu tư nhiều dự án phát triển đô thị như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Bắc An Khánh, Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà…
Từ kinh nghiệm của bản thân và những thực tế trong quá trình triển khai các dự án phát triển đô thị của nhiều chủ đầu tư khác, ông Phương cho rằng, tâm lý chung của các chủ đầu tư vẫn nặng về kinh doanh theo lợi nhuận, chứ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phải đầu tư nghiêm túc cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Nhiều dự án cho thấy, tiền đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị còn thấp.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng phải thỏa thuận về quy hoạch cho từng công trình, từng dự án, nên về mặt tổng thể, còn chắp nối, chưa đồng bộ với các hạ tầng cơ sở. Vì một lý do nào đó, chủ đầu tư chủ động chia dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ, đến khi triển khai, việc kết nối giữa các dự án lại không được thực hiện tốt, nên không thể hoàn thành các dự án một cách đồng bộ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Mạnh Hùng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, bổ sung thêm một bất cập nữa liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đơn giá đền bù đất đai, vật kiến trúc… áp dụng cho dự án chênh lệch rất nhiều so với đơn giá thực tế trên thị trường, nên nhiều hộ dân không nhận tiền đền bù để di dời. Việc xác định mốc giới tại thực địa, kê kiểm, áp giá đền bù, thỏa thuận với dân, lập và trình duyệt phương án đền bù… thường xuyên bị kéo dài. “Những vấn đề trên có thể kéo dài thời gian thực hiện đầu tư, thậm chí không thể thực hiện đầu tư”, ông Hùng nói.
Những giải pháp căn cơ
Để giải quyết các bất cập trên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị, cần quy định chi tiết, cụ thể, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân và doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng cho từng loại dự án, đặc biệt liên quan đến chi phí đền bù, chính sách tái định cư…
“Phát triển mạnh các dự án Nhà nước thực hiện ‘mặt bằng sạch’ và đã hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ sở trước khi vào đấu thầu dự án”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Hội Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cần thực hiện trước và khi khối lượng giải phóng mặt bằng xây dựng hoàn thành đạt tỷ lệ 60% đến 80% khối lượng mới cho phép triển khai thi công, tránh tình trạng vừa thi công vừa chờ giải tỏa.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phương nói: “Dự án phát triển đô thị muốn thành công thì cần phải có mặt bằng sạch, việc thực hiện dự án phải đồng bộ từ khâu quy hoạch đến xây dựng. Quan trọng nhất là phải có tiền và việc quản lý tiền phải hiệu quả”. Cũng theo ông Phương, cần có những chính sách, quy định đối với các dự án xây dựng khu đô thị theo hướng phải đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội, với mức đầu tư thích hợp, thì chủ đầu tư mới được rao bán căn hộ.
“Không triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở”, ông Phương kiến nghị và phân tích thêm: “Việc phân lô nên được cho phép, nhưng phải quy định tiến độ, ví dụ, chủ đầu tư khi cấp dự án phải cam kết tiến độ. Khi giao dịch nhà, người dân với doanh nghiệp phải cam kết khi nào hoàn thành xây thô, nếu không thực hiện thì phải có hướng xử lý”.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với kết luận của ông Phương khi cho rằng, một dự án, công trình không được đầu tư đồng bộ, sẽ không bao giờ phát huy và vận hành được công suất như thiết kế, gây lãng phí lớn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế và hạn chế sự phát triển bền vững.
Minh Nhật
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|