Thứ Năm, 15/12/2011 16:13

5 sự kiện nổi bật ngành xây dựng 2011

Cùng Bất động sản điểm lại những sự việc nổi bật nhất năm qua của ngành xây dựng

1. Công bố quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Chiều 29/7/2011, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Tiếp sau nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử của thủ đô và cả nước.

Thủ tướng cũng khẳng định, việc hoàn thành quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của thủ đô; từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân...

Thủ tướng Chính phủ dự lễ công bố Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chiều ngày 29/7.

Theo quy hoạch, đến năm 2050, thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, giao dịch, du lịch, thương mại, dịch vụ của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

2. Loạn phí dịch vụ chung cư cao cấp

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ thưa kiện, khiếu nại và tập trung đông người phải đối chủ đầu tư của các cư dân đang sống trong các khu chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp vì đã vi phạm hợp đồng và bắt chẹt người dân với giá dịch vụ "cắt cổ" khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 29/9/2011 về giá trần phí dịch vụ nhà chung cư tại Hà Nội: Có 3 mức giá trần là 2.400 đồng/m2, 3.100 đồng/m2 và 4.000 đồng/m2 cho từng loại nhà chung cư khác nhau. Mức giá trên được áp dụng tạm thời trong 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực (ngày 29-9-2011). Cụ thể, đối với nhà chung cư không có thang máy, giá trần là 2.400 đồng/m2/tháng cho các dịch vụ: quét dọn, vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 ngày/1 lần); quản lý, vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà theo quy định của nhà sản xuất và chuyên ngành; thay, rửa bể nước đảm bảo vệ sinh (6 tháng/lần); bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà.

Đối với nhà chung cư có thang máy, mức phí trần được đưa ra là 3.100 đồng/m2/tháng, ngoài việc được hưởng các dịch vụ như nhà không có thang máy người dân còn được tổ chức diễn tập an toàn phòng chống cháy nổ mỗi năm một lần. Tương tự, với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng của nhà chung cư có thang máy, người dân sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như tổ chức phun thuốc diệt côn trùng mỗi năm 1 lần; chăm sóc cây xanh thảm cỏ thuộc khuôn viên nhà chung cư; lễ tân trực theo giờ hành chính.

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng kể từ ngày áp dụng quyết định của UBND thành phố, sự bức xúc của người dân các khu chung cư đối với chủ đầu tư vi phạm vẫn chưa hề giảm nhiệt mà còn có phần gia tăng. Đơn cử như tòa nhà Keangnam, sau nhiều lần người dân đấu tranh nhưng chủ đầu tư cũng chỉ hạ mức phí quản lý từ 0,99USD/m2/tháng xuống còn 18.600 đồng/m2. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là xảy ra xung đột giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ tại tòa nhà được cho là cao cấp nhất Việt Nam này. Chủ đầu tư cắt thang máy, điện nước... Cư dân đã phải đốt bếp than tổ ong để nấu ăn. Cuộc đối đầu tập trung đông người làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn, đến nỗi lực lượng công an, chính quyền địa phương phải can thiệp cương quyết, lúc này chủ đầu tư mới nhượng bộ.

Loạn phí dịch vụ chung cư khiến người dân bức xúc. 

Không “nóng” như Keangnam nhưng các chung cư cao cấp khác như The Manor, Ciputra, Sky City... cũng đang âm ỉ bởi những ấm ức của người dân ở đây về mức phí dịch vụ. Tại The Manor, không chấp nhận mức giá “trên trời” của chủ đầu tư, năm 2008, cư dân The Manor thành lập Ban đại diện lâm thời và đã tự tính giá dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 (trong khi chủ đầu tư đưa ra giá 6.600 đồng/m2). Tiếp đến năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, Tổ dân phố đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2.

Mức phí “khủng” vẫn được giữ nguyên tại các chung cư cao cấp như: Ciputra 6.300 đồng/m2/tháng, Sky City 8.000 đồng/m2 /tháng, Golden West Lake 0,88USD/m2/tháng (tương đương 18.600/đồng/m2/tháng)…

Trước tình trạng người dân và chủ đầu tư các khu chung cư cao cấp xảy ra tranh chấp và không thể giải quyết được bằng thỏa thuận, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra định kỳ về vấn đề quản lý, dịch vụ của các khu chung cư. Sắp tới Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu để sửa đổi những quy định từ công tác phát triển đến công tác quản lý để phù hợp hơn, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.

3. 99% dự án xây dựng chậm tiến độ, hàng loạt dự án bị thu hồi

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA) Trần Ngọc Hùng đưa ra, tại cuộc họp báo tại Hà Nội chiều 12/12/2011, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam đều chậm tiến độ và tỷ lệ về đích đúng hẹn chiếm chưa tới 1%.

Trong nửa đầu tháng 11, hàng trăm dự án bất động sản đã bị thu hồi. Đứng đầu danh sách là tỉnh Lâm Đồng với 43 dự án kiến nghị thu hồi, tiếp theo là Bình Dương với 38 dự án, tiếp nữa là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, TPHCM… 

Một dự án hàng nghìn tỷ đồng bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi tại Đà Lạt 

Về quy mô, dự án lớn nhất bị thu hồi là dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM. Công trình được khởi công tháng 6/2008, dự kiến tạo việc làm cho 70.000 người hàng năm với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên đã hơn 3 năm, chủ đầu tư không thực hiện cam kết đầu tư như ban đầu.

Chủ đầu tư dự án là liên doanh giữa SaigonTel (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) với Công ty TA Associates của Singapore (thuộc thành viên của Tập đoàn Teco Đài Loan), mang pháp nhân Công ty TA Associates Việt Nam. Dự án bị thu hồi vì sau 3 năm khởi công vẫn chỉ là khu đất trống, chủ đầu tư chưa đóng tiền thuê đất và nợ tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất lên đến một triệu USD.

Không đồng ý với quyết định rút giấy phép dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm của UBND TP HCM, chủ đầu tư dự án 1,2 tỷ USD này đã gửi văn bản lên Bộ Tư pháp đề nghị Bộ xem xét và trả lời.

Tại khu vực miền Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thu hồi chủ trương đầu tư 4 dự án du lịch trên địa bàn. Trong số trên, 1 dự án chủ đầu tư xin được trả lại, 3 dự án còn lại bị thu hồi do chủ đầu tư không triển khai sau khi được chấp thuận chủ trương.

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho Vũng Tàu, nhưng sau nhiều năm được cấp phép, hàng loạt dự án có vốn lên tới hàng tỉ USD tại đây vẫn nằm trên giấy, đất dự án bị bỏ hoang hoặc bị người dân lấn chiếm.

Tại Bình Dương, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương và dự án quy hoạch đối với 38 dự án khu nhà ở, khu đô thị do chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện.

Ở khu vực miền Trung, theo kết luận thanh tra mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 43 dự án bất động sản. Trong số đó, có 9 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng sau 12 tháng vẫn chưa triển khai, 34 dự án đã được giao đất sau hơn 1 năm vẫn không khởi công xây dựng.

Các dự án trên chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ, du lịch, trồng rừng kết hợp sản xuất nông lâm.

Các tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi cũng kiên quyết thu hồi 12 dự án du lịch chậm tiến độ tại Cam Ranh và các dự án chậm triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất. Quảng Nam ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc Hội An II của công ty TNHH Phát triển La Perla Sông Hàn.

Trước tình hình chậm triển khai và không báo cáo quy hoạch, tỉnh Bình Định cũng ra văn bản cảnh báo thu hồi 2 dự án sân golf và du lịch tại thành phố Quy Nhơn.

Với vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD nhưng do chậm triển khai, hàng loạt dự án tại thành phố Đà Nẵng cũng đã bị thu hồi.

Phòng Đầu tư (Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng) cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định thu hồi 2 dự án đầu tư nước ngoài của công ty TNHH Tradamco Việt Nam và công ty TNHH Rativiet do chậm triển khai.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa chỉ đạo thu hồi 325ha đất từ 4 dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Phú Quốc.

4 dự án trên gồm: Khu du lịch sinh thái Gành Dầu, xã Gành Dầu với diện tích 9,34ha của công ty TNHH Tư vấn Thiết kế xây dựng Nhẫn Đạt; dự án đầu tư Khu nông trại Safari tại ấp Suối Cát, xã Cửa Dương diện tích khoảng 277,8ha của công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Huy và công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Đông Dương; dự án khu biệt thự cao cấp và dịch vụ du lịch sinh thái tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ của công ty TNHH Lê An với diện tích thu hồi là 10,81ha; và dự án Khu du lịch sinh thái tại ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương của Công ty TNHH Phong Vũ với diện tích khoảng 27,44ha.

Nguyên nhân bị thu hồi là do các dự án triển khai chậm tiến độ, không còn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Thủ đô Hà Nội, thành phố cũng thu hồi 5 dự án, đồng thời nêu tên các dự án chậm triển khai 24 tháng với cảnh báo sẽ thu hồi nếu không hoàn thành đúng tiến độ.

Liên quan đến tình trạng thiếu đồng bộ, chậm triển khai công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là tình trạng thiếu trường mầm non và phổ thông, ngày 21-9, một loạt các Sở và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội vừa bị Chủ tịch UBND Thành phố phê bình...

Để giữ kỷ cương hành chính nhà nước, giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND quận huyện, thị xã rà soát, tổng hợp tình trạng thiếu trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên các địa bàn toàn Thành phố, báo cáo UBND Thành phố.

4. Bộ xây dựng có Bộ trưởng mới

Ngày 5/8/2011, ông Trịnh Đình Dũng đã chính thức giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng do Quốc hội khoá XIII tín nhiệm bầu ra.

Sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là phát triển chung cư sở hữu có thời hạn và nhà cho thuê ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu của công chức, viên chức tại các đô thị.

Ông Trịnh Đình Dũng, tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Theo ông Dũng, ở cương vị mới, ông có nhiều việc phải làm, nhưng có 3 nhiệm vụ trọng tâm mà ông phải tập trung, đó là: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nhằm sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên đất đai, vốn đầu tư xây dựng và nguồn nhân lực trong quá trình đầu tư xây dựng. Với trách nhiệm được giao, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng để trực tiếp hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội trong việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng.

Thứ hai, tập trung nhiều hơn đến lĩnh vực phát triển đô thị.

Thứ ba, chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân thuộc mọi đối tượng, chú trọng hướng tới các đối tượng ít có điều kiện tiếp cận với nhà ở giá cao.

Ông cũng có phát ngôn ấn tượng sau khi nhậm chức đó là "Sẽ can thiệp để công chức có nhà". Hi vọng trong nhiệm kì mới của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những quyết sách và hành động thiết thực để giấc mơ có nhà Hà Nội của đại bộ phận người thu nhập thấp sẽ thành hiện thực.

5. Bộ trưởng "trảm tướng" tại công trường

Ngày 4/10, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình.

Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay, do Tổng Công ty Cảng HK miền Trung làm chủ đầu tư. Công trình đủ tiêu chuẩn phục vụ 4 triệu khách/năm.

Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý 1/2010 nhưng việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm.

Sau khi yêu cầu Ban quản lý dự án và Tổng Công ty Cảng Hàng không (KH) miền Trung phải kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng trì trệ mà không có biện pháp xử lý, ông lập tức gọi điện cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty HK miền Nam yêu cầu ngay trong trưa 4/10 điều động một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức tuyên bố ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, sẽ thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5/10. Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của ông Bình đối với dự án này.

Tân Bộ trưởng GTVT đốc chiến tại các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chậm tiến độ

Trước đó một ngày, khi kiểm tra tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Bộ trưởng nhận thấy tiến độ thi công dự án này đã chậm gần 1 năm. Nguyên nhân là PMU2 (chủ đầu tư), nhà thầu, tư vấn giám sát chưa phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, trong khi cơ quan tham mưu của Bộ chưa chỉ đạo quyết liệt.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung mọi nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục chính theo đúng kế hoạch đã cam kết.

Nếu không đảm bảo những tiêu chí như ban đầu, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư thay nhà thầu khác. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Ban quản lý dự án PMU2 đã thay 5 nhà thầu phụ không đảm bảo tiến độ.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi kiểm tra dự án xây dựng nhà ga hành khách T2-Cảng HK quốc tế Nội Bài. Sau khi kiểm tra tại hiện trường và nghe chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn báo cáo về tình hình thực hiện dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận, công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng, đặc biệt là gói thầu số 9A “thi công hạng mục san lấp mặt bằng” rất chậm so với tiến độ yêu cầu.

Bộ trưởng đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và yêu cầu Liên danh Nhà thầu Cienco 1 và Cienco 8 nghiêm túc kiểm điểm và chấn chỉnh công tác điều hành, tổ chức thi công tại hiện trường, tăng cường trang thiết bị xe máy, nhân lực để đảm bảo khối lượng thi công đắp đất, đắp cát đạt bình quân 30.000m3/ngày và lu lèn đạt yêu cầu chất lượng, hoàn thành trước ngày 25/11/2011.

Sau hàng loạt vụ trảm tướng tại các công trình xây dựng của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  Đinh La Thăng, nhiều công trình vốn chậm tiến độ, nay đang chuẩn bị hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hồng Anh (tổng hợp)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   101 lý do khiến nhà thu nhập thấp ở Hà Nội bị ế (15/12/2011)

>   6 vụ tranh chấp chung cư đình đám năm 2011 (15/12/2011)

>   Một tổ chức bất động sản lớn vào Việt Nam (15/12/2011)

>   "Ôm" dự án, nhà đầu tư "nhịn đau" bán tháo (15/12/2011)

>   Khi đồng vốn ngân hàng là phao cứu sinh BĐS (15/12/2011)

>   Bộ Xây dựng đồng ý giãn tiến độ dự án Times Square Hà Nội (15/12/2011)

>   36 kế trong kinh doanh bất động sản (14/12/2011)

>   Thê thảm tiến độ các dự án bất động sản (14/12/2011)

>   Xây nhà ở xã hội đang khan hiếm quỹ đất (14/12/2011)

>   Phung phí "đất vàng": Chủ đầu tư đối phó (14/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật