Thứ Năm, 22/12/2011 14:23

Phân bổ tín dụng: Công bằng không thể cào bằng

Điểm mới trong chính sách tín dụng năm 2012 của NHNN là giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở xếp loại NHTM. Theo đó, dự kiến sẽ có 4 nhóm NHTM được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là liệu sự phân hạng tín dụng dựa trên “sức khỏe” của các NH có giúp dòng vốn ra nền kinh tế hiệu quả hơn?

NH lớn có mặn mà cho vay?

Quy định hạn mức tín dụng theo “sức khỏe” NH đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng ở Hoa Kỳ dù tồn tại nhiều NH nhưng NH Trung ương (FED) vẫn giám sát được hoạt động và kiểm soát chặt dòng vốn ra của các NH.

Cơ cấu tín dụng hiện nay ở nước ta chủ yếu ngắn hạn, nên dù có đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp các NHTM vẫn có thể cho vay cao, miễn sao cuối năm thu hồi được nợ. Nếu kiểm soát tăng trưởng tín dụng cứng nhắc theo hạn mức cả năm sẽ dẫn đến dòng vốn cho vay chủ yếu đầu cơ ngắn hạn, như nhập khẩu hàng hóa, tích trữ hàng tồn kho, chứ không khuyến khích NH cho vay dài hạn đầu tư máy móc, thiết bị. Khi đó, hệ thống kinh tế chỉ là bán buôn, nhập siêu, không khuyến khích nền kinh tế đi vào nội địa hóa.

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Chỉ ở những nền kinh tế mới nổi và các NH chưa được tự do hóa hoàn toàn dễ dẫn đến dòng vốn tín dụng bị bóp méo khi ra nền kinh tế. Đối với Việt Nam, từ lâu các định chế tài chính quốc tế như NH Thế giới (WB) cũng từng khuyến cáo nên phân loại NH để có những chính sách phù hợp với từng nhóm, không nên có một chính sách đồng đều.

Bởi nếu cào bằng những NH nhỏ gặp khó khăn sẽ gây rối loạn nền kinh tế. Việc này Trung Quốc đã thực hiện từ nhiều năm nay, trong đó quy định cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau với từng nhóm NH.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đạt Chí, khi NHNN đưa ra mức tối đa cho các NHTM tăng 15-17%, trong khi nền kinh tế đang khát vốn rất lớn, nguồn cung vốn bị giới hạn khiến các NHTM lớn sẽ không nỗ lực cho vay. Hồ sơ nào tốt NH cho vay, không tốt sẽ “găm” vốn để tạo sự khan hiếm nhằm cho vay liên NH.

Thí dụ, NHTM lớn có nguồn tiền huy động 100 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng lãi suất 14%/năm, NHTM lớn chấp nhận “găm” dòng vốn đó lại trong 2 tháng và đưa lãi suất huy động trong 2 tháng đó vào chi phí vốn.

Khi thị trường khan hiếm vốn, các NHTM nhỏ vay vốn trên liên NH, NH lớn chỉ cần cho vay kỳ hạn 1 tháng lãi suất 20-25%/năm cũng đủ bù chi phí trên và có lãi. Điều đáng nói sự khan hiếm vốn “ảo” dẫn đến khan hiếm thật trong nền kinh tế và đẩy lãi suất cho vay doanh nghiệp lên cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phân loại NH mạnh, yếu, nhưng phân loại chỉ điều tiết nhóm tăng trưởng tín dụng là không cần thiết. Bởi khi đó chưa chắc lãi suất sẽ giảm theo mục tiêu của NHNN và dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế một cách hiệu quả.

Thực tế cho thấy nhiều NHTM lớn không tăng trưởng tín dụng hết “room” cho phép của NHNN, thậm chí chưa đụng đến mức tăng trưởng 10%. Chưa kể, dù NHNN đã ban hành Thông tư 22 để giảm trần lãi suất huy động từ 18-19%/năm xuống 14%/năm, nhưng lãi suất cho vay giảm không đáng kể và không tương xứng với mức giảm của trần lãi suất huy động.

Do vậy, bên cạnh quy định mức trần tăng trưởng tín dụng đối với một số NHTM, NHNN cần quy định mức sàn, chẳng hạn 10% để tránh tình trạng các NH lớn “găm” vốn, không nỗ lực cung ứng ra nền kinh tế.

Không cào bằng chính sách phân nhóm

Tới đây NHNN sẽ ban hành bộ tiêu chí phân nhóm “sức khỏe” các NHTM, trong đó dựa vào các tiêu chí như quy mô tổng tài sản, tín dụng… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những thang điểm để đánh giá không nên dựa vào một số chỉ tiêu cứng nhắc.

Thí dụ, nếu không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn, nên cho điểm là bao nhiêu; chất lượng tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ đầu tư vào tài sản có rủi ro ở mức nào, sẽ được bao nhiêu điểm…

Nếu cào bằng chính sách, những NH nhỏ gặp khó khăn sẽ gây rối loạn nền kinh tế.

Bởi mỗi NH có cách quản trị rủi ro thanh khoản khác nhau. Ngoài ra, nếu đã phân nhóm, cũng nên có chính sách điều tiết tiền tệ khác nhau cho từng NH. Chẳng hạn, với những nhóm NHTM khỏe, lớn nên quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao và trần lãi suất huy động 12%/năm.

Với NHTM yếu và nhỏ trần tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn và trần lãi suất huy động 14%/năm. Tức chính sách lãi suất ép cho chỉ tiêu phân nhóm chứ không chỉ với chỉ tiêu tăng trưởng khác nhau.

“Nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau mà áp dụng mặt bằng lãi suất bằng nhau thì bất bình đẳng, không đảm bảo dẫn vốn vào nền kinh tế. Trong khi thị trường tài chính của nước ta hiện nay chỉ có thị trường NH. Thị trường chứng khoán 2 năm trở lại đây huy động vốn rất yếu, lượng huy động vốn thay thế cho lượng tín dụng của NH và các doanh nghiệp trong nền kinh tế rất thấp” -  một lãnh đạo NH nói.

Trong quy định mức tăng trưởng tín dụng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng NHNN nên tính đến cơ cấu kỳ hạn cho vay khác nhau của từng NHTM. Bởi nếu tính tốc độ tăng trưởng tín dụng so với năm trước, các NHTM có thể đầu năm cho vay nhiều vốn ngắn hạn (6 tháng), những tháng cuối năm lo đi thu nợ để đạt mức tăng trưởng theo quy định của NHNN.

Thực tế hiện nay dòng vốn tín dụng trung, dài hạn của Việt Nam hầu hết dành cho lĩnh vực bất động sản, ít đổ vào doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thay đổi máy móc, thiết bị. Đây là vấn đề NHNN nên tính đến trong định hướng tín dụng cho những năm tới.

Để tránh dòng vốn đổ vào đầu cơ, năm ngoái Trung Quốc đã quy định khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán chỉ được dùng 30% để bổ sung vốn lưu động và trả nợ, còn lại phải đầu tư trung, dài hạn.

Tháng 10-2011 Trung Quốc còn hạ tỷ lệ này xuống 10% để doanh nghiệp muốn huy động vốn cũng phải đầu tư dự án trung, dài hạn, tạo ra tăng trưởng dài hạn.

Mai Thảo

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Cửa tiếp cận ngân hàng cho DN vừa và nhỏ vẫn hẹp (22/12/2011)

>   Nợ xấu không đẹp như công bố (22/12/2011)

>   Chuyên gia ANZ: Không nên quá thắt chặt cung tiền (21/12/2011)

>   Nợ xấu tại các công ty cho thuê tài chính lên gần 50% (21/12/2011)

>   IFC thêm vốn cho VIB tài trợ doanh nghiệp SMEs (21/12/2011)

>   Chuyên gia: Tái cấu trúc ngân hàng cần minh bạch thông tin (21/12/2011)

>   Sức ép tăng tỷ giá vẫn lớn (21/12/2011)

>   Ủng hộ các chính sách của NHNN nhằm ổn định tiền tệ (21/12/2011)

>   Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn sơ khai (21/12/2011)

>   BIDV vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (21/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật