Thứ Bảy, 03/12/2011 08:52

Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ cuối: Châu Á đang “khát” than

Than tuy không gây nóng sốt trên thị trường thế giới bằng dầu nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong cơn khát năng lượng hiện nay. Nhiều quốc gia ở châu Á từng là cường quốc về xuất khẩu than nay quay sang nhập khẩu trở lại.

* Kỳ 1: Chuyển “núi” ra nước ngoài

* Kỳ 2: Sẽ phải nhập giá cao

Tháp làm mát bên trong một nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than của Trung Quốc. Nhu cầu về than của nước này ngày một tăng mạnh - Ảnh: AFP

Thống kê của Tập đoàn BP (Anh) cho thấy hiện Trái đất chúng ta có trữ lượng than khoảng 860 tỉ tấn (tính đến cuối năm 2010). Trong đó trữ lượng than tập trung nhiều ở những quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Đức, Nam Phi, Ấn Độ.

Trung Quốc tăng cường nhập than

Theo Hiệp hội Than thế giới, từ năm 2000 đến nay nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới tăng nhanh hơn bất cứ loại nhiên liệu nào. Những quốc gia sử dụng than nhiều nhất bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Tiêu thụ than ở những nước này chiếm 77% lượng than sử dụng trên toàn thế giới. Than nhiệt lượng cao được sử dụng trong nhiệt điện, còn than cốc được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thép. Trong đó, Trung Quốc “đốt” hết một nửa trong số 6 tỉ tấn than tiêu thụ trên toàn thế giới (số liệu năm 2010). Quốc gia này đã thay đổi chóng mặt từ một nước chủ yếu xuất khẩu than thành một trong những khách hàng nhập than lớn nhất thế giới trong những năm qua.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính năm 2010 Trung Quốc nhập 177 triệu tấn than, sau Nhật Bản với 187 triệu tấn. Theo số liệu mới cập nhật tháng 11-2011 của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, điện năng tạo ra từ than của Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng điện quốc gia trong khi thủy điện chỉ góp 15%. Điều này cho thấy nhu cầu về than của Trung Quốc rất lớn.

Số liệu của Tập đoàn BP về năng lượng thế giới năm 2010 cho biết trữ lượng than ở Trung Quốc là 114,5 tỉ tấn (62,2 tỉ tấn than antraxit và bitum). Cũng trong năm 2010, Trung Quốc sản xuất được 1,8 tỉ tấn than.

Còn theo Hiệp hội Than Trung Quốc, ba quý đầu năm 2011 Trung Quốc đã nhập 123 triệu tấn than, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu than chỉ 12,12 triệu tấn, giảm 19,7% so với năm ngoái. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc ngày càng nhập nhiều than hơn để đáp ứng nhu cầu lớn về điện ở trong nước và hạn chế xuất khẩu than.

Trong khi đó, trữ lượng than của Úc chỉ có 76,4 tỉ tấn (năm 2010) với 37 tỉ tấn antraxit và bitum nhưng lại đứng đầu về xuất khẩu với 298 triệu tấn. Theo New York Times, năm 2010, một công ty Úc đã ký hợp đồng trị giá 60 tỉ USD với một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn Phát triển năng lượng quốc tế, để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của nước này từ năm 2013. Kèm theo đó là một khu phức hợp sản xuất than rộng lớn sẽ được xây dựng ở một vùng hẻo lánh của Úc.

New York Times cũng dẫn lời ông Vic Svec, phó chủ tịch Công ty than tư nhân lớn nhất thế giới Peabody Energy (Mỹ), nói họ đang lên kế hoạch vận chuyển nhiều than hơn nữa đến Trung Quốc. “Than là thứ năng lượng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ vào nhu cầu năng lượng ở châu Á” - ông Svec nói.

Những nước có nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nhu cầu nhập than rất lớn. Năm 2010, Nhật nhập tới 187 triệu tấn than (đứng đầu) trong khi Hàn Quốc nhập 119 triệu tấn (đứng thứ ba).

Trữ lượng nhiều nhưng xuất ít

Trong số các nước có trữ lượng than hàng đầu thế giới, Mỹ đứng nhất với 237 tỉ tấn (trong đó 108,5 tỉ tấn than antraxit và bitum) và Nga đứng thứ hai với 157 tỉ tấn (49 tỉ tấn antraxit và bitum). Tuy nhiên, hai nước nhất nhì này lại chỉ đứng thứ ba và tư trong số các nước xuất khẩu than trong năm 2010. Theo IEA, Nga đứng thứ ba về xuất khẩu than với 109 triệu tấn (năm 2010), trong đó 95 triệu tấn là than đốt lò hơi. Mỹ đứng thứ tư với 74 triệu tấn, trong đó chỉ có 23 triệu tấn là than đốt lò hơi, còn lại là than cốc.

Tại châu Âu và Mỹ, than đã qua thời hoàng kim. Tiêu thụ than giảm nhiều trong những năm qua do bị tác động bởi các luật về môi trường và việc phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng thiên nhiên và năng lượng có thể tái tạo.

Ấn Độ cũng là quốc gia có nhu cầu về than đang tăng lên. Theo IEA, năm 2010 Ấn Độ nhập 90 triệu tấn than, trong đó 60 triệu tấn là than đốt lò hơi. Trữ lượng than của Ấn Độ cũng ở mức cao, khoảng 60 tỉ tấn, trong đó antraxit và bitum chiếm 56 tỉ tấn.

Đất nước Nam Phi xa xôi cũng là một nguồn cung cấp than đáng kể cho châu Á với 84 triệu tấn tính đến thời điểm hiện tại, theo Reuters. Mức xuất khẩu này cao hơn năm ngoái gần 20 triệu tấn. Trữ lượng than của Nam Phi còn khá nhiều, vào khoảng 30 tỉ tấn. Nam Phi cũng là nguồn cung cấp than cho Ấn Độ và Trung Quốc. Hệ thống đường sắt được cải thiện là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xuất khẩu của Nam Phi tăng.

Việt Phương

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Bia Huế chính thức thuộc về Tập đoàn Carlsberg (02/12/2011)

>   Niềm tin với thị trường Việt Nam giảm 20% (02/12/2011)

>   Công ty thực phẩm Thái thâm nhập thị trường Việt (02/12/2011)

>   Ông lớn di động đua thanh toán online (02/12/2011)

>   'Cướp' thương hiệu dự án xi măng 1.300 tỷ đồng (02/12/2011)

>   Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ 2: Sẽ phải nhập giá cao (02/12/2011)

>   Xuất khẩu dệt may, da giày có nguy cơ giảm 30% (02/12/2011)

>   Gần 20 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc (02/12/2011)

>   Doanh nghiệp nên học thoái lui (01/12/2011)

>   Phí đường bộ 1.000 đồng/lít xăng (01/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật