Chủ Nhật, 04/12/2011 10:33

Nuôi cá tra: Không nên tiếp tục chạy theo sản lượng

Ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu hẳn chưa thể quên năm 2008, thời điểm sản lượng cá tra đột ngột tăng tới 50%, đẩy ngành này vào một giai đoạn khó khăn kéo dài suốt ba năm. Thế nhưng, hiện nay, bài học về sự phát triển chạy theo số lượng dường như vẫn đang bị bỏ quên.

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố xác định thủy sản vẫn là lĩnh vực mũi nhọn tập trung đầu tư trong giai đoạn 2011-2015. Các đối tượng nuôi cần được ưu tiên phát triển là cá tra, tôm và nhuyễn thể, với hình thức mở rộng nuôi công nghiệp, thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch... Phấn đấu tổng sản lượng đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm 65-70%, tương đương 4,2-4,9 triệu tấn, tăng 45-69% so với sản lượng dự kiến của năm 2011.

Xác định đầu tư mũi nhọn cho một ngành có kim ngạch xuất khẩu gần tới 6 tỉ đô la Mỹ (ước tính cho năm 2011) và là phương tiện sinh sống của hơn 3 triệu nông dân là hoàn toàn chính xác. Nhưng việc đưa ra kế hoạch phát triển quá nghiêng về sản lượng, cho dù là bằng các biện pháp thâm cạnh, tăng năng suất, trong khi yếu tố cung - cầu của thị trường và hiệu quả sản xuất, kinh doanh hầu như không được nhắc đến, thì thật đáng lo ngại.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu chung mà quy hoạch này hướng đến là “Phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững”. Dù mục tiêu của quy hoạch có hơi khiêm tốn, với sản lượng đạt được đến năm 2020 là 4,5 triệu tấn, nhưng gia tăng sản lượng vẫn là yếu tố xuyên suốt và các giải pháp được nêu ra cũng đều nhắm đến mục tiêu đó.

“Phát triển nhanh” và “phát triển bền vững” là những mệnh đề thường không song hành với nhau. Trong quá khứ, cả nông dân và các doanh nghiệp đều đã phải trả giá không ít cho sự phát triển chạy theo số lượng như vậy.

Trở lại với câu chuyện cá tra. Năm 2008, khi sản lượng cá nuôi tăng đột ngột, từ 1 triệu tấn lên 1,5 triệu tấn, lập tức giá cá thành phẩm xuất khẩu giảm gần 10%. Trong bối cảnh lạm phát cao, mọi chi phí đầu vào tăng vọt, người nuôi cá đã bị lỗ nặng. Đến năm 2009, dù sản lượng đã giảm xuống còn 1,2 triệu tấn, trong đó có một lượng lớn là tồn kho từ năm trước, nhưng giá xuất khẩu vẫn giảm tiếp hơn 12%, xuống còn 2,23 đô la Mỹ/ki lô gam và đến năm 2010 chỉ còn 2,17 đô la Mỹ/ki lô gam. Thua lỗ nặng, cộng với lãi vay ngân hàng quá cao, đến năm 2011 nhiều người đã không còn đủ sức theo đuổi nghề nuôi cá mặc dù giá cá thành phẩm tăng mạnh, bình quân đạt hơn 3 đô la Mỹ/ki lô gam.

Mục đích quan trọng nhất của việc phát triển nuôi trồng thủy sản là cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu đó nếu cứ chạy theo sản lượng mà thiếu quan tâm đến mối quan hệ cung - cầu. Nói cách khác, kiểu phát triển theo chiều rộng như vậy có hại nhiều hơn là có lợi cho nông dân. Nhóm hưởng lợi duy nhất, trong trường hợp này, có lẽ là các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc phát triển quá nhanh diện tích và sản lượng thủy sản còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, môi trường nước ở ĐBSCL đã bắt đầu vượt quá khả năng điều tiết của tự nhiên. Tỷ lệ các chất ô nhiễm đã đến mức báo động, nếu tiếp tục tăng thâm canh, mở rộng diện tích để tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng, Nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho thủy lợi. Nhưng điều đó cũng không thể bảo đảm môi trường nước sẽ không bị ô nhiễm thêm. Và nếu không giữ được môi trường, Việt Nam sẽ tự làm khó mình khi đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

Để các quy hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, thủy sản thực sự mang lại hiệu quả, điều quan trọng Nhà nước cần làm là giữ cho giá cả thị trường ổn định và có lợi cho nông dân. Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản cho rằng, muốn giữ giá cá thành phẩm có lợi cho cả người nuôi và nhà chế biến, ở mức 3,2-3,5 đô la Mỹ/ki lô gam, cần giới hạn sản lượng nuôi trong khoảng 1-1,1 triệu tấn. Nhưng để làm được điều này, phải có một nhạc trưởng và đó không ai khác ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong những năm qua, nông nghiệp và thủy sản luôn là chỗ dựa vững chắc và mang lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho nền kinh tế. Thế nhưng, nông dân, những người đóng góp chính cho thành quả đó, thì lại luôn là nhóm phải gánh chịu rủi ro nhiều nhất. Đây là bất cập mà lẽ ra các quy hoạch, kế hoạch phát triển về nông nghiệp phải hướng tới để tìm lời giải.

Tấn Đức

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cần có luật quản lý vốn đầu tư của Nhà nước (04/12/2011)

>   Làm ăn khó khăn: Đồng loạt cắt thưởng tết (04/12/2011)

>   Hàng điện máy nhập khẩu giảm mạnh (03/12/2011)

>    EVN đang bán điện giá rẻ cho cả đại gia (03/12/2011)

>   Rút giấy phép bay của hãng hàng không Hà Dũng (03/12/2011)

>   Thủy điện: Coi chừng sập bẫy… (03/12/2011)

>   Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ cuối: Châu Á đang “khát” than (03/12/2011)

>   Bia Huế chính thức thuộc về Tập đoàn Carlsberg (02/12/2011)

>   Niềm tin với thị trường Việt Nam giảm 20% (02/12/2011)

>   Công ty thực phẩm Thái thâm nhập thị trường Việt (02/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật