Nhà thu nhập thấp: Nên có cách nhìn nhận khác
Các chuyên gia cho rằng: cần thay tên gọi là nhà giá rẻ, cần hỗ trợ lãi suất cho người nghèo, cần phát triển thị trường nhà cho thuê…
Sau câu chuyện về đợt sốt nhà ở đầu tiên dành cho người thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội được dư luận đặc biệt quan tâm, thì nay sự việc cũng xôn xao dư luận khi không ít khách hàng đã được quyền mua nhà thu nhập thấp nhưng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo hợp đồng, người mua nhà thu nhập thấp đã đến hạn nộp tiền đợt 2, song vì khoảng cách giữa những lần nộp tiền quá gần, số tiền nộp lại vượt khả năng với mức thu nhập thực tế, nhiều khách hàng mua nhà thu nhập thấp đã chính thức đề nghị xin chủ đầu tư giãn tiến độ nộp tiền.
|
Nhà thu nhập thấp có giá cao hơn khả năng thu nhập của người đủ tiêu chuẩn mua (Ảnh minh hoạ) |
Thậm chí một số người đã từ chối ký hợp đồng vì giá quá cao hoặc đã tính đến phương án phải hủy hồ sơ mua nhà và chấp nhận nộp phạt. Nguyên nhân có nhiều nhưng một số ý kiến chuyên gia cho rằng: cần xem lại cách nghĩ, cách tư duy về vấn đề nhà cho người thu nhập thấp.
Trong khi giá nhà thu nhập thấp ở thành phố Hà Nội như Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 triệu đến 13 triệu 270.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT) thì khu vực Đà Nẵng chỉ bán với mức 5,2 triệu đồng/m2. Vì mức giá quá chêch lệch dẫn đến nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng trong vòng 6 tháng đã bán hết 800 căn, còn tại Hà Nội, sau đợt sốt đầu tiên là CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, loạt chung cư thu nhập thấp thứ hai lại rơi vào cảnh “đìu hiu chợ chiều”.
Không ít khách hàng đã từ chối ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp, nhiều khách hàng lâm vào tình cảnh khóc dở mếu dở vì không đủ tiền đóng đúng tiến độ. Anh Lê Xuân Kiểm, một khách hàng được mua nhà thu nhập thấp, phân trần: Không thể tiếp tục vay Ngân hàng vì lãi suất ngân hàng lên đến hơn 20% mà cũng khó tiếp cận vì nhiều thủ tục. Nếu chủ đầu tư không chấp nhận cho giãn tiến độ nộp tiền thì phải chọn giải pháp nộp phạt để rút hồ sơ về.
Anh Kiểm nói: “Trong bối cảnh giá cả tăng cao bây giờ, đối với người thu nhập thấp khó khăn, nếu không cho chúng tôi giãn nợ thì chúng tôi không có khả năng, dẫu rằng có bị phạt thì chúng tôi cũng chấp nhận chứ bây giờ không còn cách nào cả. Đường cùng thì chúng tôi phải rút hồ sơ. Lãi suất Ngân hàng lên tới hơn 20%. Khó khăn nối tiếp khó khăn như thế, mong các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp nào phù hợp để chúng tôi có cơ hội có nhà”.
Đã vay nhiều nơi để có đủ 260 triệu đồng đóng đợt một tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, nay Chị Lê Thị Kim Anh, lại lo lắng vì không biết xoay đâu ra tiền để đóng tiếp tiền đợt 2 này. Với rất nhiều
kế hoạch như: cầm cố sổ lương tháng của chồng để vay ngân hàng hay tiếp tục đi vay mượn họ hàng, song cái khó không chịu ló cái khôn, chị Anh khẳng định: nếu chủ đầu tư không cho giãn tiến độ nộp tiền thì giấc mơ được sở hữu căn hộ thu nhập thấp của gia đình chị rất khó thành sự thật.
Chị Kim Anh nói: “Chúng tôi mua nhà thu nhập thấp đóng đợt một 260 triệu thì đã phải đi vay rồi, đợt 2 là tháng 1/2012, đóng 160 triệu nữa, chúng tôi cũng phải đi vay với lãi suất rất cao. Đợt cuối cùng chắc là gần giao nhà, phải đóng hết số tiền 4 đợt tất cả vào cuối quý II/2012. Tôi cũng muốn các chủ đầu tư nên giãn tiến độ nộp tiền nhà thu nhập thấp để cho chúng tôi còn chạy vay. Mang tiếng là nhà thu nhập thấp nhưng gần 1 tỷ bạc thì đối với người thu nhập thấp thì cũng là rất cao”.
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC), nêu rõ: trong thời điểm này, không chỉ khách hàng mà cả doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Vì vậy, công ty sẵn sàng ký thỏa thuận với ngân hàng giúp người dân thuận tiện vay tiền mua nhà chứ không thể giãn tiến độ đóng tiền cho khách hàng:
Ông Nguyễn Văn Đa khẳng định: “Không thể giãn thời gian nộp tiền, vì đó là theo hợp đồng tiến độ của dự án, doanh nghiệp cũng khó khăn, người dân cũng khó khăn nhưng bây giờ vẫn phải tuân thủ, chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận với ngân hàng để cho họ vay. Doanh nghiệp giờ đang khó khăn lắm, tiến độ hợp đồng đã làm rồi, chúng tôi cố gắng hợp tác với các ngân hàng, làm cùng với người dân ở ngân hàng nào thì chúng tôi sẵn sàng ký các loại giấy tờ để cho người dân vay, chúng tôi bảo lãnh bằng căn hộ cho họ”.
Sau hai năm thực hiện chủ trương về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho người thu nhập thấp có nhà ở, bằng nhiều cách hỗ trợ, trong đó tạo quỹ đất mặt bằng sạch cho các công ty kinh doanh đầu tư xây nhà để bán cho đối tượng này. Đó là hỗ trợ bên cung.
Còn bên cầu, nhiều chuyên gia chỉ rõ: thực tế nhiều người có nhu cầu ở thực sự thì lại rất khó xoay sở đủ tiền để mua nhà. Trong khi một số trường hợp mua nhà để tận dụng quyền của mình được mua, tiêu chuẩn chế độ được mua. Vì không đủ tiền mà đến hạn phải nộp thì chạy đôn chạy đáo, chạy không kịp thì không mua nữa. Còn trường hợp không có đủ tiền mua nhưng đi vay để mua và khi mua được thì nhanh chóng tìm cách bán để trả nợ vay, hưởng phần chênh lệch còn lại.
Chính tình trạng này, dẫn tới việc thời gian qua có hiện tượng ô tô xếp hàng mua nhà thu nhập thấp, gây bất bình dư luận.
Theo Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần thay đổi cách gọi “Nhà thu nhập thấp” là “nhà giá rẻ”. Vì thực tế, người thu nhập thấp là người có nguyện vọng chi trả cho cái nhà được mua ấy nhưng không đủ khả năng nên họ mới cần được giúp đỡ về khả năng chi trả. Trong thời điểm này, doanh nghiệp đầu tư cũng không thể giãn thời gian nộp tiền vì việc mua bán nhà đã được ký kết theo hợp đồng, mà một trong những giải pháp để người thu nhập thấp có tiền mua nhà thời điểm này là: Ngân hàng nhà nước cho họ vay tiền và nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất:
Ông Phạm Sĩ Liêm nói: “Bây giờ muốn thực sự giúp đỡ người thu nhập thấp thì phải cho họ vay tiền. Nếu không có tổ chức nào cho vay, thì cách tốt nhất là Ngân hàng cho họ vay tiền nhưng nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất. Chẳng hạn, bây giờ ngân hàng cho vay là 12%, Nhà nước hỗ trợ 6% lãi suất, người vay chỉ trả 6% lãi suất, là có thể trả nổi. Tức là Nhà nước chỉ cần một chi một ít tiền hỗ trợ lãi suất hàng tháng, chứ không phải chi một khoảng tiền lớn ngay. Nếu huy động được tiền thu được từ thị trường đất đai hỗ trợ cho người nghèo thì họ sẽ mua được nhà”.
Nhiều chuyên gia đề xuất, để người thu nhập thấp, người có nhu cầu thực được sở hữu nhà giá rẻ, cần phải thay đổi tư duy. Phải thay dần việc hỗ trợ trực tiếp điều kiện sống cho người nghèo bằng các biện pháp làm giảm dần số người nghèo. Một việc rất cần làm ngay là bỏ lối tư duy “hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà bán cho người nghèo” bằng “hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà cho người nghèo thuê”.
Song song với đó phải có chính sách hỗ trợ phát triển nhanh thị trường nhà ở cho thuê. Nhờ đó, giá nhà cho thuê sẽ thấp, chất lượng các dịch vụ trong nhà chung cư sẽ tốt vì cạnh tranh. Nạn đầu cơ đất và nhà sẽ giảm, nhiều người nghèo sẽ giải quyết được chỗ ở, người có thu nhập vừa phải cũng có thể mua được nhà riêng nếu có nhu cầu./.
Phạm Hạnh
VOV
|