“Năm 2012, Việt Nam có thể đạt mục tiêu giảm số lượng ngân hàng”
Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, Tinnghia Bank và SCB là chỉ báo cho một chương trình tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống ngân hàng. Điều này cũng tương tự với nhận định trên của ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) trong cuộc trao đổi với ĐTCK xoay quanh chủ đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
|
“Năm 2012, Việt Nam có thể đạt mục tiêu giảm số lượng ngân hàng” |
Trong thời gian qua, NHNN đã có những giải pháp điều hành thị trường tiền tệ khá quyết liệt
Theo ông, hiện tại có phải là thời điểm hợp lý để bắt đầu câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam?
Hiện, ở Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ đang tham gia hoạt động cho vay trên thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện các hoạt động cho vay, các ngân hàng này chỉ có thể thông qua việc huy động vốn với mức lãi suất tiền gửi cao. Điều này diễn ra trong một thời gian quá dài dẫn đến hậu quả là thị trường tiền gửi ở Việt Nam trở thành một thị trường bị chi phối bởi giá cả, chứ không phải bởi chất lượng. Người dân thường chọn gửi tiền tiết kiệm tại những ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao, kể cả đó là những ngân hàng yếu kém. Do đó, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là điều cần phải thực hiện trong bối cảnh hiện nay nhằm đảm bảo thị trường tiền gửi của Việt Nam hoạt động lành mạnh hơn; việc gửi tiết kiệm được thực hiện với một ngân hàng mạnh hơn, có độ an toàn cao hơn.
Nợ xấu đang là một vấn đề nan giải đối với nền kinh tế. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức: tăng trưởng đã chậm lại, lãi suất ở mức cao, do đó, sẽ rất ngạc nhiên nếu hệ thống ngân hàng không có các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đang có một số vấn đề liên quan đến sự minh bạch của các ngân hàng trong việc công khai những khoản nợ xấu. Trong khi đó, việc minh bạch hóa thông tin sẽ làm tăng sự tín nhiệm và lòng tin của nhà đầu tư, các cơ quan, tổ chức có liên quan và quan trọng nhất là khách hàng đối với chất lượng của các ngân hàng mà họ định gửi tiền tiết kiệm.
Có những quan điểm cho rằng, chính các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam cũng cần tái cấu trúc. Bình luận của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng tất cả các ngân hàng nước ngoài đều sẽ được thanh tra bởi Thanh tra giám sát của NHNN và rất có thể, các ngân hàng nước ngoài có một số lĩnh vực yếu kém hơn ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc tái cấu trúc Ngân hàng Standard Chartered hay một ngân hàng nước ngoài nào khác (nếu cần thiết) cũng là một vấn đề ít nhức nhối hơn so với ngân hàng nội địa.
Vậy thách thức nào Việt Nam sẽ phải đối mặt trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?
Thách thức đầu tiên mà NHNN cần phải tìm hướng giải quyết đó là giảm số lượng các ngân hàng để giúp những ngân hàng còn lại mạnh hơn, tiến bộ hơn trong cách quản lý rủi ro; nguồn vốn mạnh hơn và tính thanh khoản tốt hơn. Có một thuận lợi là số lượng các ngân hàng nhỏ cần được sáp nhập/mua lại là một con số tương đối nhỏ và những ngân hàng này chủ yếu dựa vào nguồn vốn nội địa, do đó, việc NHNN quyết định tái cấu trúc các ngân hàng yếu hơn này bằng cách sáp nhập vào các ngân hàng mạnh hơn là một điều hoàn toàn khả thi. Sẽ có nhiều khó khăn trong việc sáp nhập hai ngân hàng với nhau, như việc tích hợp hai hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, hợp nhất bộ máy nhân sự…
Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của NHNN trong việc quản lý lộ trình tái cấu trúc ngân hàng cũng như khả năng đưa ra quyết định sáp nhập cho các ngân hàng yếu hơn một cách hợp lý nhất.
Ông nhìn nhận thế nào về chính sách điều hành của NHNN trong thời gian qua?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, NHNN đã có những giải pháp điều hành thị trường tiền tệ rất đúng đắn như chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng tín dụng hợp lý. Trên thực tế, so với các lĩnh vực khác, ngành ngân hàng đang có những bước phát triển khá tốt. Do vậy, tôi tin rằng, trong năm 2012, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm số lượng ngân hàng nhưng sẽ tăng số lượng ngân hàng mạnh, để hướng tới sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành ngân hàng.
Hồng Dung thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|