Thứ Bảy, 10/12/2011 12:16

Năm 2011: Lượng DN niêm yết mới giảm mạnh

So với vài năm trước thì năm 2011, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới trên 2 Sở GDCK suy giảm mạnh, chủ yếu do thị trường giảm sức hấp dẫn.

Tính từ đầu năm đến nay, sàn HOSE chào đón thêm 25 doanh nghiệp mới niêm yết, thấp hơn gần một nửa so với năm 2010. Trao đổi với ĐTCK, bà Trần Thị Anh Đào, Trưởng Phòng niêm yết của Sở GDCK TP. HCM cho biết, trong tháng 12/2011, có thêm 3, 4 doanh nghiệp niêm yết mới như CTCP Cao su Bến Thành (Beruco), CTCP Công nghệ Tiên Phong…, một số doanh nghiệp khác đã hoàn tất thủ tục, nhưng chưa chọn ngày chính thức lên sàn.

Bà Đào cho biết thêm, tuy số lượng doanh nghiệp niêm yết trong năm 2011 có sụt giảm, nhưng khối lượng chứng khoán niêm yết trong năm thì vẫn đạt kế hoạch do có sự góp mặt của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Đại diện HOSE cũng dự báo, trong nửa đầu năm 2012, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sẽ "khiêm tốn", do thị trường chưa thực sự khởi sắc, tuy nhiên, nửa cuối năm 2012, dự kiến sẽ sôi động hơn.

Nói về kế hoạch niêm yết trong năm 2012, đại diện HOSE cho rằng, Sở vẫn đặt kế hoạch khối lượng niêm yết trong năm 2012 sẽ đạt tối thiểu bằng năm 2011, trong đó, sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng khối lượng cổ phiếu niêm yết tại HOSE. Ngoài ra, bà Đào cho biết thêm, trong năm 2012, thông tư mới về nâng tiêu chuẩn chất lượng niêm yết cổ phiếu chính thức được ban hành và áp dụng, sẽ góp phần nâng chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường nói chung và trên HOSE nói riêng.

Trên thực tế, năm 2011, tình hình thị trường không thuận lợi là một "rào cản" lớn đối với các doanh nghiệp có kế hoạch lên sàn. Hầu hết doanh nghiệp đều muốn lựa chọn thời điểm tốt để lên sàn, xuất phát từ mong muốn, giá cổ phiếu cũng là một phần thương hiệu của doanh nghiệp.

Giá phản ánh "sức khỏe" doanh nghiệp, nên nếu lên sàn vào thời điểm không thích hợp, không những giá cổ phiếu bị xác định thấp, cổ đông thiệt, mà uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm 2011 đến nay, HNX tiếp đón thêm 29 mã mới niêm yết, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô vốn tương đối lớn như Tổng CTCP Bảo hiểm bưu điện Việt Nam (vốn điều lệ 450 tỷ đồng), CTCP Vận tải dầu khí Cửu Long (vốn điều lệ 230 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn FLC (vốn điều lệ 170 tỷ đồng)…

Theo HNX, tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên HNX có giảm hơn năm 2010, nhưng các doanh nghiệp chào sàn tương đối đều đặn. Đến cuối tháng11/2011, HNX đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của 4 doanh nghiệp là CTCP Dược phẩm Trung ương - Mediplantex (vốn điều lệ 50 tỷ đồng), CTCP Du lịch Dầu khí Sapa (vốn điều lệ 100 tỷ đồng), CTCP Sông Đà 7.02 (vốn điều lệ 60 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư và phát triển năng lượng Việt Nam (vốn điều lệ 56,25 tỷ đồng).

Theo tính toán sơ bộ, có hơn 20 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết, đang chờ HNX chấp thuận. Nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lên HNX từ năm 2010, nhưng vì điều kiện thị trường không thuận lợi, các doanh nghiệp vẫn đang hoãn niêm yết.

Tính đến ngày 8/12/2011, tổng số doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở đã lên đến 700, song vẫn thiếu vắng những "đại gia" đại diện cho các ngành, như công nghệ bưu chính viễn thông (Vinaphone, MobiFone…); thực phẩm, bia, giải khát (Sabeco, Habeco…), vốn là những doanh nghiệp đã nằm trong quy hoạch thực hiện niêm yết trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp lớn này vẫn chưa có "động tĩnh" gì về việc niêm yết, riêng Vinaphone và MobiFone thì vẫn chưa có thông tin gì về việc cổ phần hóa, chưa nói đến việc lên sàn.

Đại diện HNX cho biết, trong năm 2012, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới dự kiến sẽ cao hơn năm 2011, nhất là trong 6 tháng cuối năm 2012.

Việc có nhiều cổ phiếu tham gia niêm yết sẽ làm cho thị trường phong phú về hàng hoá và nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng đưa nhiều doanh nghiệp lên niêm yết, các thành viên thị trường đang mong chờ chất lượng tốt hơn của các doanh nghiệp, nhất là khi gần đây, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở rơi vào tình trạng thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Hải Vân

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Huỷ niêm yết, tiền lệ mang tên DCC (09/12/2011)

>   Đầu tư và Phát triển Miền Trung rút niêm yết (09/12/2011)

>   STV: 15/12 giao dịch phiên đầu 4 triệu cổ phiếu trên UPCoM (09/12/2011)

>   AMC: Chấp thuận niêm yết 2.7 triệu cổ phiếu (09/12/2011)

>   VPL dự kiến hủy giao dịch vào 23/12 (08/12/2011)

>   TCO: 20/12 chốt danh sách cổ đông chuẩn bị niêm yết trên HOSE (08/12/2011)

>   DCC hủy niêm yết từ 15/12 (07/12/2011)

>   ORS: Chủ tịch HĐQT thông tin về tiến trình hủy niêm yết (07/12/2011)

>   PVI: 08/12 giao dịch bổ sung hơn 53 triệu cổ phiếu (06/12/2011)

>   ITD: Hủy giao dịch trên UPCoM để chuyển sang niêm yết trên HOSE (01/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật