Năm 2011: Bộc lộ nhiều bất cập
Năm 2011 sẽ đi vào lịch sử kinh tế như năm khó khăn nhất từ sau đổi mới đến nay. Lạm phát, nợ nước ngoài tăng nhanh, lãi suất cao và các mất cân đối vĩ mô khác đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn ở mức cao. Chưa bao giờ nền kinh tế nước ta lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và các nhà thầu Trung Quốc như bây giờ.
Số doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải ngừng hoạt động cũng như phá sản đã lên đến mức kỷ lục, tác động xấu đến việc làm và thu nhập của người lao động. Thị trường chứng khoán liên tục phá đáy, có cổ phiếu giá chỉ còn dưới 1.000 đồng và là một trong những thị trường chứng khoán giảm sút mạnh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thị trường bất động sản khủng hoảng, nợ xấu ngân hàng tăng cao. Mặc dầu có các biện pháp kiềm chế theo Nghị quyết 11 nhưng lạm phát vẫn cao nhất trong khu vực.
Nhiều chính sách thay đổi không được dự báo trước làm cho niềm tin của nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, doanh nhân và dân chúng bị giảm sút. Mặc dầu GDP tăng khoảng 5,8-6% nhưng chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút rõ rệt vì ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, tai nạn giao thông và tội phạm trong xã hội tăng vọt.
Trong khi thừa nhận tác động tiêu cực của biến động kinh tế thế giới, người dân nhất trí với kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI): “Nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu... và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản...”.
Rõ ràng là các biện pháp điều chỉnh dồn dập giá điện, giá xăng, tỷ giá trong thời gian ngắn không phải là ưu điểm của sự quyết đoán mà đã quá liều, vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp, châm ngòi cho lạm phát tăng mạnh, lãi suất quá cao.
Nghị quyết 11 ra đời nhằm đối phó với tình hình đó là đúng đắn và cần thiết song kết quả về tiết kiệm chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công rất hạn chế. Số dự án đầu tư công vẫn tăng hơn 1.000 dự án, vốn đầu tư công vẫn tiếp tục tăng lên. Lĩnh vực năng động nhất là chính sách tiền tệ, tín dụng lại sử dụng quá nhiều công cụ hành chính, tác động đến khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vốn có nguồn lực tài chính rất yếu kém. Việc áp trần lãi suất không giải quyết thực tế lãi suất huy động của ngân hàng thương mại là thực âm, các biện pháp tịch thu ngoại tệ không phù hợp với Pháp lệnh Ngoại hối, không làm tăng thêm niềm tin vào đồng nội tệ và cũng không thúc đẩy việc huy động số vàng và ngoại tệ đang có trong dân.
Trên diễn đàn Quốc hội, các bất cập trong quản lý nhà nước từ quy hoạch, đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường... được đưa ra thảo luận, chất vấn trong khi trả lời của không ít bộ trưởng đã được Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở là “nên đi thẳng vào vấn đề”. Việc hai bộ trưởng đưa ra hai nhận định khác nhau về tình hình lãi hay lỗ của Petrolimex trước Quốc hội cũng chứng tỏ tính công khai minh bạch quá thấp. Các yêu cầu của trách nhiệm giải trình khi sử dụng tiền vốn thuộc sở hữu nhà nước chưa được thực hiện.
Nếu như trong những năm 1990 cải cách theo cơ chế thị trường đã giúp Chính phủ giảm bao cấp, phát huy được tiềm lực trong dân, vượt qua được những thách thức gay gắt thì trong năm 2011 Chính phủ đã tăng quản lý bằng các mệnh lệnh hành chính hoặc can thiệp vào cơ chế giá với hiệu quả rất đáng tranh cãi. Cải cách doanh nghiệp nhà nước rất chậm và hầu như không nâng cao được hiệu quả của khu vực kinh tế quan trọng này. Việc tái cơ cấu tập đoàn Vinashin chưa đem lại những tiến bộ mong đợi. Kiểm soát độc quyền điện, xăng dầu... không có tiến bộ trong khi tình trạng lặng lẽ thâu tóm doanh nghiệp, ngân hàng chậm được phát hiện và ngăn chặn.
Hội nghị Trung ương 3 kết thúc với yêu cầu khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” trong đầu tư, quy hoạch và quyết định chính sách, quyết định ba ưu tiên tái cơ cấu kinh tế đã dấy lên hy vọng về một giai đoạn cải cách mới. Tuy vậy, những ý tưởng chính sách đó cần được tiếp tục làm rõ để được thực hiện. Điều quan trọng là làm rõ những thiếu sót trong thực trạng hiện tại và xác định được trạng thái cần thiết phải được thiết lập với những tiêu chí định tính và định lượng cụ thể. Tái cấu trúc theo lộ trình nào, với phương pháp luận nào và phải vượt qua những trở ngại, những biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” ở đâu cũng cần phải làm rõ.
Ngân hàng sau tái cấu trúc cần đạt được những tiêu chí gì về quản trị, về công khai minh bạch và đạt được tiêu chuẩn quốc tế nào? Doanh nghiệp nhà nước sau tái cấu trúc sẽ được quản trị một cách chuyên nghiệp, công khai minh bạch đến đâu?
Nếu không làm rõ những tiêu chí đó thì rất có thể sẽ có nhiều văn bản và còn nhiều tuyên bố hùng hồn về tái cấu trúc nhưng không đem lại tiến bộ cụ thể gì và yêu cầu loại trừ “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” mà người dân đang mong đợi sẽ khó thực hiện được.
Rất cần bổ sung một nội dung quan trọng có tính quyết định để thực hiện ba tái cấu trúc trên là cải cách bộ máy và quản lý nhà nước. Cần xem xét lại chức năng của Nhà nước, khắc phục tình trạng ôm đồm, vừa đá bóng vừa thổi còi, quan liêu vất vả mà rất bất cập. Nhà nước cần tập trung vào chức năng lái thuyền và tổ chức thực hiện, giám sát thị trường, thực hiện lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc cũng như những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Lê Đăng Doanh
TBKTSG Online
|