Kinh tế ĐBSCL năm 2012: Tăng trưởng trong thách thức
Năm 2011, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, lũ lớn hoành hành trên diện rộng… nhưng nhờ sự chủ động ứng phó nên nhiều chỉ tiêu kinh tế của các địa phương đạt mức tăng trưởng cao.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Lần đầu tiên sản lượng lương thực của tỉnh vượt mức 3 triệu tấn, đạt 3,1 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu cá tra cũng tăng mạnh, ước đạt kim ngạch gần 400 triệu USD, vượt hơn 80 triệu USD so kế hoạch đề ra. Từ đó góp phần đưa kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 13,55%, vượt 0,55% so kế hoạch”.
Tại Kiên Giang, dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả ngoài mong đợi. Nổi bật nhất là sản lượng lúa năm 2011 đạt hơn 3,92 triệu tấn, tăng hơn 420.000 tấn so năm 2010, khẳng định ngôi vị “số 1” cả nước về sản lượng lúa.
Theo phân tích của thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nhờ chủ động mở rộng diện tích lúa thu đông thêm 40.000ha, cộng với việc đầu tư đúng mức nên năng suất lúa của tỉnh tăng bình quân trên 0,3 tấn/ha so năm 2010. Nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 529.000 tấn, tăng 7,7%. Ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp gần 632 triệu USD, tăng khoảng 34% so cùng kỳ. Ở tỉnh Cà Mau, cái khó trong thời gian qua là sản lượng tôm nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng, nhưng các doanh nghiệp và người dân đã nỗ lực nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu đạt kim ngạch trên 910 triệu USD, cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên theo dự báo, năm 2012 tình hình kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, do đó việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Kế hoạch năm 2012, sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp chất lượng cao lên 5.000ha, tăng 1.700ha so với năm 2011. Cái khó hiện nay là thủy lợi của Cà Mau còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tôm công nghiệp; hệ thống điện cũng còn bất cập, trong khi nguồn vốn phục vụ cho người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thiếu trầm trọng. Giải quyết vấn đề này, ngoài những nỗ lực của địa phương, Cà Mau cần sự trợ lực tích cực từ trung ương”.
Tỉnh Bến Tre xác định, với những dự báo thiên tai, dịch bệnh, thị trường biến động… cùng nhiều khó khăn khác đang ở phía trước. Để sản xuất nông nghiệp thắng lợi, ổn định đời sống người dân, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và các sở ngành bắt tay ngay vào những chương trình cụ thể, tập trung chỉ đạo điều hành, trong đó ưu tiên nguồn vốn để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận, nhằm gia tăng sản xuất, xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh An Giang, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,5% trong năm 2012, thu nhập bình quân đầu người trên 33,8 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 6%... tỉnh sẽ tiếp tục phát huy lợi thế nông nghiệp, đặc biệt sản xuất lúa chất lượng cao bằng cách nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thành công trong năm qua và được Bộ NN-PTNT rất ủng hộ.
Bộ NN-PTNT đánh giá cao kết quả ấn tượng mà các tỉnh thành ĐBSCL đạt được, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 25 tỷ USD trong năm 2011, tăng hơn 5 tỷ USD so năm 2010. Thành công về sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân nông thôn, ổn định an sinh xã hội.
Huỳnh Phước Lợi
Sài Gòn Giải phóng
|