Thứ Tư, 28/12/2011 08:51

Một năm với giá - lương - tiền

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa “chốt” lạm phát năm nay ở mức 18,12% so với năm trước, tăng trưởng GDP ước đạt 5,9%, đều là những con số không mong đợi so với chỉ tiêu, nhưng được cho là đã vận đến nỗ lực điều hành của toàn hệ thống. Đằng sau con số thống kê khô khan ấy, là bức tranh sinh động của cuộc sống.

Người dân vật lộn với cơn sốt giá điện, giá xăng, đồ ăn thức uống, chi phí đi lại, học hành… Doanh nghiệp trần mình với cơn sốt tỷ giá, lãi suất, cùng bao chi phí đầu vào khác. Thuế lạm phát Nhà nước đánh vào dân quá lớn, như một tất yếu, thu nhập thực tế giảm, sức mua giảm, doanh nghiệp điêu đứng. Đến đây, lại thêm một vòng xoáy khổ ải nữa, khi sự điêu đứng này đến mức phải phá sản, ngưng hoạt động, nợ lương hay trả lương bằng sản phẩm tồn kho. Đã có người làm công ăn lương cho doanh nghiệp sản xuất bánh bị trả lương bằng… bánh, nên mới có chuyện đùa chua chát rằng lỡ doanh nghiệp sản xuất… quan tài thì sao? Nhà đầu tư bất động sản trên thị trường chứng khoán xênh xang một thời bị trả cổ tức bằng căn hộ hay nền nhà trong lúc thị trường hàng hoá này gần như đóng băng. Người nghèo khóc. Người giàu cũng khóc.

Trên đỉnh lạm phát được xếp hạng nhì, ba thế giới, những thảo luận về vai trò của tiền lương tối thiểu nổ ra mà kèm theo đó là yêu cầu tăng nó lên, chí ít là theo tốc độ lạm phát, để đảm bảo mức sống tối thiểu. Rốt cuộc, lương tối thiểu cũng tăng nhưng tới con số mà chính những người ra quyết định cũng biết là không đủ sống! Nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước chỉ trích giới doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để ép người lao động trong khi nó chỉ là cơ sở để tính thu nhập thực tế phải trả. Nhưng chính các cơ quan quản lý cũng phải soi gương khi hết lần này đến lần khác thừa nhận tiền lương mà Nhà nước trả cho cán bộ công chức thực tế là không đủ cho họ sống. Hết quan chức này đến quan chức kia hứa. Nào là “Năm 2012 công chức sẽ “sống được” bằng lương tối thiểu”, “Năm 2012 lương sẽ đảm bảo cho công chức có tích luỹ”, đến “giai đoạn 2008 – 2012, cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội”. Thế nhưng, theo một khảo sát do chính bộ Nội vụ vừa mới thực hiện thì “98% công chức không sống được bằng lương”. Thu nhập công nhân không đủ sống thì họ phải sống dưới mức tối thiểu. Công chức thì khác, giới nghiên cứu đã chỉ ra tính nguy hiểm của hội chứng “tước đoạt để bù đắp” một khi điều này xảy ra, đơn giản vì nhiều thành phần trong số họ có cơ hội để làm việc đó, thông qua tham ô, tham nhũng, tận dụng ưu thế đặc quyền đặc lợi… Rốt cuộc, triết lý của tiền lương là gì? Cơ sở pháp lý, kinh tế nào để đảm bảo thực thi triết lý ấy?

Sự giàu lên hay nghèo đi của nhóm người nào đó, xét cho cùng, đều có nguyên nhân từ những được – mất lẫn nhau. Và, đằng sau bất bình đẳng về thu nhập là mối nguy bất ổn xã hội từ chính nguyên nhân gây ra bất bình đẳng ấy.

Theo điều tra mức sống 2010, ở nước ta, chênh lệch thu nhập bình quân một người một tháng của nhóm hộ giàu nhất gấp 9,2 lần nhóm hộ nghèo nhất. Tính theo hệ số GINI (có giá trị từ 0 đến 1, càng gần 1 thì sự phân hoá giàu nghèo càng tăng) thì bất bình đẳng về thu nhập liên tục tăng. Năm 2002, hệ số này là 0,418; năm 2004 và 2006 là 0,42; năm 2008 là 0,43. Trong bối cảnh đó, chuyện lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bày tỏ sự xót xa vì nhân viên của mình không đủ sống do tiền lương trung bình “chỉ có” 7,3 triệu đồng/tháng đã như một điểm nhấn làm dấy lên làn sóng bất bình trong toàn xã hội. Không chỉ vì GDP bình quân đầu người của nước ta trong năm 2010 chỉ 1,387 triệu đồng/tháng, mà còn vì tập đoàn này vừa tăng giá điện 5% và hứa hẹn nhiều lần tăng 5% khác nữa để… bù lỗ cho hoạt động của mình, trong đó có không ít lỗi chủ quan.

Sự giàu lên hay nghèo đi của nhóm người nào đó, xét cho cùng, đều có nguyên nhân từ những được – mất lẫn nhau. Nếu tình huống tại EVN bị dư luận chọn làm mẫu dù chưa chắc nó đã mang tính đại diện, câu chuyện không chỉ ở chỗ ta đang thiếu chính sách giảm bớt chênh lệch thu nhập mà còn ở chỗ chính chính sách làm cho nó khuếch đại. Hay như chuyện ông phó giám đốc sở Giao thông vận tải của một tỉnh nghèo như Sóc Trăng lại vừa bị bắt vì chơi cờ ăn tiền lên tới 5 tỉ đồng/ván. Thử hỏi với đồng lương công chức “không sống được”, tiền đâu mà quan ông này vung tay tới trời như vậy? Đằng sau bất bình đẳng về thu nhập là mối nguy bất ổn xã hội từ chính nguyên nhân gây ra bất bình đẳng ấy.

Một năm đối mặt cái khó giá – lương – tiền khép lại với thông tin dồn dập về chuyện thưởng tết. Người nhiều, kẻ ít, âu có cũng là có. Nhưng dù cố nén, cũng khó ngăn tiếng thở dài, phát ra từ sự nặng – nhẹ của bịch hạt dưa mà các thầy cô giáo ở Quảng Ngãi được nhận đến kỷ lục 700 triệu đồng mà có người ở TP.HCM được thưởng.

Dám mong một năm bớt khó! Nhưng dự báo tình hình kinh tế 2012 chưa có gì sáng sủa, mà đằng sau nó lại tiếp tục là gánh nặng giá – lương – tiền...

Nguyên Lê

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật