Làm gì để tránh việc ‘cá lớn nuốt cá bé tại ao nhà’?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai – Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh “cả nước cùng chống lạm phát” này, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại nên chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên làm đầu mối mua vốn của Ngân hàng thương mại (NHTM) thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn (TCV) do NHNN ấn định – 1% và bán lại cho NHTM thiếu bằng hoặc xấp xỉ lãi suất TCV cùng kì, không cao hơn lãi suất cho vay ngoài thị trường 1 nhằm ổn định thị trường và chống hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” ngay trong ao nhà.
|
Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai – Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Để chống lạm phát mà không làm tăng giá vốn, NHNN nên tăng dự trữ bắt buộc (DTBB) bình đẳng với mọi NHTM để hút tiền về NHTW (vì chỉ có “nhốt” bớt tiền MB ở NHTW thì mới giảm được tổng ccaauf cho mục tiêu chống lạm phát), đồng thời NHNN trích quỹ điều hành để trả lãi một phần cho số DTBB và dùng chính nguồn DTBB này để điều hoà thanh khoản ngắn hạn cho các NHTM có nguy cơ rủi ro thanh khoản và hoàn vốn cho quỹ điều hành bằng lãi suất điều hoà.
Trong thời kì chống lạm phát, nhất thiết NHTW phải hút ròng tiền về qua OMO, đồng thời qua thị trường liên ngân hàng, NHTW có thể: Điều tiết thanh khoản của từng NHTM, tái cấp vốn cho NHTM thiếu vốn ngắn hạn bằng cách mua vào trái phiếu Chính phủ mà họ sở hữu và/hoặc thậm chí tái cấp vốn cho thế chấp bằng chính vốn điều lệ của họ trước khi phải áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt và/hoặc cấu trúc lại sở hữu.
Các NHTM có thể tư vấn cho DN miễn phí về các lĩnh vực đầu tư sản xuất có hiệu quả, đồng thời liên danh với doanh nghiệp để tham gia tài trợ và/hoặc đồng tài trợ cho DN thực hiện các dự án sản xuất, dịch vụ được xác định rõ tính khả thi, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phát triển ở các lĩnh vực, các ngành công nghiệp phụ trợ hay công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng đi kèm …tạo ra sản phẩm hàng hoá hợp thị hiếu và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước mà không phân biệt theo tiêu chí sản xuất hay phi sản xuất. Thậm chí cần phát triển tín dụng tiêu dùng để kích hoạt cho khu vực sản xuất hàng hoá và dịch vụ.
Ngoài ra, ông Lai còn cho biết thêm, Chính phủ cần sớm có quy định thống nhất một đầu mối quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tại NHNN và cho phép mở “sàn” hoặc thị trường ngoại hối do NHNN tổ chức, tham gia và điều tiết các thành viên không hạn chế để vừa tạo kênh triệt để chống Dola hoá, vàng hoá phương tiện thanh toán, vừa tạo kênh chuyển dịch các nguồn vốn ngoại thành, nguồn vốn nội, cung ứng cho thị trường vốn dưới nhiều hình thức đa dạng và cũng là cơ chế phân biệt rạch ròi giữa quan hệ mua đứt, bán đoạn với quan hệ tín dụng ngoại tệ trên thị trường.
Tóm lại, trong cái khó khăn chung hiện nay, theo ông Lai, các cấp điều hành vĩ mô không nên quá lạm dụng các mệnh lệnh hành chính, bị động, mà cần chủ động lợi dụng thị trường, vận dụng quy luật để nghiệp vụ hoá các chính sách sao cho mở đường và dẫn đắt được thị trường.
M.Q
vtc
|