Chủ Nhật, 25/12/2011 21:16

Nỗi lo vốn huy động và nợ xấu

 Vấn đề chính của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hiệu quả sử dụng vốn. Sang năm 2012 vấn đề không chỉ là sử dụng vốn, mà còn là tìm nguồn vốn bởi tiền từ kênh ngân hàng sẽ thu hẹp khi tổng phương tiện thanh toán cũng như tăng trưởng tín dụng được hạn chế ở mức thấp năm thứ hai liên tiếp.

Có hai chi tiết khiến giới tài chính phải quan tâm từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012 diễn ra tuần trước. Thứ nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%. Những con số này chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2011.

Trước đó giới doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản, chứng khoán đã hy vọng chính sách thặt chặt tiền tệ có thể được nới lỏng vào năm sau theo đà chững lại của lạm phát. Nay thì những con số trên đã chỉ ra rằng tiền tệ sẽ vẫn chưa được nới. Nếu có nới sẽ chỉ là cung ứng thêm vốn cho nông nghiệp - nông thôn; xuất khẩu. Thậm chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình còn đề cập đến khả năng tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán có thể xoay quanh 15%/năm trong vòng 3-5 năm tới.

Doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực phi sản xuất, đã quen với sự cung ứng vốn ở mức rất cao trong nhiều năm. Trong năm năm qua tăng trưởng tín dụng bình quân 33%/năm, trong 10 năm cũng lên tới 29,4%/năm. Căn bệnh lạm phát tái diễn qua các năm mang đậm dấu ấn của cung tiền mạnh. Năm 2011 đánh dấu sự thay đổi hẳn của mức độ cung tiền. Nói một cách khác, một thời kỳ mới đã đến với kinh doanh tiền tệ và tất cả các chủ thể của nền kinh tế phải chuyển mình để ứng phó với sự thay đổi đó.

Khi nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn tăng, mà tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, doanh nghiệp sẽ phải tìm các nguồn khác thay thế. Vốn chảy vào ngân hàng chắc chắn sẽ giảm. Tín hiệu giảm đã được phát ra từ nhiều tháng nay. NHNN cho biết đến cuối tháng 10-2011 tổng vốn huy động của cả hệ thống tăng 8,4% so với cuối năm 2010, bình quân 0,84%/tháng, chỉ bằng hơn một phần tư của mức 3,1%/tháng năm trước đó.

Mọi thành phần kinh tế đã và đang sử dụng nhiều hơn vốn khả dụng mà họ có thay vì gửi chúng vào tài khoản ngân hàng. Nhìn từ đây, cạnh tranh huy động vốn tiếp tục là phần cạnh tranh quyết liệt nhất giữa các tổ chức tín dụng năm 2012. Đây là chi tiết thứ hai được thấu hiểu qua hội nghị mà không ngân hàng nào hồ hởi.

Trong điều kiện trần lãi suất tiền gửi cào bằng như nhau ở mọi khu vực, mọi ngân hàng, các ngân hàng lớn đang có lợi. Tuy nhiên, biện pháp hành chính này không thể kéo dài mãi, cơ chế lãi suất thỏa thuận hay chính xác hơn là cơ chế lãi suất thị trường, trước sau cũng sẽ phải được áp dụng trở lại. Một mặt bằng lãi suất cao sẽ được tự động duy trì theo quy luật cung cầu. Tiền tệ cũng là một thứ hàng hóa và lãi suất là giá mua bán. Nhu cầu cao tất yếu giá phải tăng và giá đứng ở mức cao cho đến khi nguồn cung được cải thiện, tức tổng phương tiện thanh toán điều chỉnh tăng mạnh.

Sức ép huy động vốn sẽ nặng thêm ở những ngân hàng yếu kém, những ngân hàng đã “trót” cho vay nhiều những năm trước và năm nay, những ngân hàng không thu hồi được nợ quá hạn. Điều này có thể nhìn thấy rõ trên thị trường. Khác với những tháng 12 trước đây, bây giờ càng cuối năm, ngân hàng càng tích cực đòi nợ và đòi bằng được.

Những khoản ủy thác đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực phi sản xuất được xử lý dứt điểm không chút ái ngại, bất chấp tình trạng khốn đốn của doanh nghiệp. Sự phá sản hoặc chực chờ giải thể của không ít công ty bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự lao dốc không phanh của giá chứng khoán minh chứng cho sự kiên quyết đòi nợ của ngân hàng.

Dẫu vậy, nợ xấu vẫn đang tăng. Thống kê của NHNN tại hội nghị cho thấy nợ xấu toàn hệ thống đã đạt tỷ lệ 3,39% tổng dư nợ, tương đương 85.300 tỉ đồng. Và đáng ngại là còn có những khoản nợ xấu chìm bởi một số ngân hàng chưa phân loại nợ theo đúng quy định của NHNN. Chưa kể sự cách biệt giữa các nhóm nợ (nhóm 4 và nhóm 5) được phân loại không quá xa nhau.

Thông qua báo cáo tài chính của các ngân hàng, dễ nhận ra năm nay trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng nào cũng tăng đáng kể. Các ngân hàng lớn trích hàng ngàn tỉ đồng. Việc trích lập chủ yếu để bù đắp các khoản nợ khó đòi và tương đối ít ngân hàng trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính. Hoạt động đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, đối tác, hợp tác đầu tư… khá phổ biến.

Hồi giữa năm NHNN đã có một đợt thanh tra, kiểm tra và khảo sát tỉ mỉ hoạt động ủy thác đầu tư của các ngân hàng. Tiếc rằng số liệu đã không được công khai và bức tranh ủy thác đầu tư - thực chất là một biến tướng của hoạt động tín dụng - vẫn mờ ảo. Đó là lý do giải thích vì sao NHNN công bố ước tăng trưởng tín dụng năm nay 12-13%, nhưng lại đi kèm rằng nếu tính cả các khoản cho vay mang tính tín dụng, con số phải là 15%.

Lưu Hảo

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Xu hướng lãi suất: Có giảm được không? (25/12/2011)

>   Ngân hàng cởi ‘khó’ cho doanh nghiệp (24/12/2011)

>   Tỷ giá bình quân liên ngân hàng bất ngờ tăng sát “chỉ tiêu” (24/12/2011)

>   Chủ thẻ nên thực hiện các biện pháp tự bảo vệ (23/12/2011)

>   Chưa phải là thời điểm giảm lãi suất (23/12/2011)

>   Nới tín dụng bất động sản: Vẫn khó tiếp cận vốn (23/12/2011)

>   Còn một điều Thống đốc chưa thực hiện được… (23/12/2011)

>   Thị trường thẻ tại Việt Nam: Màu mỡ đi liền rủi ro (23/12/2011)

>   Ngân hàng không thể mạnh nếu yếu giám sát (23/12/2011)

>   Chủ thẻ mất tiền, ngân hàng chịu (22/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật