Thứ Năm, 08/12/2011 13:48

Ireland thành công nhờ khắc khổ?

Khi các lãnh đạo châu Âu cố gắng chống chọi cuộc khủng hoảng nợ của châu lục, nhiều người nêu Ireland như một hình mẫu thành công. Một năm sau khi nhận 67,5 tỷ EUR tiền ứng cứu, tăng trưởng đã trở lại và thâm hụt ngân sách đang giảm.

Phía sau lời khen

Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây ca ngợi Thủ tướng Ireland Enda Kenny vì đã “nêu gương sáng”, trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Ireland đã “gần như thoát khủng hoảng”. Theo đó, Ireland đã có những dấu hiệu cải thiện: xuất khẩu tăng 5,4% trong 9 tháng, GDP tăng 1,2% trong quý II, lãi suất mà Ireland phải trả cho các chủ nợ quốc tế cũng giảm còn 8,4% từ mức 14% hồi tháng 8…

Tuy nhiên, phía sau những mặt nổi là sự thật khá phũ phàng. Lương của y tá, giáo viên và nhiều lao động trong các lĩnh vực công bị cắt giảm khoảng 20%; một loạt thuế má, từ nhà ở cho đến nước sạch, đều tăng; đầu tư trong các lĩnh vực công chỉ còn “thoi thóp”.

Mới đầu tuần này, Chính phủ của ông Kenny công bố thêm một chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 3,5 tỷ EUR cho năm 2012, sẽ ảnh hưởng đến y tế, an sinh và phúc lợi trẻ em. Trong tháng 10, doanh số ngành bán lẻ giảm 3,8% so với năm ngoái khi người dân giảm chi tiêu ngay cả đối với những thứ như sách giáo khoa, giày dép và các mặt hàng cơ bản khác.

“Nhiều người đang cố gắng chỉ để cầm cự mỗi tuần” - bà O’Donnell, một người đi mua hàng ở Dublin, nói. Lương y tá của bà bị giảm nhiều lần trong năm nay.

Theo GS. Sean Kay ở Đại học Ohio Wesleyan University, tác giả cuốn sách nghiên cứu về khủng hoảng của Ireland gần đây, những câu chuyện như bà O’Donnell là bình thường.

“Người Ireland được ca ngợi vì đã làm những gì được yêu cầu, điều rất quan trọng trong việc lấy lại niềm tin của giới đầu tư. Nhưng với bản thân họ, đó là một nỗi đau lớn” - ông nói.

Thâm hụt ngân sách đã giảm còn 10% GDP năm nay từ mức 32% năm 2010. Giới phân tích cho rằng dù có cải thiện tốt nhất, con số này vẫn không thể đạt mục tiêu 3% GDP cho đến năm 2015. Hơn nữa, sự hồi phục có vẻ ngắn hạn. Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội (ESRI) ở Dublin, đã hạ dự báo tăng trưởng của Ireland xuống một nửa, còn dưới 1%.

Ly hương

Hiện nay Ireland vẫn chứng kiến núi nợ tăng thay vì giảm so với GDP. Nhưng Ireland là một trường hợp cho thấy những rủi ro từ việc bắt dân thường phải trả nợ hơn là toàn xã hội phải chia sẻ gánh nặng. Chẳng hạn, lương đang giảm dần dù tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 14,5% và dự báo không hạ ít nhất trong vòng 1 năm nữa.

Người Ireland không động một chút là xuống đường như dân Hy Lạp. Họ cũng tổ chức biểu tình nhưng trong trật tự, khi khởi xướng phong trào “Chiếm Phố Dame” (một con phố tài chính ở Ireland) theo kiểu “Chiếm Phố Wall” ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều nhức nhối hiện nay của Ireland là phong trào ly hương, dù các nhà kinh tế nói nếu không có làn sóng rời bỏ quê hương thời gian qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Ireland có thể cao hơn. Hàng ngàn sinh viên và công nhân xây dựng đã rời bỏ đất nước 4,5 triệu dân sau khi nền kinh tế rơi vào suy thoái năm 2008.

Nhiều người trong số họ chỉ định tạm tha hương để cầu thực. Nhưng nay, họ không quay về và đến lượt những tầng lớp lao động cấp cao như kế toán, kỹ sư, nha sĩ cũng dắt díu gia đình rời bỏ đất nước. Gần 40.000 người Ireland đã rời bỏ đất nước nội trong năm nay.

“Các nhà chính trị nói mọi thứ đã tốt hơn, nhưng nhiều người lại nghĩ mọi thứ càng tệ hơn” - theo Edwina Shanahan, một giám đốc cao cấp của Visa First.

Deirdre Cronin, 29 tuổi, một kế toán ở Cork, có kế hoạch rời bỏ đất nước vào năm mới cùng chồng và 2 đứa con để sang Australia, nơi hàng nghìn người Ireland trước đó đã đi sang để tìm kiếm một tương lai sáng sủa hơn. “Chúng tôi sợ sẽ không bao giờ có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái ở Ireland” - Cronin nói.

Vinh Trang (Theo NYT)

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Kinh tế, tài chính 24h: Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng Trung Quốc (08/12/2011)

>   S&P xem xét hạ bậc tín nhiệm EU và nhiều ngân hàng châu Âu (08/12/2011)

>   EU sẽ cắt viện trợ cho 19 nền kinh tế đang phát triển (07/12/2011)

>   Chính phủ Indonesia đồng ý rút bớt đơn vị tiền tệ (07/12/2011)

>   Citigroup “trảm” hàng nghìn nhân sự trên toàn cầu (07/12/2011)

>   Dự trữ ngoại hối của Nhật tăng chưa từng thấy (07/12/2011)

>   Ireland công bố chương trình tăng thu thuế (07/12/2011)

>   Hy Lạp phê duyệt kế hoạch ngân sách năm 2012 (07/12/2011)

>   4 kịch bản cho đồng Euro trong năm 2012 (07/12/2011)

>   S&P: EFSF có thể mất mức xếp hạng AAA (07/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật