Giảm lãi suất và niềm tin với ngân hàng
Trước thông tin của ngân hàng nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động sẽ giảm xuống 12%, nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khiến người gửi tiền tỏ ra chán nản. Tuy nhiên, theo khẳng định của các chuyên gia, giảm lãi suất là một tín hiệu tốt cho thấy chúng ta đã kiềm chế được lạm phát. Nó cũng đồng nghĩa giá trị tiền đồng được giữ vững, do đó dù lãi suất có giảm nhưng giá trị thực tế thì không giảm.
Khi VPBank vừa tung ra chương trình giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với mức quy định hồi tháng 10 vừa rồi nhân dịp ngày doanh nhân VN (13/10), ngân hàng đã nhận được yêu cầu đăng ký vay của hàng loạt DN mới.
Đại diện ngân hàng Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Hưng khẳng định: Giảm được lãi suất huy động sẽ kéo theo giảm lãi suất cho vay, qua đó tạo điều kiện để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng điều quan trọng hơn là việc kiềm chế lạm phát thành công của Chính phủ đồng nghĩa với giá trị tiền đồng VN được giữ vững, do đó không chỉ có DN được lợi mà cả người dân cũng vậy, và dù lãi suất huy động có giảm nhưng giá trị thực tế thì không giảm.
CPI giảm, DN chờ đợi vay vốn
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 11 đã đạt mức tăng 0,39% so với tháng trước. Như vậy từ tháng 8 trở lại đây, chỉ số CPI liên tục dưới 1%, và kể cả tháng 12, Chính phủ cũng quyết tâm giữ dưới 1% và sẽ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 18%. Đây là tín hiệu tốt cho các DN bởi kiểm soát được lạm phát sẽ có cơ hội nới lỏng tín dụng để kích thích sản xuất tiêu dùng.
Theo kết quả khảo sát mới nhất được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu kinh tế thuộc trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và đại diện Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có tới 81% DN chế biến, chế tạo (trong tổng số khoảng 8,000) cho biết họ đang gặp phải một số hạn chế hoặc trở ngại khi thực hiện chiến lược nâng cấp DN, trong đó thiếu vốn hay khó khăn trong tiếp cận tài chính được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất.
Chẳng thế mà, ngay khi Ngân hàng VN Thịnh vượng (VPBank) vừa tung ra chương trình giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với mức quy định hồi tháng 10 vừa rồi nhân dịp ngày doanh nhân VN (13/10), ngân hàng đã nhận được yêu cầu đăng ký vay của hàng loạt DN mới. Trong đó, ngoài việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian 3 tháng, các DN còn được giảm 30% phí cấp tín dụng, 50% phí chuyển tiền qua Internet Banking và miễn phí đăng ký và sử dụng trọn gói sản phẩm…
Chưa rõ hiệu quả cụ thể với từng DN được hưởng các ưu đãi này đến đâu nhưng việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là vô cùng có ý nghĩa đối với các DN, đối tượng đã và đang phải gánh chịu lãi suất cao trong suốt một thời gian dài. Trước đó, hồi đầu tháng 9/2011, thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN, VPBank đã công bố dành 3.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất tín dụng cho các DN sản xuất, xuất khẩu với mức lãi suất 17-19%.
Động thái này tạo một hiệu ứng tích cực đối với thị trường nói chung, đặc biệt là các DN sản xuất và xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, hải sản; các DN hoạt động trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục nói chung.
Giảm lãi suất nhưng không giảm giá trị thực
Đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực phi sản xuất thì những tác động từ nguồn tin giảm lãi suất cũng không kém gì. Có thể thấy, chỉ mới vài ngày rộ lên tin đồn giảm lãi suất huy động xuống 12%, dân đầu tư trên sàn chứng khoán đã xôn xao với kỳ vọng đây là cơ hội để gom cổ phiếu rẻ cho đợt sóng cuối năm 2011.
Vì thế, dân chứng khoán tìm mọi cách để có được thông tin, chuyên gia bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán cho biết, các khách hàng liên tiếp yêu cầu cung cấp các thông tin tư vấn liên quan đến việc giảm trần lãi suất để quyết định đầu tư sớm nhất.
Không chỉ trên sàn chứng khoán, đây cũng là chủ đề chính trên các sàn BĐS trong những ngày này. Các đơn vị kinh doanh BĐS cũng đang mong giảm lãi suất để kích thích thị trường khi giá đã giảm mạnh trong thời giảm qua…
Theo tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, CPI tháng 11 thấp sẽ là cơ sở để giảm trần lãi suất huy động. Thực tế, lạm phát tháng 11 ở mức rất thấp, xu hướng lãi suất được khống chế đã rõ.
“Tuy nhiên, giảm bao nhiêu, thời điểm nào thì NHNN phải tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của DN trong nhu cầu vay vốn và lợi ích của người gửi tiền" – lãnh đạo NHNN khẳng định.
Một số chuyên gia ngân hàng tại một số ngân hàng thương mại VN cho rằng: Việc duy trì lãi suất cơ bản cao trên 10% trong một thời gian dài như ở VN là một yếu tố bất lợi cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Lãi suất cao sẽ thu hút tiền gửi, từ đó thúc đẩy đầu tư tài chính tiền tệ chứ không thuận lợi cho việc đầu tư vào sản xuất.
Hệ thống các ngân hàng thương mại ở VN đã duy trì lãi suất huy động trên 10% từ nhiều năm nay, và hiện nay đang ở mức có thể nói là rất cao là 14%/năm. Trước đây, khi còn áp dụng trần lãi suất cho vay thì lãi suất cho vay có thể được khống chế ở mức 21%/năm, là một mức lãi suất cao gây khó khăn nhiều cho các DN trong việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Việc duy trì lãi suất cơ bản cao trên 10% trong một thời gian dài như ở VN là một yếu tố bất lợi cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Lãi suất cao sẽ thu hút tiền gửi, từ đó thúc đẩy đầu tư tài chính tiền tệ chứ không thuận lợi cho việc đầu tư vào sản xuất. |
Tuy nhiên, với việc bỏ áp dụng trần lãi suất cho vay theo thông tư hướng dẫn của NHNN, hiện nay các ngân hàng thương mại đều áp dụng mức lãi suất cho vay trên 21%, thậm chí có trường hợp cho vay với lãi suất 25-27%/năm. Đây quả thật là một mức lãi suất quá cao khiến các DN không thể trang trải, từ đó dẫn đến hệ quả là từ đầu năm đến nay đã có hàng chục nghìn DN phải đóng cửa do thiếu vốn. Từ đó, có thể thấy việc khống chế lãi suất cho vay là một trong những yếu tố quan trọng để khôi phục nền kinh tế. Mà một trong các giải pháp để khống chế lãi suất cho vay chính là hạ trần lãi suất huy động.
Việc giảm trần lãi suất huy động là một việc nên làm ngay. Lý do là để tranh thủ hiệu ứng tác động tâm lý từ các vụ vỡ nợ tín dụng đen đang xảy ra ngày càng nhiều thời gian gần đây. Nếu giảm lãi suất huy động đương nhiên một bộ phận người dân có vốn sẽ chuyển sang hình thức đầu tư khác có lãi suất cao hơn, trong đó có kênh huy động vốn từ thị trường chợ đen. Nếu tranh thủ tâm lý lo ngại sự bất ổn của thị trường chợ đen trong giai đoạn này thì sự ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất.
Bên cạnh đó, việc tính toán mức giảm lãi suất huy động cũng phải được cân nhắc kỹ về khả năng thu hút tiền gửi cũng như khả năng thích ứng lãi suất của các khoản cho vay. Nguyên nhân cần tính toán kỹ mức này vì việc giảm lãi suất tương ứng với giảm giá tiền đồng là một động thái có khả năng ảnh hưởng nhiều đến kỳ vọng vào giá trị thực của đồng VN. Như vậy nếu để việc giảm lãi suất xảy ra nhiều lần sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người dân, từ đó có thể làm gia tăng nhu cầu đầu tư ngoại tệ và vàng, từ đó làm tăng giá ngoại tệ và vàng trên thị trường trong nước. Vậy, điều cần lưu ý nếu có chủ trương giảm lãi suất huy động là chỉ giảm một lần với mức giảm được tính toán kỹ.
Băng Châu
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|