Doanh nghiệp cố tình sai để được hủy niêm yết...
Khả năng các cổ đông lớn hoặc lãnh đạo DN lợi dụng lỗ hổng trong quy định về việc hủy niêm yết cổ phiếu và sự lỏng lẻo của quy định công bố thông tin để gây tổn hại đến cổ đông nhỏ lẻ, ép cổ đông nhỏ bán rẻ cổ phiếu, sau đó có khi lại niêm yết trở lại hoặc hủy niêm yết để bán các tài sản có giá trị mà không cần công bố thông tin là có thể xảy ra.
Để giảm thiểu nguy cơ này, cần có các biện pháp xử lý nghiêm việc DN vi phạm quy định về công bố thông tin có thể ảnh hưởng tới khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc. Tham khảo kinh nghiệm tại một số TTCK lớn, bài viết xin chia sẻ một số quan điểm trước tình trạng này như sau:
Trước hết, UBCK cần được tăng cường vai trò và quyền lực để có thể xử lý các vụ việc cụ thể liên quan đến vấn đề này.
Các quy định pháp luật cần hướng tới việc xem xét hình sự hóa vai trò của ban lãnh đạo và HĐQT DN đối với các yêu cầu tối thiểu như cố tình không hoàn thành BCTC hay báo cáo thường niên theo quy định, liên tục chậm công bố thông tin, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của cổ đông.
Đồng thời, cho phép UBCK được phép trực tiếp thanh tra các DN liên tục sai phạm công bố thông tin và có quyền chỉ định các đơn vị chuyên nghiệp được cấp phép thực hiện và giám sát việc công bố thông tin của DN. DN sẽ phải chịu mọi chi phí để thực hiện những việc này.
Trong trường hợp ban lãnh đạo công ty vi phạm công bố thông tin nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng, có thể tác động tới khả năng công ty bị rút giấy phép niêm yết, thì cổ đông nhỏ, dưới sự đồng ý của UBCK, có thể yêu cầu triệu tập ĐHCĐ để bầu HĐQT và ban điều hành mới.
Nếu DN tiếp tục vi phạm thì có thể có các chế tài mạnh hơn như tăng mức phạt hành chính, cấm công ty phát hành thêm cổ phiếu trong một thời gian nhất định, cấm ban lãnh đạo công ty nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các công ty đại chúng trong vòng một số năm.
Nếu công ty bị hủy niêm yết vì vi phạm quy định về công bố thông tin thì cấm niêm yết trở lại trong vòng một số năm, không được sáp nhập vào công ty khác để thực hiện việc niêm yết trong vòng một số năm nhất định...
Để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ khi DN muốn hủy niêm yết, Bộ Tài chính cần ban hành văn bản về quy định hủy niêm yết, trong đó phải được tối thiểu 50% cổ đông nhỏ đồng ý, thay vì gồm cả các cổ đông lớn như hiện nay để tăng vai trò của bộ phận cổ đông này.
Bên cạnh đó, cần có các quy định chặt hơn về hoạt động chào mua bắt buộc của cổ đông lớn nếu muốn thâu tóm DN. Ví dụ, cổ đông sở hữu trên 20% vốn điều lệ của DN nếu muốn tăng tỷ lệ sở hữu phải bắt buộc chào mua công khai trên thị trường, thay vì thực hiện các giao dịch thỏa thuận.
Trước khi UBCK ra quyết định hủy niêm yết của DN thì cần có thông báo trước trong một khoảng thời gian đủ dài (ví dụ 30 ngày) ra thị trường, đồng thời có bộ phận tiếp nhận các ý kiến của cổ đông nhỏ trong trường hợp những cổ đông này muốn kiện ban lãnh đạo hoặc các cổ đông lớn của công ty.
UBCK cũng phải được quyền gia hạn thời gian hủy niêm yết để thanh tra và xử lý các khiếu nại của cổ đông nhỏ lẻ, thay vì ngay lập tức ra các quy định hủy niêm yết của DN, vô hình trung làm khó cho hàng trăm cổ đông nhỏ lẻ trên thị trường.
Đối với các công ty đã hủy niêm yết, trong vòng 3 - 5 năm đầu tiên, cần tiếp tục yêu cầu công bố thông tin như một công ty niêm yết để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, hạn chế việc cổ đông lớn muốn hủy niêm yết để tránh nghĩa vụ công bố thông tin.
Hải Vy
đầu tư chứng khoán
|