Phép thử lãi suất với chứng khoán: Còn nguyên giá trị hay đã qua?
(Vietstock) - Liệu phép thử lãi suất sẽ lại một lần nữa không thích hợp với một TTCK, vốn vẫn được coi là “non trẻ” như đang hiện hữu? Nếu điều đó xảy ra, thì ngay vào lúc này đây, phép thử lãi suất đã trôi qua - chỉ đáng giá như một hành vi manh động.
Nghi vấn!
Trên lý thuyết, phép thử về lãi suất vẫn còn nguyên giá trị đối với TTCK. Vì sao vậy?
Đơn giản là phép thử đó vẫn chưa xảy ra, lãi suất huy động vẫn chưa được kéo giảm như lời hứa của thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trong kỳ họp của Quốc hội khóa XIII vào tháng 11/2011.
Mà chưa xảy ra thì thị trường vẫn còn cơ hội, ít nhất từ thời điểm hiện thời đến một ngày tốt lành nào đó khi quyết định hạ lãi suất được ban hành. Để ít nhất, thị trường cũng không quá phụ bạc với phần chi phí vốn đã được nhóm tạo lập thị trường tung vào, mà kết quả là đã tạo nên được phiên bứt phá kỳ vĩ ngày 5/12.
Lý do rõ rệt nhất để giải thích cho phiên tăng điểm hoàn toàn bất ngờ và quá ấn tượng trên là loạt tin đồn về hạ lãi suất huy động về mức 12% đã lan ra hầu hết các thị trường lân cận với TTCK.
Tuy nhiên khung cảnh tăng điểm vừa qua lại khác biệt khá nhiều với sóng tăng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2011. Ở sóng tăng trước, thị trường đã trở thành một cái máy dự báo thân nhiệt theo đúng nghĩa khi tạo nên phản ứng trước ngày 7/9 – thời điểm mà trần lãi suất huy động 14% được đưa trở về vị trí “nguyên thủy” của nó hồi tháng 3/2011. Như vậy, thị trường đã phản ứng trước sự kiện lãi suất khoảng 3 tuần.
Cũng tại sóng tăng lần trước, vùng chân sóng đã được hình thành bởi một loạt phiên kéo ngang của chỉ số HNX, với kết quả rõ ràng là đáy sau cao hơn đáy trước. Mặc dù từ đầu năm 2011 đến giờ, cũng đã có vài lần HNX tiếp tục trôi xuống bất chấp hình ảnh “đáy sau cao hơn đáy trước”, nhưng dù sao về mặt phân tích kỹ thuật, kết quả này vẫn là một cái gì đó mang tính an ủi.
Còn với sóng tăng (nếu có thể gọi là sóng) lần này, HNX chỉ mới tăng được 3 phiên rồi giảm lại 2 phiên. Còn trước đó, quá trình tự hành xử của nó được đúc kết theo kiểu “đáy sau thấp hơn đáy trước” – một mô hình mà những nhà đầu tư có kinh nghiệm không thể không lưu tâm.
Một chi tiết khác cũng rất đáng chú ý là dạng đồ thị của chỉ số VNI trong hai tuần qua được kéo ngang một cách đầy cố ý. Điểm đặc biệt là đoạn dao động ngang này chỉ biểu hiện sau khi VNI đã phá đáy cũ 384 điểm (lập vào đầu tháng 8/2011). Điều đó, cũng như mối tương quan như vậy, có thể mang hàm ý gì?
Dù phá đáy, nhưng VNI chỉ thấp hơn đáy cũ có 4 điểm. Thông thường, để thiết lập được vùng đáy ngắn hạn hoặc trung hạn, chỉ số chứng khoán phải thực hiện một cú lao dốc khá mạnh, xuyên phá hẳn khu vực đáy cũ. Nhưng với khoảng cách rất gần về “địa lý” giữa đáy mới với đáy cũ, thật khó hy vọng VNI sẽ có được một cú bứt phá ngược lên trên.
Hoặc nếu VNI tăng mạnh trong thời gian tới thì cũng chỉ có thể là hoạt động làm giá tái diễn của bộ ba cổ phiếu BVH, MSN, VIC như chúng đã từng biểu hiện không biết bao nhiêu lần từ cả năm trời qua.
Một hành vi manh động?
Trong khi đó, vẫn chẳng có gì thú vị khi hàng ngày nhà đầu tư phải chứng kiến hết tin tức xấu này đến thông tin tiêu cực kia. Mọi chuyện trong hành xử của Ủy ban chứng khoán nhà nước dường như vẫn giậm chân tại chỗ. “Cứu chứng khoán” ra rả được nhắc đi nhắc lại, nhưng hành động cụ thể vẫn chưa thấy đâu.
Chỉ biết rằng sau SME, đến lượt TAS và có thể cả một domino những công ty chứng khoán khác sa vào vũng lầy mất thanh khoản.
Điều mà người ta có thể nghiệm ra là hiệu ứng cá nhân là tiền đề dẫn tới hiệu ứng tập thể.
Vào tháng 6-7 năm nay, nhà đầu tư cá nhân, sau khi mất phương hướng về thị trường, đã bắt đầu mất phương hướng tiếp nối với vài ba chục mã cổ phiếu không tìm đâu ra một mức thanh khoản gọi là. Thế nhưng lúc đó nhiều người vẫn chưa thể hình dung ra cơn sốt mất nước - cạn kiệt thanh khoản - lại có thể lan nhanh di chứng của nó đến tận phần cơ thể của khối công ty chứng khoán.
Mà nạn kiệt quệ thanh khoản lại là nỗi sợ hãi lớn lao nhất đối với thị trường trong bối cảnh này, một nỗi sợ hãi bào mòn còn ghê gớm hơn cả tình cảnh trôi trượt về điểm số và câu chuyện các cổ phiếu liên tục bị phá giá.
Cũng bởi thế, thật đáng hoài nghi về luồng tin tức cho rằng đang có một dòng tiền lớn đổ vào TTCK Việt Nam, được lan truyền trong những ngày gần đây. Dòng tiền nào? Từ vốn gửi tiết kiệm hay thị trường vàng? Hay từ thị trường… Singapore?
Không ai biết được.
Mà chỉ có thể hình dung một viễn cảnh gần gũi hơn là chỉ số HNX dường như đang bị chặn tại ngưỡng 64 điểm. Có thể trong những phiên giao dịch tới, thị trường vẫn “cố” hồi sức thêm một ít sau chuỗi ngày dài lê thê tuột dốc. Nhưng tương lai đó, nếu có xảy ra, cũng chẳng nói lên được điều gì thật sự có ý nghĩa.
Trong khi ở một thái cực khác, nhà đầu tư luôn phải ngoái nhìn về sau lưng mình trong đợt chạy maraton. Thế giằng co kéo ngang của VNI không phải là một tư thế tốt lành, mà có khi lại có thể trở nên nỗi ám ảnh về một đợt suy giảm mạnh trong không bao lâu nữa.
Cũng như những động thái mà nhóm tạo lập thị trường đã bộc lộ quá nhiều lần từ đầu năm 2011 đến nay, tất cả vẫn chỉ phục vụ cho mục tiêu xả hàng. Người ta có thể có nhiều dẫn chứng như thế vào các tháng 3-4, 6-7 và 9-10 của năm nay. Thời gian cứ trôi qua và thỉnh thoảng người ta lại được thông báo về việc bluechip này hoặc bluechip kia đã được khối ngoại bán ròng với số lượng bao nhiêu.
Nếu cần nhắc lại thì giá trị của phép thử lãi suất vẫn còn nguyên, nhưng chỉ là về mặt lý thuyết. Từ đây đến thời điểm hạ lãi suất huy động, thị trường vẫn có thể tiếp diễn đà kéo ngang như một sự thách đố đối với lòng kiên nhẫn đã quá bị đánh đố của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nhưng nếu sau thời điểm hạ lãi suất, thị trường không những không khởi sắc hơn mà lại tái hiện kịch bản đổ dốc sau ngày 7/9 – mốc thời gian tái thiết lập trần lãi suất huy động 14% - thì sao?
Nếu hệ quả đó xảy ra, chỉ có thể kết luận là phép thử lãi suất đã lại một lần nữa không thích hợp với một TTCK, vốn vẫn được coi là “non trẻ” như. Tức ngay vào lúc này đây, phép thử lãi suất đã trôi qua – chỉ đáng giá như một hành vi manh động.
Hạ Xuyên
|