DNNY Việt: Cơ hội và rào cản niêm yết trên TTCK Hồng Kông
(Vietstock) – “Việc IPO và niêm yết chứng khoán cơ sở (cổ phiếu) trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn còn là một hành trình khá xa vời đối với các doanh nghiệp Việt Nam”. Đó là nhận xét chung của các diễn giả tham gia diễn đàn Niêm yết ở Hồng Kông diễn ra tại TPHCM sáng 06/12.
Rào cản về chuẩn mực
Theo các diễn giả, những yêu cầu niêm yết tại thị trường này khá khắt khe và đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch tuyệt đối. Để niêm yết trên thị trường Bảng chính (Main Board) tại Hồng Kông, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong 3 nội dung kiểm tra như sau:
Thứ nhất, kiểm tra về lợi nhuận, doanh nghiệp phải có lợi nhuận 6.4 triệu USD trong 3 năm tài chính gần nhất (2.6 triệu USD cho năm gần nhất và khoản cộng dồn 3.8 triệu USD trong 2 năm trước đó). Đồng thời có ít nhất 26 triệu USD vốn chủ sở hữu tại thời điểm niêm yết.
Thứ hai, kiểm tra về vốn chủ sở hữu/doanh thu, doanh nghiệp phải có ít nhất 513 triệu USD vốn chủ sở hữu tại thời điểm niêm yết. Doanh thu ít nhất 64 triệu USD trong năm tài chính được kiểm toán gần nhất.
Thứ ba, doanh nghiệp có ít nhất 256 triệu USD vốn chủ sở hữu tại thời điểm niêm yết. Đạt doanh thu tối thiểu 64 triệu USD trong năm tài chính kiểm toán gần nhất và phải có lưu lượng tiền mặt dương từ các hoạt động kinh doanh, với mức tối thiểu 13 triệu USD cộng dồn trong 3 năm tài chính gần nhất.
Ngoài ra, HĐQT phải sở hữu cổ phần và quản lý doanh nghiệp liên tục trong thời gian ít nhất 3 năm trước khi đăng ký niêm yết trên thị trường Bảng chính.
Trong khi đó, thị trường dành cho các công ty có tốc độ tăng trưởng cao (GEM) có các yêu cầu về tài chính thông thoáng hơn, như phải có ít nhất 13 triệu USD chủ sở hữu tại thời điểm niêm yết, có lưu lượng tiền mặt dương từ các hoạt động kinh doanh, và phải đạt tối thiểu 2.6 triệu USD lợi nhuận lũy kế trong 2 năm tài chính trước đó.
GEM cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải có hồ sơ chứng minh hoạt động ít nhất trong 2 năm tài chính. Đồng thời, trong thời gian này, HĐQT cũng phải sở hữu cổ phần và điều hành doanh nghiệp một cách liên tục, ít có sự xáo trộn về nhân sự.
Ở cả hai thị trường, khi doanh nghiệp đăng ký niêm yết nhất thiết phải chỉ định một công ty tài chính là tổ chức tài chính hỗ trợ việc nộp đơn đăng ký niêm yết.
Ngoài ra, công ty mới đăng ký niêm yết trên cả hai thị trường đều phải duy trì tối thiểu 25% tổng số cổ phần đã phát hành cho công chúng nắm giữ, tức cổ phần tự do.
Phí niêm yết cho công ty mới trên Bảng chính là 19,000 – 84,000 USD cho năm đầu và 18,000 – 153,000 USD/năm cho các năm tiếp theo. Với thị trường GEM, phí niêm yết năm đầu là 13,000 – 26,000 USD và từ 12,000 – 26,000 USD/năm cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên hai thị trường này là sự khác biệt quá lớn về chuẩn mực kế toán giữa Việt Nam và Hồng Kông. Ngoài ra, hệ thống luật của Việt Nam cũng chưa được thị trường chứng khoán Hồng Kông chấp nhận. Vì vậy, việc vượt qua các rào cản càng thêm khó khăn.
“Do đó, sản phẩm tối ưu cho doanh nghiệp Việt Nam là Chứng chỉ lưu ký toàn cầu (DR)”, bà Đặng Vũ Thanh Hà, Giám đốc Dịch vụ Chứng khoán của Deutsche Bank Việt Nam cho biết.
Theo bà Thanh Hà, DR có ưu điểm là ít tốn kém và điều kiện phát hành cũng như niêm yết tương đối thông thoáng. Chỉ cần doanh nghiệp đủ điện kiện phát hành và niêm yết cổ phiếu ở nước sở tại là có thể phát hành Chứng chỉ lưu ký ra nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ Trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, UBCKNN cũng cho rằng, việc chào bán và niêm yết Chứng chỉ lưu ký là sản phẩm tốt nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam giải quyết được rào cản về chuẩn mực kế toán, cũng như chuẩn mực công bố thông tin của thị trường quốc tế vốn cao hơn so với thị trường Việt Nam. DR cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường thế giới theo hướng mở rộng thị phần, huy động vốn và quảng bá thương hiệu, gia tăng danh tiếng trên thị trường quốc tế.
Trao đổi với Vietstock, ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Dịch vụ thị trường vốn của PricewaterhouseCoopers Việt Nam cho biết, sở dĩ thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ đặt vấn đề niêm yết ở Singapore thay vì Hồng Kông là do sự gần gũi về mặt địa lý, sự thông thoáng hơn về mặt chính sách giữa các nước trong khu vực ASEAN… Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường Hồng Kông có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia Âu, Mỹ.
Ông cũng cho biết thêm, các quy định niêm yết tại Hồng Kông và Singapore do yếu tố cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp, nên cũng không có sự khác biệt quá lớn. Điều quan trọng là doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện đó hay không. |
Viết Vinh
|