Thứ Năm, 15/12/2011 17:03

Cổ phần hóa: Từ mệnh lệnh đến nhu cầu

Mười năm trước, cổ phần hóa còn là mệnh lệnh hành chính thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may. Họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá trong khi đàm phán làm ăn.

Mệnh lệnh là tấm áo chật

“Cách đây hơn một tháng, tập đoàn Dệt may (Vinatex) vẫn nhận được văn bản từ phía Mỹ nói là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là được Nhà nước trợ cấp và trợ giá, kể cả doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ sở hữu dưới 51% vốn điều lệ, nên việc đàm phán giá khó hơn”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, nói với Thủ tướng hôm 8-12. Và ông đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH), giảm bớt sự chi phối của Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp có đủ vị thế cạnh tranh hơn nữa.

Từ năm 2007 đến nay, quá trình CPH bị chậm lại, chỉ thực hiện được một phần ba yêu cầu đặt ra, nhất là nhóm các doanh nghiệp dệt may, vốn không hấp dẫn các nhà đầu tư bằng các doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản hay ngân hàng. “Nhưng nhu cầu tự thân của chúng tôi rất cần đẩy nhanh tiến độ CPH để cạnh tranh được sòng phẳng”, ông Giang khẳng định. Ông cho biết để có thể phát triển, các doanh nghiệp dệt may đã phải tự tham gia đấu thầu các đơn hàng trên mạng từ lâu, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, vốn nhà nước ở đó còn nhiều hay ít, CPH mới đây hay đã lâu.

Mười năm trước, CPH còn là mệnh lệnh thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp dệt may. Bất chấp những khó khăn trên thị trường vốn suốt thời gian qua, họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước, để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá các đơn hàng ở mức thấp (do e ngại Nhà nước có trợ cấp hay trợ giá).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi sơ kết việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) hôm 9-12, cũng thừa nhận CPH doanh nghiệp hay thành lập tập đoàn những năm qua chủ yếu theo phương thức hành chính, nhất là những TĐKTNN được thực hiện theo phương thức gom và cơ cấu lại từ một số tổng công ty nhà nước hoạt động trong cùng lĩnh vực. Mô hình tổ chức như vậy khiến cho hoạt động của các tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa công ty mẹ với các công ty con vốn là các tổng công ty có nhiều kinh nghiệm và đã có thương hiệu trên thị trường.

Cái khó này thể hiện ở các hình thức liên kết khá đơn điệu. Ví như các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn mang tiếng là liên kết theo thỏa thuận ở các mức độ và phạm vi khác nhau nhưng hầu hết các thỏa thuận này chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực sản xuất kinh doanh như trao đổi hàng hóa lẫn nhau, sử dụng thương hiệu thông qua công ty mẹ... thay cho những thỏa thuận mang tính thị trường, thúc đẩy sự phát triển dài hạn và ổn định hơn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Nguyễn Đăng Nam than rằng dù là TĐKTNN nhưng quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu ở đây được phân cho ba bộ nên khi tập đoàn trình các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu phải chờ ý kiến của ba nơi (như chuyện phê duyệt tăng vốn điều lệ), kéo dài đến sáu tháng làm chậm tiến độ sản xuất kinh doanh, làm mất đi tính tự chủ. Do vậy việc thành lập tập đoàn nhằm mục đích sản xuất kinh doanh nhưng phải chịu sự chi phối của các quyết định hành chính rất cần phải cải tiến thì tập đoàn hay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn mới không lỡ cơ hội.

Chính phủ cũng đang thay đổi tư duy

Không chỉ vì các doanh nghiệp hay TĐKTNN thấy việc CPH, tái cấu trúc là nhu cầu tồn tại thực tế mà còn vì hiệu quả quản lý, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một giảm khiến Chính phủ buộc phải tính toán lại. Ngoài ra, sự thiếu vắng hay chồng chéo của rất nhiều quy định liên quan đến TĐKTNN, mức độ rủi ro về tài sản (do hình thành phần lớn từ vốn vay), hệ số an toàn vốn thấp ở các tập đoàn cũng là nguyên nhân buộc phải thay đổi.

Những chuyển biến về tư duy và hành động cụ thể đã được công bố tại hai cuộc họp tổng kết về CPH doanh nghiệp nhà nước và thí điểm thành lập các TĐKTNN diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Nếu như mấy năm trước, tư tưởng nhà nước giữ độc quyền trong một số ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu như điện lực, dầu khí, khoáng sản... vẫn còn chi phối các quyết định liên quan thì nay Chính phủ đã tuyên bố chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 sẽ CPH 27 tập đoàn, tổng công ty (cho dù Nhà nước vẫn giữ lại cổ phần chi phối trên 65% hoặc trên 75% vốn điều lệ ở một số tập đoàn). Trong số này, người ta thấy có tên các tập đoàn: Dầu khí, Công nghiệp Than và Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Hóa chất và Tổng công ty Hàng hải. Nhà nước cũng không giữ cổ phần chi phối ở 16 tổng công ty khác.

Không chỉ vậy, Chính phủ cam kết đến năm 2020 chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích. Và Nhà nước chỉ giữ độc quyền mang tính thương mại ở một số ít doanh nghiệp như: tập đoàn Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Đường sắt, ba tổng công ty hàng không hay hai tổng công ty đảm bảo hàng hải... Ở các địa phương, chỉ còn lại các doanh nghiệp hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, thoát nước, các công ty nông lâm nghiệp.

Có lẽ xuất phát từ sự thay đổi quan điểm này mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ tạm dừng việc thí điểm thành lập mới các TĐKTNN để hoàn thiện khung pháp lý và tái cấu trúc số tập đoàn hiện có.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Moody’s đánh giá tích cực về việc cổ phần hóa BIDV (13/12/2011)

>   Vingal đấu giá 3.6 triệu cp, giá 10,050 đồng/cp (12/12/2011)

>   Nguyễn Kim sẽ IPO và chuyển thành công ty đại chúng (12/12/2011)

>   STB: Người thân của Thành viên HĐQT đã bán hơn 8 triệu cp (09/12/2011)

>   Hơn 3.000 tỷ đồng vốn nhà nước chưa chuyển giao về SCIC (09/12/2011)

>   EuroCham đề nghị cổ phần hóa mạng di động (08/12/2011)

>   Cổ phần hóa Vinashin trước năm 2020 (08/12/2011)

>   Khởi động làn sóng mới cổ phần hóa DNNN (08/12/2011)

>   Nhà đầu tư thờ ơ với sàn đấu giá (07/12/2011)

>   Cổ phần hóa BIDV: Có gì chần chừ? (07/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật