Thứ Tư, 07/12/2011 07:00

Cổ phần hóa BIDV: Có gì chần chừ?

Cho dù các đợt IPO theo kế hoạch của hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng lớn có trì hoãn thêm một thời gian nữa thì cũng chẳng ích lợi gì. Lý do, nguồn vốn khả dụng để "nghênh đón" các đợt IPO này vẫn chỉ có chừng đó.

Mới đây, tin BIDV công bố IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) ngay trong tháng 12 này đã gây ra không ít sửng sốt trong dư luận. Đáng chú ý nhất là tính gấp gáp của việc này trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng còn hệ thống ngân hàng thì đang ở ngưỡng cửa "tái cấu trúc" - được hiểu là sẽ có những vụ sáp nhập, với những xáo trộn lớn.

Có người cho rằng, do từ lúc công bố đến lúc tiến hành đấu giá cổ phần BIDV chỉ là dưới 1 tháng nên nhà đầu tư khó có điều kiện để phân tích sâu sắc về một ngân hàng vốn ít công bố thông tin. Bởi vậy, dư luận dường như hoài nghi rằng IPO của BIDV sẽ bị ảnh hưởng, và có lẽ có không ít người, trong và ngoài cuộc, muốn tiếp tục trì hoãn đợt IPO tới đây.

Thực ra, vấn đề có nên tiếp tục hay không tiến hành IPO khi thị trường chứng khoán trầm lắng không phải là mới. Hồi tháng 6 và tháng 7/2007, ngay khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu chựng lại, và IPO của Bảo Việt và Bảo hiểm Dầu khí được thực hiện ở mức giá khiêm tốn so với kỳ vọng, người ta đã kêu gọi không tiến hành IPO các "đại gia" khác. Tại thời điểm đó, tôi đã viết 2 bài cùng chủ đề, khuyến nghị tiếp tục nên tiến hành các đợt IPO khác.

So sánh tình hình của hai thời kỳ, tôi thấy một số lập luận trong hai bài viết này vẫn còn nguyên giá trị nên xin được nêu lại ở đây nhằm hỗ trợ cho lời khuyến nghị phải nhanh chóng thực hiện IPO của BIDV và các "đại gia" doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác sớm nhất có thể.

Nhiều ý kiến lo ngại về nguồn vốn khả dụng để "nghênh đón" các đợt IPO như thế này

1. IPO đã được Chính phủ lên kế hoạch từ không phải là nhiều tháng mà từ nhiều năm. Cho dù hiện nay có thể có một số yếu tố nào đó được cho là không thuận lợi cho một đợt IPO quy mô lớn như vậy, nhưng việc ngừng hoặc trì hoãn IPO nhiều khả năng sẽ mang đến những hậu quả tai hại khác không thể lường trước. Ngoài việc trì hoãn liên tục sẽ làm cho uy tín của Chính phủ bị sứt mẻ, việc này còn tạo ra những tiền lệ, những cái cớ khả dĩ cho những cá nhân hoặc nhóm lợi ích "không thích" cổ phần hóa.

Xét về lập luận này, phát biểu của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV: "Một trong những đột phá trong tái cơ cấu DNNN là đẩy nhanh công tác cổ phần hóa. Thời điểm này chúng tôi lựa chọn thực ra là đã trễ hẹn. Đáng lý là từ năm ngoái, được Chính phủ gia hạn thêm một lần" đã tỏ ra rất phù hợp, để dư luận hiểu rằng không thể và không nên trì hoãn IPO (các DNNN) nữa.

2. IPO BIDV và các DNNN khác sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn (có thể là tốt) cho các nhà đầu tư, ngoài những lựa chọn không mấy hấp dẫn trên thị trường chứng khoán hiện tại. Việc này sẽ tạo thành một hiệu ứng tích cực lôi kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường chứng khoán vốn đang rất thiếu sinh khí. Do đó, việc IPO BIDV và các DNNN khác ít nhất cũng sẽ mang lại lợi ích chung cho thị trường chứng khoán.

3. Cần lưu ý rằng vai trò của Chính phủ đối với thị trường chứng khoán không chỉ là tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua IPO các DNNN, mà còn có trách nhiệm kiểm soát và can thiệp, giữ ổn định cho thị trường hoạt động lành mạnh. Đôi khi Chính phủ phải chấp nhận đánh đổi một số lợi ích ngắn hạn để đạt được những mục đích khác có thể sẽ đem lại những lợi ích trong dài hạn.

Về điểm này, ông Hà cũng đã thẳng thắn và nhìn nhận đúng đắn tác dụng tích cực của IPO, không chỉ bó hẹp ở chuyện thu về bao nhiêu tiền cho ngân sách.

"IPO trong bối cảnh thị trường xấu, cái này mình cũng cần phải nói một cách hết sức sòng phẳng. Mục tiêu đầu tiên không phải là nhà nước thu tiền về, mà mục tiêu chính là để nâng cao quản trị, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước qua con đường cổ phần hóa", ông Hà nói.

Cho dù các đợt IPO theo kế hoạch của hàng loạt doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại nhà nước lớn có được trì hoãn thêm một thời gian nữa thì cũng chẳng có ích lợi gì.

4. Quan trọng nhất, nếu phải trì hoãn IPO thì biết hoãn đến bao giờ? Ai có thể dự đoán và chỉ ra thời điểm thích hợp nhất để tiến hành IPO? Và cho dù có làm được điều này thì tại thời điểm được cho là thích hợp nhất này, các doanh nghiệp sẽ đua nhau tiến hành IPO để chớp thời cơ lúc thị trường đang thăng hoa. Nhưng nếu vậy thì lại lặp lại vấn đề cung lớn hơn cầu mà người ta đang lo ngại. Để tránh tình trạng đua tranh này, chắc là phải làm một "danh sách" ưu tiên ai được IPO trước, ai phải IPO sau ư? Cơ sở nào để làm vậy?

Ông Hà đã có một lập luận rất logic và giống với lập luận ở trên khi ông đặt ngược câu hỏi: "Còn nói thị trường xấu, nhỡ đâu năm tới nó còn xấu hơn thì sao, thì có phải chúng tôi khôn không. Cái này là thuộc về thị trường và khó nói trước".

Thực tế cũng chứng tỏ điều này. Nếu đếm ngược được thời điểm 2007, cho dù có những lúc thị trường chứng khoán có đi xuống nhưng chắc chắn chỉ số VN Index lúc đó là mơ ước không chắc có ngày lặp lại ở Việt Nam. Lúc đó, nếu người ta cứ "bỏ ngoài tai" những lời bàn chùn và mạnh dạn tiến hành IPO thì có phải là "vẹn cả đôi đường" không?

5. Ngoài ra, nếu cho rằng nguồn vốn trong dân đúng là đã tới hạn (chính xác hơn là bị giới hạn bởi tốc độ tăng trưởng thu nhập dân cư, là điều phụ thuộc vào tốc độ tăng GDP), và cứ cho là nguồn vốn từ ngân hàng đã và sẽ bị cắt giảm mạnh bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng cho khu vực phi sản xuất, thì cho dù các đợt IPO theo kế hoạch của hàng loạt doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại nhà nước lớn có được trì hoãn thêm một thời gian nữa thì cũng chẳng có ích lợi gì. Lý do, nguồn vốn khả dụng để "nghênh đón" các đợt IPO này vẫn chỉ có chừng đó, và rốt cuộc các đợt IPO chắc chắn cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan hơn hiện tại.

Để tránh tình trạng này, dường như chỉ còn một giải pháp duy nhất là ngừng vô thời hạn IPO của một bộ phận lớn trong số các tổng công ty và các doanh nghiệp để đảm bảo cung không vượt quá cầu. Mà điều này chắc chắn là không tưởng, vì nó đồng nghĩa với việc quay lưng lại với tiến trình cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước - vốn luôn được cam kết đẩy mạnh, nhưng đã và đang được tiến hành rất chật vật so với kế hoạch.

6. Cuối cùng, về lập luận rằng nhà đầu tư có quá ít thời gian để phân tích sâu về BIDV để có quyết định đầu tư hay không, ông Hà đã có giải thích một phần. Ở đây tôi chỉ bổ sung thêm một điều là nhiều nhà đầu tư vào một cổ phiếu nào đó đâu có cần/quan tâm đến/biết phân tích những số liệu "lằng nhằng" đâu? Việc này đôi khi không quan trọng bằng việc nghe ngóng thị trường và hỏi nhà đầu tư bên cạnh xem là họ bỏ giá bao nhiêu!

Tóm lại, IPO các DNNN nói chung và BIDV nói riêng cho dù có gấp gáp thì nó là việc lẽ ra đã phải làm từ lâu. Và nếu xét đến tính bất trắc, rủi ro không tiên liệu được của nền kinh tế quốc gia, của thị trường chứng khoán thì tiến hành IPO được lúc nào thì cũng nên tiến hành ngay lúc đó, chẳng có cớ gì phải chần chừ nữa!

TS.Nguyễn Minh Ngọc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Hủy đấu giá cổ phần CTCP BOO nước Thủ Đức (06/12/2011)

>   IPO BIDV: Giá khởi điểm là 18.500 đồng/cp (06/12/2011)

>   Giá khởi điểm nào cho BIDV? (05/12/2011)

>   'Giá cổ phiếu BIDV sẽ theo thị trường' (04/12/2011)

>   Cổ phần hóa 10 DN thuộc Bộ Công Thương (02/12/2011)

>   Chủ tịch BIDV: “IPO khi thị trường xấu hay tốt là quyền của Chính phủ” (02/12/2011)

>   BIDV được định giá hơn 381,3 nghìn tỷ đồng (01/12/2011)

>   Cổ phần hóa 6 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Đường sắt (30/11/2011)

>   Sắp đấu giá cổ phần BIDV: Cuộc IPO “khủng” nhất năm nay! (30/11/2011)

>   Cổ phần hóa một số doanh nghiệp ngành hàng không (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật