Thứ Năm, 22/12/2011 20:30

5 sự kiện tài chính - ngân hàng nổi bật trong năm 2011

(Vietstock) - 2011, năm ghi dấu nhiều thăng trầm với ngành tài chính ngân hàng: giá vàng liên tục vút bay, nổ tín dụng đen, hợp nhất ngân hàng và siết tín dụng bất động sản… Mời các nhà đầu tư cùng Vietstock “bình chọn” sự kiện tài chính ngân hàng gây chấn động trong năm qua.

1. Ngân hàng “đói” thanh khoản

Ngày 03/03, NHNN ban hành Thông tư 02 quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động đã đua nhau vượt trần dưới nhiều hình thức, có nơi lên đến 18-19%. Thực tế này đã được NHNN thừa nhận trong Chỉ thị số 02 ban hành ngày 7/9. Trong Chỉ thị số 02, NHNN yêu cầu các ngân hàng chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VND và đô la Mỹ, buộc các ngân hàng tuân thủ đúng quy định về trần lãi suất nếu không sẽ bị xử lý nặng.

“Nói đi đôi với làm”, trong tháng 9 và 11, NHNN đã “thẳng tay” xử lý 3 ngân hàng thương mại là DongABank, Agribank và HDBank do vi phạm quy định về trần lãi suất huy động. Ngoài việc cách chức cấp quản lý có liên quan, NHNN không cho DongABank và HDBank mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch và không cho đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc trong vòng 1 năm. Riêng HDBank, trong năm 2012 chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không được quá 10%.

Khó huy động vốn trong dân, nhà băng lo thiếu thanh khoản nên đã quay sang vay lẫn nhau khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có khi bị đẩy lên tới mức 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng vào thời điểm cuối tháng 10. Từ đây lại phát sinh thêm chuyện “chưa từng có” từ trước tới nay là ngân hàng cho vay đòi ngân hàng đi vay phải có tài sản thế chấp mà Vietcombank là ngân hàng nổ phát pháo đầu tiên. Đây có thể được xem là tín hiệu không tích cực về sức khỏe của các ngân hàng và thậm chí càng làm tắc thêm dòng chảy của đồng vốn.

2. Bất động sản và câu chuyện tín dụng phi sản xuất

Tỷ trọng cho vay phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản, phải giảm xuống không quá 16% vào cuối năm 2011 theo Chỉ thị số 01 của NHNN được ban hành hồi đầu tháng 03/2011. Với thông tin này, NHNN tiếp tục khẳng định thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng trong năm 2011, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; đảm bảo lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.

Siết tín dụng bất động sản, nhiều nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân cũng không được ngân hàng mở “hầu bao”. Đến giữa tháng 11, NHNN đã hé mở van tín dụng với 4 nhóm đối tượng bất động theo Công văn 8844/NHNN-CSTT ban hành ngày 14/11 của NHNN. Chủ yếu hướng đến dư nợ cho vay để sửa chữa và mua nhà để ở, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp hay cho vay xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện. Việc loại bỏ các đối tượng trên ra khỏi danh sách phi sản xuất tuy nhằm mục đích giải cứu thị trường nhưng lại không mang nhiều ý nghĩa với thời hạn bàn giao và đưa vào sử dụng rất gần (trước ngày 01/01/2012).

Đến ngày 08/12, van tín dụng bất động sản chính thức được khai thông với Chỉ thị số 2196/CT-TTg của Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Điểm trọng tâm của Chỉ thị là “NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở”.

3. Cú “sốc” vỡ nợ tín dụng đen

Tín dụng đen với lãi suất lên tới 30-40% một tháng, tương đương 360-480% một năm tái xuất vào những tháng cuối năm. Người cho vay mừng thầm với mức lãi suất cao ngất ngưỡng, cách xa so với gửi nhà băng. Trong khi đó, người đi vay lại “rót” đồng vốn của mình vào những dự án kinh doanh cực kỳ rủi ro như đầu cơ dự án bất động sản, lướt sóng vàng, margin chứng khoán. Khi những kênh đầu tư này đóng băng cũng là lúc xảy ra vỡ nợ hàng loạt.

Đối với doanh nghiệp, dưới sức ép nợ vay ngày một căng thẳng buộc doanh nghiệp phải bán tháo tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Bởi thế mà khi “cơn lốc” nổ tín dụng đen bùng phát thì cũng là lúc làn sóng bán tháo dự án bất động sản lan rộng. Khởi đầu “phi vụ” này, PVL lên tiếng chấp nhận lỗ 70 tỷ đồng từ dự án Petro Vietnam Landmark khi giảm 35% giá bán căn hộ xuống còn 15.5 triệu đồng/m2.

Giới chuyên gia nhận định, góc khuất của hàng loạt các vụ vỡ nợ xảy ra gần đây thể hiện sự bất ổn trong hệ thống tài chính. Khi ngân hàng được lệnh “cấm vận” với bất động sản, các nhà băng không chỉ nói không với các khoản vay mới mà còn ráo riết thu hồi các khoản nợ cho vay trước đó. Tình trạng dòng tiền cạn kiệt, lại thêm cú “đánh bồi” là thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán mất thanh khoản đã làm tình hình kinh tế vốn chưa vực dậy nổi lại càng xấu thêm.

4. Sau phi mã, vàng SJC thành thương hiệu... SBV

Giá vàng liên tục lập kỷ lục mới và “phi” tới sát mốc 50 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 1 tháng. Người dân đổ xô “vác” tiền đi mua khiến giá vàng trồi sụt thất thường. Nhiều giải pháp được đưa ra như cho nhập khẩu vàng, mở cơ chế để ngân hàng thương mại tham gia bình ổn thị trường (chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng, cho phép ngân hàng mở tài khoản vàng ở nước ngoài nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng). Những giải pháp này đã có những tác dụng nhất định nhưng mục tiêu đảm bảo sự ổn định trên thị trường vàng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Đến tháng 10/2011, NHNN đã chính thức trình Chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó đưa ra quy định điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng. Với Nghị định này thì chỉ có CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đạt tiêu chuẩn. Thị trường vàng tiếp tục “náo loạn”, nhiều thương hiệu vàng nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu chào bán giá thấp hơn thị trường đến 600,000 đồng/lượng nhưng lượng bán vẫn áp đảo lượng mua. Hàng trăm nghìn người đang giữ vàng miếng mang các thương hiệu khác SJC đang rất phân vân và lo lắng.

Đến ngày 25/11, Thống đốc NHNN cho biết thời gian tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV và trực thuộc NHNN. Theo đó, Nhà nước vẫn giữ được yêu cầu độc quyền trong quản lý và sản xuất vàng miếng, tiết giảm được chi phí trong sản xuất.

Trong vấn đề này, liên quan đến độc quyền, lợi ích nhóm, hay sự thiệt thòi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, người đứng đầu NHNN cho rằng cần phải “hy sinh vì lợi ích quốc gia và vì yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”.

5. Hợp nhất ba ngân hàng

Ngày 06/11, Ficombank, TinNghiaBank, Sài Gòn SCB là 3 ngân hàng đầu tiên được chấp thuận hợp nhất tự nguyện và BIDV sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.

ĐHĐCĐ của cả ba ngân hàng diễn ra ngày 15/12 đã thông qua toàn bộ các vấn đề liên quan đến hợp nhất, với tỷ lệ đồng thuận trên 90% ở cả ba Đại hội. Theo đó, ngân hàng sau hợp nhất sẽ có tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với vốn điều lệ là 10,583.8 tỷ đồng. SCB sẽ kế thừa và thực hiện tất cả hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 ngân hàng.

ĐHĐCĐ cũng đã nhất trí tỷ lệ hoán đổi cổ phần phổ thông của 3 ngân hàng sang SCB là 1:1. Kể từ ngày hợp nhất, SCB sẽ tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ liên quan tới cổ phiếu của 3 ngân hàng.

Ngân hàng mới sau hợp nhất dự kiến sẽ có lãi 667 tỷ đồng trong năm 2012, 1,185 tỷ đồng năm 2013 và 1,865 tỷ đồng vào năm 2014. Đến năm 2014, SCB “mới” sẽ có vốn điều lệ xấp xỉ 16,000 tỷ đồng, trong đó cổ đông mới chiếm 6,000 tỷ đồng vốn điều lệ (tương đương 37.5%).

Sau động thái hợp nhất ba ngân hàng thương mại trên thì hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings nhận định, đây là một bước tiến tích cực mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực cải thiện sức mạnh cho hệ thống ngân hàng.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   Lãi suất bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm (22/12/2011)

>   Phân bổ tín dụng: Công bằng không thể cào bằng (22/12/2011)

>   Cửa tiếp cận ngân hàng cho DN vừa và nhỏ vẫn hẹp (22/12/2011)

>   Nợ xấu không đẹp như công bố (22/12/2011)

>   Chuyên gia ANZ: Không nên quá thắt chặt cung tiền (21/12/2011)

>   Nợ xấu tại các công ty cho thuê tài chính lên gần 50% (21/12/2011)

>   IFC thêm vốn cho VIB tài trợ doanh nghiệp SMEs (21/12/2011)

>   Chuyên gia: Tái cấu trúc ngân hàng cần minh bạch thông tin (21/12/2011)

>   Sức ép tăng tỷ giá vẫn lớn (21/12/2011)

>   Ủng hộ các chính sách của NHNN nhằm ổn định tiền tệ (21/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật