1/3 cổ phiếu trên sàn nằm trong diện "lôm côm"
Đó là nhận xét của một số chuyên gia và các tổ chức khi xem xét chất lượng của 701 mã chứng khoán đang niêm yết trên cả 2 sàn.
Nâng tiêu chuẩn cổ phiếu niêm yết để tăng chất lượng hàng hóa là một trong những nhiệm vụ phải thực hiện khi tái cấu trúc TTCK. Tuy nhiên, để cuộc sàng lọc diễn ra êm thấm là không hề đơn giản.
Theo thống kê, trên hai Sở GDCK hiện có 701 mã niêm yết. Trong đó, sàn Hà Nội là 393 mã, sàn TP. HCM là 308 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, với quy mô vốn hóa chưa tới 200.000 tỷ đồng thì lượng hàng hóa kể trên được các chuyên gia đánh giá là quá nhiều và dàn trải. Đặc biệt, khi xem xét chất lượng hàng hóa, có chuyên gia cho rằng, gần 1/3 cổ phiếu trên sàn nằm trong diện "lôm côm".
Để hạn chế tình trạng "vàng thau lẫn lộn" hiện nay, nâng chuẩn niêm yết và sàng lọc lại cổ phiếu trên sàn là đòi hỏi tất yếu. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đã đưa nội dung này vào chương trình trọng điểm tái cấu trúc TTCK.
Trước đó, năm 2010, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung, cơ quan ban hành chính sách cũng đề cập đến việc phải nâng chuẩn niêm yết.
Cụ thể, DN muốn lên sàn HOSE phải là CTCP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên (thay vì chỉ 80 tỷ đồng). DN phải có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức CTCP, hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5%. Bên cạnh đó, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.
Tương tự, ở sàn Hà Nội, DN muốn niêm yết phải có vốn tối thiểu 30 tỷ đồng (trước là 10 tỷ đồng), cũng phải đạt ROE tối thiểu 5% ở năm gần nhất và phải có 10% cổ phiếu do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thông tin liên quan đến nâng chuẩn niêm yết cũng chỉ dừng ở đó. Diễn biến này khiến một số nhà đầu tư sốt ruột. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng, sự thận trọng trong việc sàng lọc cổ phiếu niêm yết là cần thiết. Bởi cần phải xem xét, đánh giá xem điều kiện nâng chuẩn như trong dự thảo nghị định trên liệu đã kín kẽ? Có thật là nếu chỉ dựa vào những tiêu chuẩn kể trên thì hàng hóa niêm yết trên sàn sẽ được thanh lọc và đạt chất lượng tốt?
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam từng nhận định, việc lấy tiêu chí dựa trên quy mô vốn điều lệ của DN niêm yết là không ổn, vì nhiều DN có vốn lớn nhưng tổng tài sản lại nhỏ và ngược lại.
Ở tiêu chí lợi nhuận, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho rằng, DN có thể "phù phép" con số lợi nhuận bằng cách này cách khác. Vì thế, nếu chỉ dựa vào tiêu chí lợi nhuận mà không thêm tiêu chí về sự minh bạch công bố thông tin của DN, NĐT sẽ khó biết được chất lượng thực sự của con số lãi mà DN công bố.
Rõ ràng, dựa vào tiêu chí nào để nâng chuẩn niêm yết vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa vào áp dụng. Trong khi đó, nếu triển khai sàng lọc cổ phiếu, sẽ nảy sinh một loạt vấn đề mà nếu không lường trước và chuẩn bị, sẽ rất rắc rối…
Đó là câu chuyện DN sẽ đi về đâu nếu bị loại khỏi sàn niêm yết? Chỉ riêng việc dựa vào tiêu chuẩn quy mô vốn điều lệ, theo đề xuất của dự thảo Nghị định thì dự kiến sẽ có 86 DN ở sàn TP. HCM bị loại và con số này ở sàn Hà Nội là 90 DN. Các đơn vị này có thể chuyển sàn, đăng ký giao dịch ở UPCoM hoặc quay về thị trường tự do…
Trừ trường hợp chuyển từ sàn TP. HCM sang sàn Hà Nội là không nhiều khác biệt, còn lại lựa chọn nào cũng sẽ khiến cổ đông thiệt hại. Vì chắc chắn, nhà đầu tư sẽ khó mua bán hơn, việc nắm bắt thông tin về hoạt động của DN cũng sẽ không còn thuận lợi khi cổ phiếu còn ở trên sàn.
Ông Phạm Thứ Triệu, một nhà nghiên cứu độc lập cho rằng: "Trước khi tiến hành nâng chuẩn hàng hóa, cần chuẩn bị sân chơi cho những hàng hóa bị loại này. Cũng tương tự như việc phải tính chuyện tái định cư cho người dân trước thì mới mong người dân nhường đất thực hiện dự án".
Trên thực tế, sân chơi cho các đơn vị rời sàn niêm yết cần được đầu tư bài bản hơn. Vì với cách tổ chức như hiện tại, hàng hóa trên sàn UPCoM, trên thị trường OTC gần như mất thanh khoản. Đó có lẽ là lý do khiến nhà đầu tư thường chọn giải pháp rút chạy trước các cổ phiếu mà họ nghĩ rằng sẽ bị loại khỏi sàn. Nếu việc nâng chuẩn niêm yết được chính thức hóa, việc tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi nhóm cổ phiếu báo động đỏ chắc chắn sẽ gây ra những xáo động lớn trên thị trường.
Về phía DN, chưa cần đến những quy định để sàng lọc cổ phiếu, thị trường niêm yết mất tính hấp dẫn khiến nhiều công ty muốn thoái lui. Nếu việc nâng chuẩn niêm yết diễn ra, họ càng có lý do để rời sàn. Làm thế nào để vẫn nâng chất lượng hàng hóa mà không tạo cớ cho DN "bỏ chạy" là cả một câu chuyện đau đầu khác.
Khi vàng thau vẫn lẫn lộn, trách nhiệm "lọc" cổ phiếu lại được đặt trên vai các nhà đầu tư, những người vốn không có nhiều công cụ để có thể có được những thông tin xác thực từ DN niêm yết.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|