Thứ Tư, 21/12/2011 06:31

Chứng khoán té ngửa vì điện tăng giá

Kỳ vọng chứng khoán hồi phục nhờ lãi suất giảm chưa thành thì thị trường đã phải gục ngã sau khi EVN bất ngờ tăng giá điện thêm 5% ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2011.

Với mức tăng bình quân 62 đồng/kWh (+5%) lên là 1.304 đồng/kWh áp dụng từ 20/12/2011, theo tính toán theo mô hình giá Leontief, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ tăng thêm khoảng 0,3% và GDP 2012 giảm khoảng 0,04%.

Mức tăng theo lý thuyết này trên thực tế là không cao và vẫn có cơ sở để Chính phủ nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm tới.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là liệu giá cả sẽ chỉ bị tác động tăng thêm ở mức 0,3% như lý thuyết hay không? Bởi vì, việc tăng giá những nguyên liệu đầu vào luôn có tác động qua nhiều vòng nên có thể đẩy lạm phát tăng lên. Hơn nữa, đây luôn là lý do tác động tâm lý để tăng giá theo kiểu "tát nước theo mưa".

Có thể thấy, điều này khá rõ bởi mỗi khi xăng điện tăng giá thì các hàng hóa khác cũng đồng loạt tăng theo với mức tăng mạnh hơn khá nhiều. Và mỗi khi tăng thì giá cả rất hiếm khi quay giảm trở lại, kể cả trong trường hợp các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu có được điều chỉnh giảm trở lại.

Trong một phát biểu gần đây, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - đơn vị sắp tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (28-12), đã kiến nghị cần khẩn cấp cứu TTCK do thị trường này đã giảm mạnh với vốn hóa mất 125.000 tỷ đồng. Trong khi chức năng là kênh động vốn thì gần như thui chột, chỉ đạt 15.000 tỷ đồng, giảm 80% so với năm trước.

Về quan điểm của mình, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ đối với TTCK và đề cập rất mạnh về việc giảm lãi suất huy động, để theo đó, lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm, giảm bớt sự khó khăn đang đè nặng lên vài các doanh nghiệp.

Định hướng thì như vậy, nhưng để thực hiện các chính sách vĩ mô hỗ trợ kinh tế phát triển không hề dễ dàng, nhất là khi tình hình kinh doanh của các tổng công ty, tập đoàn đang nắm giữ những mặt hàng then chốt của nền kinh tế là EVN và Petrolimex tệ hại như hiện nay.

Để hạ lãi suất, trên cơ sở phải ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 11, thì điều tiên phải quan tâm là chỉ số CPI.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất do vậy các nhà đầu tư không nên nghĩ về một chính sách tiền tệ, tín dụng nới lỏng. Sự hỗ trợ trong năm 2012 có chăng chỉ là ở cách điều hành vĩ mô theo chiều hướng linh hoạt và uyển chuyển hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, giá cả hàng hóa tháng 12 này sẽ tăng khoảng 0,6% do chịu tác động của nhiều yếu tố gây tăng giá như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, cận tháng Tết Âm lịch. Tháng 12 là tháng không chịu tác động của điện tăng giá. Tác động đầu tiên sẽ rơi vào tháng 1/2012.

Theo đánh giá của VCSC, với việc giá điện tăng bình quân tăng thêm 5%, CPI sẽ tăng thêm 0,12% vào tháng 1. Ngoài tác động trực tiếp lên CPI, tăng giá điện có thể tác động gián tiếp lên CPI do điện là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.Tác động gián tiếp của giá điện lên CPI lớn hơn khoảng 3-4 lần so với tác động trực tiếp nhưng tác động này tác động chủ yếu rơi vào tháng 2, tháng 3.

Theo VCSC, CPI tháng 1 sẽ tăng khoảng 1,2% so với tháng trước đó khi Tết đang đến gần.

Các tháng tiếp theo (2, 3, 4 và 5) chưa được dự báo. Tuy nhiên, đây thường là những tháng tăng cao trong năm. Trong năm 2011, CPI tăng tương ứng trong các tháng này là 2,09%, 2,2%, 3,32% và 2,21%.

Những con số này cho thấy, sự lạc quan về sự ổn định lạm phát đang bị đe dọa. Nó cũng sẽ đồng nghĩa với việc sẽ không sớm có sự nới lỏng hay linh hoạt nào về tiền tệ và tín dụng. Lãi suất sẽ chỉ giảm một cách thực sự khi lạm phát kỳ vọng giảm và thời điểm này có thể diễn ra vào cuối quý II/2012.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn lo lắng về một cú sốc tỷ giá cho dù các chuyên gia đều khẳng định sẽ không có cú phá giá kỷ lục 9,3% như trong năm nay.

Trong phiên giao dịch 20/12, cả hai sàn chứng khoán đã "đỏ lửa" bất chấp nhóm trụ gồm BVH, MSN và VIC cùng các cổ phiếu ngân hàng giữ được đà tăng.

Kết thúc phiên, VN-Index giảm 1,73 điểm (-0,47%) xuống 365,67 điểm với 55 mã tăng, 177 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index đóng cửa giảm 0,86 điểm (-1,43%) xuống còn 59,33 điểm.

Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngao ngán và tuyệt vọng về sự phục hồi của thị trường sau khi giá điện được điều chỉnh tăng.

Trước đó,  nhiều người dân đã tin tưởng rằng từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không có chuyện tăng giá xăng, giá điện như lời của một vị Bộ trưởng. Nó trái với khẳng định việc điều chỉnh giá phải theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Và thực tế, làn sóng tăng giá đang đến, tăng giá điện, tăng giá máy bay, tăng giá tàu, xe là một chỉ dấu báo hiệu cho một lạm phát mới mà người dân phải đón nhận trong dịp đón chào năm mới.

 Mạnh Hà

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   21/12: Bản tin 20 giờ qua (21/12/2011)

>   Khối ngoại bất ngờ duy trì mua mạnh trên HNX (20/12/2011)

>   TLT giải trình giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (20/12/2011)

>   Giao dịch èo uột, CTCK nặng gánh với phí (20/12/2011)

>   Gót chân Asin của chứng khoán Việt (20/12/2011)

>   Chứng khoán: Một năm thất bại toàn diện (20/12/2011)

>   20/12: Bản tin 20 giờ (20/12/2011)

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp (19/12/2011)

>   Hãy đặt thị trường chứng khoán về đúng vị trí (19/12/2011)

>   Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 1) (19/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật