Xăng sinh học ế
Nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học (ethanol - nhiên liệu để pha trộn với xăng) có công suất lên đến hàng trăm triệu lít/năm đang lo sốt vó vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trong nước mà phải bán sang Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp trong ngành nhiên liệu sinh học, hoạt động phân phối xăng sinh học phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phân phối xăng dầu hiện tại, nhưng một số doanh nghiệp đầu mối lại dửng dưng, cơ quan chức năng đủng đỉnh...
Trong nước thờ ơ...
Là người đi tiên phong ở thị trường nhiên liệu sinh học, ông Lưu Quang Thái, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Xanh, cho biết đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ethanol tại Đại Lộc, Quảng Nam từ tháng 3-2010. Nhà máy có công suất thiết kế lên đến 125 triệu lít/năm. Theo ông Thái, xăng sinh học (xăng E5) không thể tự phân phối, bởi đây là loại xăng trộn 5% ethanol với 95% xăng không chì truyền thống nên “số phận” của xăng E5 phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện tại.
Theo ông Thái, khi xây dựng nhà máy, mục tiêu của Công ty cổ phần Đồng Xanh là tiêu thụ nội địa 50% và 50% xuất khẩu. Nhưng hiện nay hệ thống bán lẻ trong nước thờ ơ, bán nhỏ giọt nên khoảng 90% sản lượng ethanol sản xuất phải xuất khẩu. “Nhiều nước trên thế giới đang ồ ạt nhập vì họ đã nghiên cứu lợi ích vượt trội của xăng sinh học. Điều tôi trăn trở là tại sao hàng tốt, rẻ, có lợi cho môi trường mà người dân trong nước không được sử dụng, việc thâm nhập hệ thống phân phối vẫn khó khăn?” - ông Thái băn khoăn. Một số doanh nghiệp khác cho biết hiện nay đang phải xuất khẩu xăng sinh học sang Trung Quốc.
Hiện đơn vị đi đầu và tỏ ra hăng hái trong việc phân phối, bán lẻ xăng E5 từ tháng 8-2010 là Tổng công ty Dầu VN (PV Oil - thuộc Petro VN). Ông Lê Xuân Trình, phó tổng giám đốc PV Oil, cho biết hiện nay trên cả nước PV Oil có 106 cửa hàng bán xăng E5. Theo kế hoạch, công ty đang đẩy mạnh cải tạo, chuyển đổi hệ thống cửa hàng để chuyển toàn bộ sang bán xăng E5 trong năm 2011.
Xăng sinh học là gì?
Xăng dầu sinh học là hỗn hợp pha trộn giữa xăng dầu thông thường với ethanol theo tỉ lệ 5% ethanol sẽ ra sản phẩm E5, 10% ra sản phẩm E10 và 25% ra sản phẩm E25. Tại VN, động cơ xe có thể sử dụng được đến sản phẩm E10. Với các tỉ lệ cao hơn cần có sự can thiệp vào động cơ xe. |
Tuy nhiên, chỉ với sự tham gia của PV Oil trong khi “ông lớn” trong ngành xăng dầu - đơn vị chiếm tới 60% thị phần của ngành này là Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) lại chưa có động thái tham gia thị trường này, nên các nhà máy sản xuất ethanol đang lo sản phẩm làm ra sẽ bị ế ẩm. Hiện công suất của bốn nhà máy sản xuất ethanol đã đi vào hoạt động đạt tới 320 triệu lít ethanol/năm. Chưa kể, Petro VN còn đang đầu tư ba nhà máy sản xuất ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước với năng lực sản xuất khoảng 300 triệu lít/năm.
Ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (phụ trách nhà máy ethanol Bình Phước), cho biết doanh nghiệp đã quy hoạch vùng nguyên liệu, có hợp đồng bao tiêu củ mì (sắn) - nguyên liệu sản xuất ethanol - với bà con nông dân. Nhưng với tình hình hiện nay, hàng trăm triệu lít ethanol có nguy cơ ế ở trong nước.
Ngại kiểm định lại cột đo?
Một đơn vị hoạt động trong ngành bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM cho biết hiện nay rất nhiều cây xăng, đại lý đang sống bằng xăng dầu “ngoài luồng” - tức hàng không hóa đơn, chứng từ và sai số cột đo. Do đó, các doanh nghiệp ngại thay đổi vì khi kiểm tra toàn bộ hệ thống, cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện các yếu tố về mặt kỹ thuật không đảm bảo, cột đo bị thiếu...
Ông Lưu Quang Thái cũng cho rằng: “Lâu nay họ mua hàng của ai, mức lời như thế nào, lượng hàng ra sao đã thành thói quen nên các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu ngại thay đổi. Hơn nữa khi chuyển sang bán xăng E5, bồn chứa sẽ phải kiểm tra lại, cột bơm xăng phải đo lại nên đại lý e ngại”.
Không ảnh hưởng an ninh lương thực
Do sử dụng nguyên liệu là củ mì (sắn) nên hiện nay có một số ý kiến lo ngại việc đưa vào hoạt động đồng loạt các nhà máy sản xuất ethanol sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN, lượng củ mì nguyên liệu dư thừa cho nhu cầu của tất cả nhà máy.
Cụ thể, lượng củ mì sản xuất mỗi năm hơn 8 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng cho tám nhà máy sản xuất cồn (gồm cả cồn công nghiệp và ethanol) trong năm 2012 chỉ 1,05 triệu tấn và đến năm 2015 là 1,72 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp sản xuất ethanol đã hướng đến nguồn củ mì đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề còn lại là điều tiết phù hợp nguồn củ mì sử dụng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, sắn sản xuất tinh bột, nguồn xuất khẩu và nguồn cho các nhà máy bằng chính sách thuế xuất khẩu có lợi cho cả nhà nước và bà con nông dân. |
Một lý do khiến các doanh nghiệp đầu mối và đại lý xăng dầu chưa tham gia pha trộn và phân phối xăng sinh học vì cho rằng phải bỏ thêm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Trình, PV Oil đang triển khai lắp đặt ba trạm trộn công suất mỗi trạm 280.000m3 sản phẩm/năm tại ba tổng kho xăng dầu Nhà Bè, Vũng Tàu, Đình Vũ (Hải Phòng). Tổng mức đầu tư ba tổng kho hơn 19 tỉ đồng. Ngoài ra, với các cây xăng, chi phí cải tạo khoảng 20 triệu đồng. Các trạm trộn công suất 1.000m3/tháng chi phí khoảng 2 tỉ đồng và thời gian thi công chỉ mất ba tháng.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, một trong những trở ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường xăng sinh học là cơ quan quản lý chưa thật sự tạo lộ trình phù hợp. Theo dự thảo quyết định về việc phê duyệt bắt buộc tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Bộ Công thương soạn thảo để trình Chính phủ, đến ngày 1-7-2013 mới áp dụng đối với bảy tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Cần Thơ. Đến năm 2015 mới bán xăng E5 trên toàn quốc.
Tiết kiệm hàng trăm triệu USD
Theo các chuyên gia trong ngành xăng dầu, khi thị trường xăng sinh học được vận hành đồng bộ, dù doanh nghiệp đầu mối mất thêm một khoản chi phí đầu tư nhưng lại lợi ích lớn về mặt xã hội, người tiêu dùng. Cụ thể hiện nay nếu sử dụng xăng E5, giá bán rẻ hơn 200 đồng/lít so với xăng A92. Ngoài ra, theo các chuyên gia, khi đã chủ động được nguồn nguyên nhiên liệu trong nước, mỗi năm nền kinh tế cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu USD ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành xăng dầu, lợi ích lớn nhất của việc sử dụng xăng, dầu sinh học là về môi trường. Các nước trên thế giới như Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... đã sử dụng đồng loạt xăng với tỉ lệ trộn ethanol từ 5-25%. Các quốc gia này đã nghiên cứu và chứng minh xăng dầu sinh học giảm được ít nhất 30% khí thải CO, đồng thời tăng diện tích cây xanh do xăng sinh học được sản xuất chủ yếu từ củ mì, mía...
Tại VN, đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025 cũng xác định việc sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Hiện nay Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn VN đối với xăng, dầu diesel pha 5% ethanol và các lô xăng E5 bán ra thị trường phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Bạch Hoàn
TUỔI TRẺ
|