Thứ Sáu, 11/11/2011 15:54

Ai hưởng lợi nhiều nhất từ giá bán xăng dầu?

Hàng tỷ người trên thế giới trả tiền mua xăng dầu mỗi ngày, nhưng hầu hết mọi người không biết giá mặt hàng thiết yếu với đời sống này được tính như thế nào. Hãng tin BBC đã thực hiện phân tích giá xăng để độc giả có một cái nhìn rõ hơn xem đâu là những đối tượng hưởng lợi và họ hưởng lợi như thế nào từ giá bán xăng dầu.

Biểu đồ phân tích giá một thùng quy dầu (USD/thùng) qua các năm từ 1995 đến 2013 (dự báo), nguồn: Wood Mackenzie. (Exploration costs: Chi phí thăm dò; Capital Costs: Chi phí đầu tư cơ bản; Operating costs: Chi phí vận hành giàn khoan; Tax: Thuế; Cash margin: Lợi nhuận doanh nghiệp).

BBC lấy mức giá xăng bán lẻ để tính toán là giá xăng tại Anh, với 1,34 Bảng Anh, tương đương khoảng 46.600 VND, cho 1 lít xăng không chì.

Ở Anh, khoảng 60% số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra cho 1 lít xăng là tiền thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Như vậy, đối tượng hưởng lợi đầu tiên và lớn nhất chính là chính phủ.

Hơn 5% trong mức giá xăng nói trên là tiền lãi cho hãng bán lẻ xăng. Tuy nhiên, theo BBC, trong một số trường hợp, tỷ lệ này chỉ vào khoảng hơn 1%. Điều này lý giải vì sao nhiều nhà bán lẻ xăng ở Anh quốc đang rất chật vật bấp chấp giá xăng dầu tăng cao gần đây.

Sau thuế, hạng mục lớn tiếp theo cấu thành giá bán lẻ xăng chính là giá trị xăng. Với giá xăng ở Anh, giá trị xăng chiếm khoảng 30% giá bán lẻ mà người tiêu dùng chịu. Đây là số tiền mà các nhà bán lẻ thực tế phải bỏ ra để mua xăng về bơm vào các trạm bán lẻ.

Giá trị xăng có thể tính dựa trên giá dầu thô - nguyên liệu cơ bản để sản xuất xăng, và chi phí lọc hóa để biến dầu thành xăng. Quy trình lọc hóa trên thực tế chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị của xăng, bởi vậy, BBC chủ yếu đi vào phân tích phần giá dầu.

Giá của mỗi thùng dầu trên thị trường mở được cập nhật liên tục mỗi ngày trên các sàn giao dịch và các phương tiện thông tin đại chúng. Vào ngày 9/11, giá dầu thô Brent ở London vào khoảng 115 USD/thùng. Tuy nhiên, việc phân tích con số này lại không hề đơn giản.

Những người có quan điểm hoài nghi có thể cho rằng, lý do đằng sau cái khó này là sự che đậy của những lợi ích trong ngành công nghiệp dầu lửa. Nhưng nếu thực hiện phân tích dựa trên chi phí thực tế của việc sản xuất dầu lửa, thay vì mức giá của dầu lửa, có thể đem đến một cách lý giải đơn giản hơn.

Trên thị trường thế giới hiện không có một loại dầu làm chuẩn nào để xác định chính xác chi phí sản xuất dầu. Giá thành của mỗi thùng dầu rất khác nhau, tùy thuộc vào mỗi giàn khoan mà các thùng dầu được khai thác.

Chẳng hạn, một thùng dầu thường từ Saudi Arabia tiêu tốn khoảng 2-3 USD để bơm lên khỏi mặt đất, trong khi một thùng dầu khai thác từ vùng Alberta của Canada lại tiêu tốn hơn 60 USD. Tuy vậy, chi phí này còn chưa bao gồm những khoản đầu tư khổng lồ khác của các công ty dầu lửa để có được dầu.

Đầu tiên, các công ty cần phải thăm dò để tìm dầu. Khoan một giếng thăm dầu ở khu vực nước sâu có thể tiêu tốn 100-200 triệu USD, trong khi cơ hội tìm thấy dầu - theo các chuyên gia trong ngành - chỉ là 25%.

Tiếp đó, công ty phải trả tiền thuê mỏ dầu, thuê giàn khoan, lắp đặt các đường ống dẫn, ký kết các hợp đồng vẫn chuyển dầu tới nhà máy lọc… Quy trình này có thể kéo dài khoảng 7 năm từ khi phát hiện thấy dầu cho tới khi dầu được khai thác và chiếm chừng 20% giá thành của một thùng dầu. Tuy vậy, tỷ lệ này đang dần tăng lên khi thế giới cạn dầu và các công ty buộc phải khoan tìm dầu ở độ sâu lớn hơn và ở những khu vực xa xôi hơn.

Đến đây, các công ty dầu lửa phải vận hành giàn khoan, trả lương cho công nhân giàn khoan… với số tiền chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm.

Cuối cùng, doanh nghiệp còn phải nộp thuế và bỏ túi một khoản lợi nhuận nhất định. Hai hạng mục này chiếm khoảng 2/3 giá dầu trong năm 2011. Và như thế, đối tượng hưởng lợi chính vẫn là các chính phủ.

Thuế suất đánh vào lợi nhuận của các công ty dầu lửa ở Anh là 62%, ở Nauy là hơn 80%, thậm chí lên tới khoảng 90% ở các công ty khác.

Tuy nhiên, bất chấp mức thuế cao, lợi nhuận chưa tính tới chi phí tài chính của các công ty dầu lửa năm nay vẫn vào khoảng 25% giá dầu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận ở các năm khác nhau rất khác nhau. Như vào năm 2009, tỷ suất lợi nhuận của các công ty dầu lửa chỉ là 9%, còn vào năm 1998, các công ty dầu lửa làm ăn không có lãi.

Mức lợi nhuận mà các công ty dầu lửa thu được phụ thuộc nhiều vào giá dầu thực tế trên thị trường mở. Độ chênh lệch giữa giá bán dầu trên thực tế và giá thành sản xuất lại phụ thuộc tương quan cung - cầu dầu và hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Khi nguồn cung thắt chặt, giá dầu tăng, và ngược lại, khi nhu cầu giảm, giá dầu giảm. Quan trọng hơn, các kỳ vọng của thị trường về cung - cầu là nhân tố lớn tác động tới giá dầu. Không ai có thể xác định chính xác, nhưng giới đầu cơ được cho là đang ngày càng có ảnh hưởng lớn tới giá dầu.

BBC kết luận, cho dù giới đầu cơ, các nhà đầu tư, chính phủ hay các công ty dầu lửa được lợi từ giá xăng dầu cao, thì có một điều chắc chắn là, thiệt hại rốt cục vẫn rơi vào tay người tiêu dùng.

An Huy

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Dầu tăng vọt hơn 2% theo chứng khoán Mỹ (11/11/2011)

>   Dầu giảm hơn 1% xuống dưới 96 USD/thùng (10/11/2011)

>   Nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 14% vào năm 2035 (09/11/2011)

>   Dầu lên sát 97 USD/thùng sau 5 phiên leo dốc liên tiếp (09/11/2011)

>   Argentina tìm thấy mỏ dầu đá phiến cực lớn (08/11/2011)

>   Giá xăng nhập khẩu giảm lại (08/11/2011)

>   Dầu vượt 95 USD/thùng lên cao nhất từ cuối tháng 7 (08/11/2011)

>   Hiện chưa phải thời điểm thích hợp tăng giá than (07/11/2011)

>   Giá dầu thô dưới 100 USD mỗi thùng là tối ưu? (06/11/2011)

>   Xu hướng giảm lan tỏa khắp thị trường dầu mỏ (06/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật