Thứ Năm, 10/11/2011 10:01

Vụ SJS: Khi "ông chủ" bất hòa với người đại diện

Sự việc lình xình tại CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) tiếp tục gây lo lắng cho các cổ đông khi mới đây ngày 4/11, Tập đoàn Sông Đà có quyết định rút đại diện phần vốn của Tập đoàn đối với ông Phan Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty và không giới thiệu ông này tham gia HĐQT của Sudico nữa.

Khi nào bãi miễn người đại diện

Tập đoàn Sông Đà cử ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 6, làm tổ trưởng người đại diện phần vốn. Ông Hùng đại diện phần vốn 323,007 tỷ đồng (tương ứng 32,3% vốn điều lệ Công ty Sudico) của Tập đoàn Sông Đà tại Công ty Sudico. Tập đoàn Sông Đà giới thiệu ông Hùng để ĐHCĐ Công ty Sudico bầu là thành viên HĐQT với dự kiến thay thế ông Phan Ngọc Diệp giữ chức Chủ tịch Sudico.

Trao đổi với ĐTCK, một số đại diện cổ đông tổ chức cho biết, họ rất lo lắng bởi ông Diệp từng là người gắn bó nhiều năm với Sudico, là người kiến tạo các dự án của Công ty này, tới đây thay đổi Chủ tịch HĐQT Công ty, doanh nghiệp sẽ vận hành ra sao?

Trên thực tế xung đột giữa chủ sở hữu vốn nhà nước và người đại diện không phải hiếm khi xảy ra bởi đại diện vốn nhà nước thường gắn với những chức danh lãnh đạo cấp cao trong công ty và có những quyền lợi đi kèm không nhỏ. Khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động của người đại diện hiện nay thực hiện theo Nghị định 59/2009 và Nghị định 66/2011. Ngoài ra, mỗi cơ quan, tổ chức sở hữu vốn nhà nước lại ban hành những quy chế, điều kiện riêng về hoạt động của người đại diện. Đơn cử như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có Quy chế người đại diện, thực hiện quy chế này là cơ sở để xem xét việc đề cử hay bãi miễn người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo báo cáo của SCIC, từ trước đến nay, cơ quan này đã bãi miễn trên 40 người đại diện vốn nhà nước. Phần lớn những trường hợp này không hợp tác với SCIC, không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của công ty cho ông chủ. Cũng có tình huống, người đại diện biểu quyết không đúng chỉ đạo của SCIC, trong trường hợp này, chế tài xử lý là chấm dứt ủy quyền.

Khi DN hoạt động theo mô hình CTCP, ông chủ nhà nước thực hiện các quyền như một cổ đông. Lãnh đạo một tập đoàn cho hay, rút quyền đại diện vốn của người đại diện cho tập đoàn tại DN, ông chủ không cách chức thành viên HĐQT, không rút chức chủ tịch HĐQT của cá nhân đó, mà chỉ rút quyền đại diện vốn, không đề cử tham gia HĐQT. Việc thay thế thành viên HĐQT sẽ do ĐHCĐ quyết định, HĐQT sẽ quyết định vị trí Chủ tịch HĐQT.

Quan trọng là cách làm

Nếu như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước đủ lớn tại doanh nghiệp để có quyền định mọi vấn đề (trên 75%) thì câu chuyện của Sudico không có gì đáng nói, tuy nhiên do tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà tại doanh nghiệp này là 36,3% nên xung đột tại Sudico có thể còn dai dẳng. Trong trường hợp của Sudico có 2 khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, nhân sự mới Tập đoàn giới thiệu ứng cử thành viên HĐQT giành được sự đồng thuận cao của các cổ đông bên ngoài và nhanh chóng được bầu vào vị trí cao nhất trong Công ty để sớm ổn định trở lại hoạt động DN. Thứ hai, nhân sự mới không giành được sự đồng thuận, nội bộ của Công ty sẽ tiếp tục rối ren.

Không ít cổ đông của Sudico cho rằng, động thái "thay tướng" tại Sudico của Tập đoàn Sông Đà ở góc độ nào đó chưa làm thỏa mãn các cổ đông. Nên chăng, Tập đoàn ngồi lại với các cổ đông lớn của Sudico, thảo luận thống nhất về nhân sự rồi mới có quyết định để tạo sự tâm phục khẩu phục trước khi ĐHCĐ Sudico diễn ra.

Nói về kinh nghiệm để một doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động trở lại khi có sự thay đổi người đại diện vốn kéo theo sự đổi ngôi về nhân sự cấp cao, một đại diện của SCIC chia sẻ, cơ quan này thường tham khảo ý kiến của cơ quan chủ quản, địa phương, thậm chí thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm tại doanh nghiệp với người mới được giới thiệu. Cũng có trường hợp, tìm tại doanh nghiệp không cá nhân nào đủ khả năng đảm đương chức vụ mới, SCIC buộc phải chọn một người ở ngoài, đó có thể là chính cán bộ của SCIC. Trường hợp ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC đảm nhận chức vụ người đại diện vốn của SCIC kiêm Tổng giám đốc Pacific Airlines; hoặc một trưởng ban quản lý rủi ro của SCIC hiện là Chủ tịch Công ty Domesco là ví dụ.

Cũng có trường hợp người đại diện không đồng tình với quyết định rút quyền của chủ sở hữu vốn và kiện trở lại quyết định của chủ sở hữu vốn. Tuy nhiên, trường hợp kiện ngược như vậy ít có kết quả với phần thắng thuộc về người đại diện.

Trở lại trường hợp của Sudico, nhiều NĐT tỏ ra tiếc nuối cho một doanh nghiệp từng có lợi nhuận rất tốt, cổ phiếu thuộc dạng "hot" trên sàn chứng khoán. Khi doanh nghiệp có mâu thuẫn nội bộ, tất cả cổ đông đều không được lợi. Sự vụ tại Sudico đang là nỗi lo với nhiều nhà đầu tư, trong đó có không ít cổ đông nước ngoài bởi tương lai của DN khó xác định, đồng nghĩa với không thể tính trước rủi ro cho khoản đầu tư. Trong khi đó, thoái vốn tại thời điểm này thì dường như là nhiệm vụ "bất khả thi" vì thanh khoản của TTCK quá yếu.     

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cổ đông SJS có quyền khởi kiện nếu quyền lợi bị xâm hại (10/11/2011)

>   "Khoảng trống" thông tin về sức khoẻ tài chính CTCK (09/11/2011)

>   PVR: 18/11 chốt quyền dự ĐHĐCĐ bất thường (09/11/2011)

>   EVE: Lãi hợp nhất 9 tháng đạt 91% kế hoạch nhờ ổn định giá vốn (09/11/2011)

>   DCC: Lấy ý kiến hủy niêm yết (09/11/2011)

>   DXV đổi tên thành Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng (08/11/2011)

>   UDC: 16/11 chốt quyền lấy ý kiến bổ sung ngành nghề kinh doanh (08/11/2011)

>   Vietcombank mua phải đất tranh chấp? (08/11/2011)

>   HDG rao mua dự án bất động sản (07/11/2011)

>   Tổng giám đốc SZL giải thích về phản ánh nước thải bị ô nhiễm (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật