Trung Quốc: Ưu đãi để tạo ra các công ty "hoàng đế" và “vua”
Những ngày hội nghị APEC vừa qua, vấn đề bảo hộ doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã gây rất nhiều tranh cãi, đó không còn là cuộc đối đầu riêng Mỹ-Trung về đồng NDT, phương tiện giúp Bắc Kinh thực hiện các biện pháp chống lưng cho doanh nghiệp quốc doanh, mà đã trở thành mối e ngại toàn cầu khi Bắc Kinh đang dần giết chết ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của các nước thuộc châu Mỹ La Tinh.
|
Các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đang dần nuốt chửng khu vực tư nhân. Ảnh: Economist |
Việc Trung Quốc gia nhập vào WTO năm 2001 đã khiến nhiều người hy vọng sẽ hạn chế sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng thực tế, 10 năm qua là thời gian vàng cho các doanh nghiệp này tung hoành mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã đanh thép cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản nhà nước. Một báo cáo Quốc hội được phát hành vào ngày 26.10 có nội dung phản đối chống lại những lợi thế cạnh tranh không công bằng mà các công ty thuộc sở hữu nhà nước được thừa hưởng, đồng thời than phiền rằng Trung Quốc đang đem lại cho các công ty này “một vai trò nổi bật hơn ".
Cuốn sách mới tựa đề "China’s Regulatory State " của tác giả Roselyn Hsueh thuộc trường Đại học Temple, Philadelphia, Mỹ đã đưa ra các tài liệu làm sáng tỏ cách thức chính phủ Trung Quốc âm thầm gây cản trở các lực lượng trong thị trường trên đủ các lĩnh vực khác nhau, từ viễn thông đến dệt may, chẳng hạn như điều tiết tín dụng giá rẻ tới các doanh nghiệp trong nước, thực thi các quy định có chọn lọc nhằm kiềm hãm khu vực tư nhân không vươn được ra khỏi “vị trí” của họ. Các công ty nhà nước như China Telecom có thể thống trị thị trường trong nước mà không cần làm việc với cơ quan chống độc quyền, nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài như Coca-Cola nỗ lực thâu tóm các công ty địa phương thì họ có thể bị chặn. Mặc dù trong tuần trước, Trung Quốc đã phê duyệt gói thầu thâu tóm thương hiệu chuỗi nhà hàng Trung Quốc Little Sheep của tập đoàn thức ăn nhanh Yum! Brands có trụ sở tại Mỹ, hiện đang sở hữu các thương hiệu danh tiếng thế giới, như KFC, Pizza Hut.
Trong các ngành công nghiệp được xem là mũi nhọn, chính phủ Trung Quốc buộc phải hợp nhất. Những doanh nghiệp kếch xù đều nằm trong tay Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC), kiểm soát khoảng 120 doanh nghiệp quốc doanh. Tổng cộng, SASAC sở hữu 3,7 nghìn tỉ USD giá trị tài sản. Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu của Mỹ, tập đoàn Boston Consulting (BCG) đã gọi SASAC là "bộ phận quyền lực nhất chưa từng thấy trước đó". Không những vậy, một số doanh nghiệp nhà nước còn có những “người bạn” quyền lực khác và không dễ gì làm khó được các doanh nghiệp dạng này.
Bằng một số cách, SASAC đang nhắm mục đích đến việc hiện đại hóa các doanh nghiệp của mình, như ngành công nghiệp thép. Trung Quốc đã từng có những nhà máy thép nhỏ lẻ hoạt động rải rác không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, chính SASAC đã kêu gọi họ hợp nhất lại, tạo ra ba "hoàng đế" và năm "vị vua" thống trị lĩnh vực này. Theo GS Quản trị quốc tế Peter Williamson từ ĐH Cambridge, Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có đủ các công ty sản xuất thép để thúc đẩy cạnh tranh trong nước, và còn đủ mạnh để liên doanh ở nước ngoài.
Theo báo cáo của Quốc hội, các công ty thuộc sở hữu nhà nước chiếm đến 2/5 GDP phi nông nghiệp của Trung Quốc. Nếu bao gồm luôn các công ty được hưởng lợi từ hỗ trợ nhà nước (ví dụ, trợ cấp tín dụng) thì con số này tăng lên đến một nửa. Các công ty thực sự độc lập rơi vào tình trạng “đói” tín dụng chính thức, do đó họ phải trông đợi vào hệ thống ngân hàng ngầm. Hệ thống không chính thức này đều bị đàn áp do chính phủ lo sợ tình trạng bong bóng tín dụng bùng nổ.
Một số người lập luận rằng các công ty thuộc sở hữu nhà nước được hiện đại hóa để gia tăng lợi nhuận và thúc đẩy thành lập các ban giám đốc với các cố vấn độc lập. Số liệu chính thức cho thấy rằng lợi nhuận tại các công ty kiểm soát bởi SASAC đã tăng lên đến 129 tỉ USD trong năm ngoái. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tất cả doanh nghiệp quốc doanh hoạt động có hiệu quả hoặc quản lý tốt. Riêng thị trường đặc quyền truy cập viễn thông và tài nguyên thiên nhiên tạo ra hơn một nửa trong tổng số lợi nhuận. Một nghiên cứu năm 2009 của Viện Nghiên cứu tiền tệ Hồng Kông cho thấy rằng nếu các công ty thuộc sở hữu nhà nước phải trả lãi suất thị trường thì lợi nhuận đó "sẽ hoàn toàn bị xóa sổ".
Bên cạnh đó các công ty nhà nước phải theo đuổi các mục tiêu của nhà nước, trong đó bao gồm nhiều thứ bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận. Chuyên gia David Michael của BCG nhận xét rằng chính phủ buộc các doanh nghiệp nhà nước gánh vác tất cả chi phí phát sinh và nhiều doanh nghiệp cũng đã lên tiếng phàn nàn về sự can thiệp chính thức của nhà nước vào quá trình điều hành công ty.
Dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực cải thiện cách hoạt động của những doanh nghiệp quốc doanh, như đào tạo quản lý, phù hợp hoá các tiêu chuẩn kinh doanh với quốc tế, thiết lập quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, luật sư Curtis Milhaupt thuộc trường Luật Columbia khẳng định rằng những cải cách như vậy là không thực hiện được. Trong một bài báo mới đây, ông nghiên cứu cách thức hoạt động của công ty nhà nước Trung Quốc khổng lồ và đi đến đến kết luận “có vấn đề”. Bất kỳ một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nào niêm yết trên sàn New York, đều tự hào có một hội đồng quản trị "độc lập" hay một vị chủ tịch đầu óc thị trường với tấm bằng MBA ở Quản trị Kinh doanh Harvard, ông phát hiện ra rằng tất cả đều dẫn về một công ty cốt lõi có quan hệ chặt chẽ tới SASAC. Ông cho rằng cải cách thực chất sẽ đạt được khi và chỉ khi các doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuyết Hạnh (Economist)
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|